Đạo tranh”, “đạo ảnh” - chuyện thường ngày ở… nhiều nhà xuất bản

Thứ Hai, 08/05/2006, 15:35

Rành rành là bức họa "Maja khỏa thân" nổi tiếng của danh họa Tây Ban Nha Goya. Nhưng khi được in trên bìa cuốn tiểu thuyết "Bức họa Maja khỏa thân" (NXB Văn nghệ TP HCM, 2001) thì nó lại là của một tác giả người...Việt. Vì rằng, ở phần bìa lót, tịnh không có lấy một dòng cho biết bức tranh tên gì, do ai vẽ. Thay vì điều ấy, NXB chỉ cho ghi mỗi tên người "trình bày bìa" là N.V.H.

Mấy ngày gần đây, báo chí lại sôi lên xung quanh sự kiện bức tranh cổ động "Tất cả trẻ em nghèo được học" vi phạm bản quyền. Cụ thể, bức tranh đã được cấu thành từ bức ảnh "Lớp học vùng cao" của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh. Tác giả của bức tranh - ông Chu Nhật Thăng - không những chưa xin phép lại còn ghi sai tên của tác giả ảnh. Hiện ông Thăng đã chính thức lên tiếng xin lỗi tác giả ảnh, đồng thời nộp lại Ban tổ chức giải thưởng và bằng chứng nhận. Vụ việc làm người ta nhớ tới những sự cố từng gây xôn xao dư luận trong năm 2005 như vụ một bức tranh được giải cao của Hội Mỹ thuật bị phát hiện là sao chép lại một bức tranh của một họa sĩ Nga.

Từ sự việc trên, tôi thử lần giở lại bìa của những cuốn sách được in ở ta trong mấy năm trở lại đây rồi đối chiếu với những dòng ghi trong bìa lót. Và tôi giật mình nhận thấy, các vụ tương tự như những vụ việc mà báo chí vừa phanh phui hóa ra trong khâu xuất bản lại xảy ra với mật độ lớn hơn nhiều! 

Đây kia, rành rành là bức họa "Maja khỏa thân" nổi tiếng của danh họa Tây Ban Nha Goya. Nhưng khi được in trên bìa cuốn tiểu thuyết "Bức họa Maja khỏa thân" (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2001) thì nó lại là của một tác giả người...Việt. Vì rằng, ở phần bìa lót, tịnh không có lấy một dòng cho biết bức tranh tên gì, do ai vẽ. Thay vì điều ấy, NXB chỉ cho ghi mỗi tên người "trình bày bìa" là NVH.

Cuốn "Thơ Puskin" do NXB Văn học ấn hành năm 2001 cũng vậy. Chiếm vị trí trang trọng trên mặt bìa là bức chân dung quen thuộc của nhà đại thi hào (do một họa sĩ Nga vẽ từ thế kỷ XIX). Ấy vậy nhưng ở phần bìa lót, chẳng thấy ai ghi chú điều này mà chỉ thấy ghi người "vẽ bìa" là T.Đ.T.

Thật ra, tôi có thể trích dẫn hàng trăm ví dụ nếu khuôn khổ bài báo cho phép. Và bạn đọc cũng chỉ cần dạo qua một lượt các quầy sách nằm trên các phố Nguyễn Xí, Tràng Tiền hoặc Đinh Lễ là có thể kiểm chứng ngay được. Sẽ không ngoa khi nói rằng, hầu hết các bìa sách có "mượn" tranh "ngoại", các nhà xuất bản ở ta đều chỉ ghi tên của họa sĩ...Việt Nam.

