Đào tạo bóng đá trẻ: Từ chuyện ta đến chuyện... Tây

Thứ Ba, 22/10/2013, 09:12
Sau thành công của ĐT U19, VFF tức tốc cải tổ hệ thống đào tạo trẻ khi đưa ra việc thành lập đẩy mạnh việc đầu tư vào Trung tâm đào tạo trẻ do VFF tổ chức, được tập hợp 30 cầu thủ nam, 30 cầu thủ nữ ở độ tuổi U16. Mục tiêu của lớp đào tạo này là hướng đến ASIAD 2019, Việt Nam sẽ có hai ĐTQG hùng mạnh, có khả năng thi đấu ở sân chơi châu lục. Để hiểu rõ hơn chuyện này, ta hãy cùng tham khảo cách làm và mô hình làm bóng đá trẻ của Đức.

1. Lẽ đương nhiên, để nuôi sống một trung tâm đào tạo trẻ như VFF đưa ra cần có nguồn kinh phí lớn, và điều đáng nói là nó phải nhờ ngân sách Nhà nước. Nhưng vấn đề không nằm ở con số bao nhiêu tiền, mà liệu một Liên đoàn bóng đá có cần giữ trách nhiệm đào tạo trẻ hay không?

Điều đầu tiên phải khẳng định ngay rằng, Liên đoàn bóng đá không có chức năng đào tạo cầu thủ trẻ. Tại Đức, nơi có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới, với hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp, hiệu quả và đạt được những thành công vang dội, vai trò của Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) là chỉ đạo, định hướng. Sau thất bại của ĐTQG Đức tạI EURO 2000, DFB buộc phảI hành động. Nhưng hành động từ đâu và kế hoạch thế nào là hai câu hỏi khó nhất. Và rồi, những nhà quản lí đưa ra lời giải đáp: phải giải quyết vấn đề bằng tầm nhìn xa, triệt để và tận cùng, tạo ra sự vững bền lâu dài. Ngay cuối năm 2000, chương trình hành động được DFB xây dựng nghiêm túc, đúng với trách nhiệm của mình: thiết lập hệ thống đào tạo trẻ theo trục dọc. Có nghĩa các CLB chuyên nghiệp và các trường học năng khiếu phải có nghĩa vụ đào tạo trẻ giống như một điều kiện bắt buộc để tồn tại và hoạt động

2. DFB chỉ đạo các CLB Đức phải có cơ sở đào tạo trẻ với 12 đội trẻ từ lứa tuổi 6 đến 18. Nguồn cung cấp cầu thủ trẻ đến từ 3 nguồn: CLB, trường năng khiếu và những ngày hội tài năng (talent day) do DFB tổ chức hằng năm. Tuy nhiên, nền tảng của hệ thống đào tạo trẻ Đức nằm ở chính các CLB. Nó nuôi sống đội bóng và duy trì sự vững chắc cho cả một nền bóng đá. Xác định được kế hoạch, DFB chỉ đạo tất cả các CLB chuyên nghiệp Đức đều phải có trung tâm đào tạo trẻ đủ tiêu chuẩn chất lượng (do DFB đưa ra) với mô hình đồng nhất. Từ kích cỡ sân tập, phòng tập thể lực, lớp học văn hóa, cơ sở vật chất, số lượng HLV (ít nhất 10 người mỗi đội), số lượng đèn chiếu sáng trên SVĐ, đến cả chất lượng bữa ăn, chế độ nghỉ ngơi, giải trí…

Các lớp đào tạo trẻ tại Đức thuộc về các CLB chứ không phải Liên đoàn.

