“Dấu ấn” của phóng viên ảnh

Thứ Tư, 21/06/2017, 15:54
“Dấu ấn”, tên cuộc triển lãm chung đầu tiên của hơn 70 nhà báo chuyên ảnh miền Bắc mang đến thứ cảm xúc thật nhất, đẹp nhất của hàng trăm khoảnh khắc báo chí...


Có lẽ đã từ rất lâu, tại Hà Nội mới có một triển lãm ảnh đáng xem đến thế. Nó kỳ lạ bởi trong hàng trăm bức hình treo kín phòng triển lãm 29 Hàng Bài tuyệt nhiên không có những thứ ngôn ngữ ánh sáng tầm thường, nhàn nhạt khiên cưỡng gửi gắm “ý tứ”.

Chiến sĩ PCCC Hà Nội cứu một em bé trong đám cháy chung cư Xa La, Hà Đông, tháng 10-2015. Tác giả: Nguyễn Tiến Anh Tuấn

Nó là sự ghi chép bằng hình ảnh quánh đặc hơi thở cuộc sống, là mồ hôi, là nước mắt của một nhóm nhà báo trẻ trong hàng chục năm qua chỉ để truyền tải đến công chúng một góc nhìn ảnh báo chí hiện đại diễn ra vỏn vẹn vài ngày, thật tiếc quá, như nhiều người yêu ảnh than thở.

“Dấn ấn”, tên cuộc triển lãm chung đầu tiên của hơn 70 nhà báo chuyên ảnh miền Bắc mang đến thứ cảm xúc thật nhất, đẹp nhất của hàng trăm khoảnh khắc báo chí. Đó là một khoảng lặng chững lại tổng kết, để những PV ảnh hàng đầu Việt Nam dừng lại lau vội giọt mồ hôi mỉm cười nhìn ngắm thành quả lao động hơn 3.000 ngày được trang trọng treo lên mảng tường trắng, mỗi khuôn hình như đóng cứng lại một mảnh chuyện đời thực phía bên ngoài kia. 

Em bé chơi bên đống phế liệu ở Hà Nội. Tác giả: Lê Bích
Những cậu bé người Mông ở Hang Kia.  Tác giả: Hiếu Trần

Một PV tham gia triển lãm chia sẻ: "Ảnh báo chí cũng như các thể loại ảnh khác, luôn phải đảm bảo những tiêu chí cơ bản của một bộ môn nghệ thuật - đó là sự sáng tạo và yếu tố kỹ thuật hoàn hảo. Tuy nhiên, tính báo chí không thể tách rời, nó phải chuyển tải thông điệp bằng hình ảnh, phải thúc đẩy được sự tiến bộ tới công chúng".

Đa số chúng ta đánh giá tín nhiệm dựa vào kết quả cuối cùng chứ không dựa vào mô tả quá trình. Làm việc vất vả, nhiệt tình mà kết quả không tốt thì thậm chí còn bị đánh giá là kém năng lực. Thành tích là hoàn thành tốt công việc, không phải thành tích là rưng rưng kể lể những khó khăn vất vả ra sao nhưng kết quả cuối cùng chưa thấy đâu.

Có một chiếc máy ảnh tốt không đồng nghĩa với việc đã trở thành một nhiếp ảnh gia. Và trở thành nhiếp ảnh gia cũng không có nghĩa đã trở thành một PV ảnh. PV ảnh, đó là nghề nghiệp của lòng đam mê và khả năng ngắm nhìn cuộc sống, bắt lấy những sự kiện, khoảnh khắc ý nghĩa cùng tinh thần lăn xả hiếm có.

“Giải cứu” trẻ nhỏ trong lễ hội Đền Hùng. Tác giả: Tiến Tuấn

Nghề PV ảnh là vậy, là thứ nghề vất vả đến “bạc bẽo” xót xa, thành quả vỏn vẹn một bức hình báo chí như người ta nói đôi khi hơn cả vạn lời nói. Trong một đám cháy, lính cứu hỏa chưa triển khai đã thấy thấp thoáng PV ảnh hấp tấp chạy phía trước để kịp ghi lại cái “đẹp” diệt giặc lửa của những chiến sĩ cảnh sát PCCC. Bão chưa đổ bộ đến bờ, PV ảnh cũng đã chầu chực tường thuật khi những gió lớn đầu tiên ngoài biển vào tới đất liền...

“Triển lãm của những người làm nghề nên tác phẩm cũng NGHỀ và để không chỉ là tư liệu phản ánh cuộc sống mà còn hướng cho người chơi ảnh đến cái riêng, cái TÔI, tránh đi cái phong trào luẩn quẩn đề tài và chụp bằng được những gì người khác đã chụp và chụp ở thời khắc ĐỈNH.

Trân trọng các tác giả đã trình làng các tác phẩm, dù biết thừa các tác phẩm đỉnh của mỗi người vì lý do nào đó mà chưa được trưng ra tại đây, chào mừng ngày báo chí 21/6. Cố tình không xem tên tác giả mà vẫn cứ nhận ra sản phẩm của từng người qua ngành học, tính cách và những đôi mắt sắc lém. Thế mới là các anh đang có rất nhiều người theo dõi và ngưỡng mộ”.

Một ghi chép của khách tới triển lãm trong sổ cảm nghĩ, có lẽ, nhóm PV - tác giả những bức hình kể chuyện - sẽ có thêm một kỷ niệm đẹp trong đúng dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và cả đằng đẵng một góc đời làm báo. 

Minh Trí
.
.
.