Công bằng mà nói, việc các chuyên gia đồ họa của chúng ta không ghi tên tác giả của những bức tranh (hoặc ảnh) đó trong cuốn sách cũng chưa hẳn xuất phát từ lý do họ muốn nhập nhằng “đạo ảnh”, “đạo tranh”. Bởi thực tế, thù lao mà họ nhận được từ các nhà xuất bản cũng chỉ vào khoảng 200.000 đồng một tấm. Tất cả là do thói quen, do lối nghĩ giản đơn (như cho rằng các bức tranh ấy đã quá phổ biến, chẳng cần "ghi chú"; hoặc cho rằng chỉ có mỗi tấm bìa, việc gì ghi chồng chéo đến mấy cái tên người cho phức tạp). Còn về phía các nhà xuất bản, họ đơn giản chỉ biết đến một đầu mối là người họ đặt làm bìa. Những người này "nộp hàng" và đáp lại, họ ghi tên những người này lên sách, thế thôi.

Chung quy lại, để xảy hiện tượng thoạt nhìn như là “đạo ảnh”, “đạo tranh” ở các xuất bản phẩm, tất cả là do thói quen. Nhưng chúng ta phải khẳng định đó là một thói quen cần phải sửa. Có lý nào với một tác giả rất chuyên nghiệp, như TĐT, người tới nay đã làm cả ngàn bìa sách, mà trong số hàng loạt bìa của những cuốn sách kinh điển anh đã thiết kế, như các cuốn: "Hoàng hậu Macgô" (NXB Hội Nhà văn, 2000), "Trà hoa nữ" (NXB Văn học, 2002), "Chuông nguyện hồn ai" (NXB Văn học, 2001), "Hội chợ phù hoa" (NXB Văn học, 2003), "Đôn Kihôtê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra" (NXB Văn học, 2001), "Anna Karênina" (NXB Văn học, 2003), "Jên Erơ" (NXB Văn học, 2003), "Hồng lâu mộng" (NXB Văn học, 2002), "Cleopatra - Nữ hoàng Ai Cập" (NXB Văn hóa - Thông tin, 2001), "Cuộc đời chìm nổi của Rômanh Canbri" (NXB Văn hóa - Thông tin, 2001)... ấy mới chỉ là một số cuốn tôi lấy từ giá sách cá nhân xuống - tất cả đều sử dụng tranh của các họa sĩ nước ngoài, từ Tây tới Tàu, trong đó có những bức choán từ bìa 1 tới bìa 4, song tất cả chỉ ghi tên một người là... TĐT. Thiết nghĩ, khi các nhạc sĩ phổ thơ của một ai đó, họ còn phải ghi tên tác giả phần lời cơ mà. Các họa sỹ của ta cần lưu ý hơn đến việc này.

Ở trên tôi đã nhắc tới hai chữ "thói quen". Nhưng "thói quen" ấy xuất hiện ở các họa sĩ ta từ khi nào? Tôi lại lần giở chồng sách cũ và thật sự ngạc nhiên khi thấy trước đây, các nhà xuất bản cũng như các nhà trình bày bìa không hề xao nhãng vấn đề tác quyền. Bản in bộ tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" của Viện Văn hóa vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước đã ghi chú bìa sách dựa theo bản minh họa tiếng Nga. Cuốn truyện khoa học viễn tưởng "Tinh vân tiên nữ" do NXB Lao Động ấn hành năm 1974 cũng vậy. Ở bìa lót, các nhà làm sách ghi rõ: "Bìa và minh họa phỏng theo nguyên bản tiếng Nga và bản dịch tiếng Pháp", mặc dù ngoài bìa là gương mặt một phụ nữ với nét vẽ cũng khá đơn giản.

Như vậy, "thói quen" không chú trọng tới vấn đề bản quyền chỉ phổ biến trong giai đoạn việc xuất bản bị "thả nổi". Và thực tế, nếu lãnh đạo các đơn vị xuất bản không kiểm soát chặt chẽ khâu này thì tình trạng vi phạm không còn là "chuyện thường ngày ở... huyện" nữa mà sẽ là "chuyện thường ngày ở... bản". Đó là tôi chơi chữ. Còn nói đầy đủ thì đó sẽ là "chuyện thường ngày ở... nhiều nhà xuất bản"

Hà Khải Hưng
.
.
.