Khi đưa ra quy định này, DFB có một bộ phận đào tạo trẻ với chức năng kiểm tra, kiểm soát chứ không trực tiếp làm việc chuyên môn. Họ cũng có bộ phận theo dõi để triệu tập cầu thủ cho các ĐT trẻ, và làm công tác huấn luyện như ĐTQG. Như vậy, DFB chỉ là người định hướng, xây dựng quy chế, tạo hành lang pháp lí và kiểm soát hệ thống đào tạo trẻ chứ không có nghĩa vụ mở lớp học, xin kinh phí nhà nước để đào tạo. DFB khẳng định: bồi dưỡng, đào tạo cầu thủ phải là một hệ thống đồng nhất từ khi cầu thủ chỉ mới 5, 6 tuổi, trong môi trường bóng đỉnh cao thực sự, chứ không phải chỉ là một lớp học manh mún, nhất thời, đội mục tiêu ngắn hạn, một giải đấu cụ thể nào cả.

Với một hệ thống quy mô như vậy, câu hỏi được quan tâm nhất là: kinh phí ở đâu ra? DFB không chi. Chính phủ Đức không chi. Họ chỉ đầu tư cho các ĐTQG trẻ chứ không bỏ tiền để trực tiếp đào tạo. Chi phí này DFB buộc các CLB phải gánh. Nó được quy định rõ ràng trong luật: Các CLB tùy theo hạng đấu mà phải trích từ 2 đến 5% thu nhập hằng năm để đầu tư cho các cơ sở đào tạo trẻ. Ngoài ra, DFB quy định rõ các CLB phải đảm bảo 3 yếu tố tối thiểu cho các cầu thủ trẻ ở mọi lứa tuổi: 1. Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng; 2. Kiến thức văn hóa, đạo đức cầu thủ; 3. Giải trí. Để đáp ứng đầy đủ, chi phí mà mỗi CLB Đức chi cho 1 cầu thủ hằng tháng dao động từ 200 đến 800 euro tùy theo độ tuổi (chưa bao gồm chi phí du đấu, du lịch, chi phí phát sinh). Tính trung bình mỗi cầu thủ trẻ được đầu tư khoảng 10.000 euro mỗi năm. Ở Bayern Munich, một cầu thủ trẻ tốn khoảng 25.000 euro/năm, thậm chí ở đội trẻ U18, mỗi cầu thủ tiêu hết cỡ 50.000 đến 75.000 euro/năm.

3. Toàn bộ 36 CLB chuyên nghiệp Đức cùng chung tay với DFB thiết lập một hệ thống đào tạo khép kín, đồng nhất. Ở đó DFB đóng vai trò chăm sóc và duy trì hệ thống ấy hoạt động có hiệu quả, ổn định nhất. DFB không thể đào tạo vì họ đang quản lí tới 433 cơ sở đào tạo trẻ trên khắp nước Đức, với trên 700 HLV chuyên môn, gần 1.000 giáo viên xã hội đều được cấp bằng chứng nhận (số liệu năm 2012 từ DFB). DFB luôn hướng đến mục tiêu: các CLB có mạnh, vững chắc từ gốc thì mới có ĐTQG mạnh, khi đó mới tạo ra một nền bóng mạnh.

Đến đây, chưa nói đến chuyện chi phí có thực sự hữu ích, đầy đủ và quy mô đạt tiêu chuẩn hay không, chỉ nói đến vai trò và nhiệm vụ cũng đủ thấy việc một liên đoàn bóng đá sinh ra trung tâm đào tạo trẻ với một nguồn kinh phí công đã là điều cực kì bất hợp lí.

Năm 2010, sau những thành công lớn của bóng đá Đức, với dấu ấn là hệ thống đào tạo trẻ, Liên đoàn Bóng đá Anh, một nền bóng đá được coi là "đất mẹ" của môn thể thao Vua, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ. Họ đến học hỏi và bắt đầu xây dựng hệ thống đào tạo của người Đức, để đến nay bóng đá Anh cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều tài năng. Nếu bóng đá Anh vốn có tiếng bảo thủ còn biết lắng nghe, học hỏi thì tại sao ta không thể?

Và điều cần học đầu tiên của chúng ta là: hãy xóa bỏ những tính toán cổ hủ, lạc hậu cá nhân để làm đúng chức trách, nhiệm vụ của vai trò lãnh đạo!

L.Trung
.
.
.