Đạo sách: Người ngay phải sợ kẻ gian

Thứ Tư, 16/03/2005, 07:42

Mặc cho Việt Nam đã tham gia công ước Berne, nạn in sách lậu vẫn diễn ra công khai và sôi động. Sách càng hay càng là món mồi béo bở của dân in và bán sách lậu. “Mình làm ăn chân chính vậy để cuối cùng cho bọn gian thương hưởng. Chúng tôi cảm thấy chán nản quá", Bà Quách Thu Nguyệt, giám đốc NXB Trẻ cay đắng nói.

Nhìn gương mặt trầm ngâm, tư lự của bà Quách Thu Nguyệt trên chuyến đi Buôn Ma Thuột dự Festival Tây Nguyên 2005, tôi hỏi thăm việc NXB Trẻ bị "luộc" sách hồi đầu năm đã được xử lý tới đâu. Bà lắc đầu chua chát: "Vẫn chưa tới đâu. Điều mà tôi đau nhất, thủ phạm lại chính là một trong những NXB cùng ngành với mình".

Trở về từ Buôn Ma Thuột, tôi lại nhận cuộc điện thoại của Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News mời tham dự cuộc họp báo sáng 16/3. Giọng ông Nguyễn Văn Phước gấp gáp, nghiêm trọng và đầy bức xúc - Công ty ông vừa phát hiện vụ vi phạm nghiêm trọng Công ước Berne và in lậu quy mô lớn các sách đã được Công ty ông mua bản quyền của các nhà xuất bản Mỹ và liên kết với NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản.

Chỉ trong vòng 2 tháng mà 2 đơn vị làm sách, một của Nhà nước và một của tư nhân đã phải công khai lên tiếng chỉ trích và vạch rõ thủ đoạn của những kẻ làm lậu sách với thái độ có thể nói là phẫn uất. Điều đó chứng tỏ, những hành vi này bất chấp Công ước Berne, đang ngày càng xem thường luật pháp. Không phải chỉ mới lần đầu, mà các đơn vị này đã nhiều lần bị những "cú" như thế nhưng cuối cùng vẫn chỉ biết ngậm ngùi vì biết "xử" ai  và ai "xử" cho mình.

"Chôm", "luộc", "đạo"…  đều là ăn cắp

Những từ trên thực chất đều chỉ hành vi ăn cắp. Một người, một băng nhóm ăn cắp tài sản của dân hay của Nhà nước đều là tội phạm và bị xử theo khung hình phạt mà pháp luật đã quy định. Nhưng chuyện ăn cắp bản quyền sách, một lĩnh vực mà nhà đầu tư phải tốn biết bao nhiêu tâm lực và cả tiền bạc để cho ra từng xuất bản phẩm theo đúng quy định lại đang bị giới in lậu, đầu nậu bắt tay với một số NXB thực hiện một cách trắng trợn, công khai. Điều này không những làm rối loạn, mất trật tự thị trường sách, khiến những nhà xuất bản chân chính và người tiêu dùng bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến cái chung - đó là quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Nghe có vẻ cao siêu nhưng thực tế đó đã là một điều có thật vì chính nạn "đạo sách" sẽ làm cho thị trường sách của ta mất đi nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài.  

Cách đây 2 năm, ông Gareth Knight - Giám đốc khu vực châu Á NXB Cambridge đến thăm Việt Nam đã nói rằng: "Chỉ có Việt Nam và Myanmar là có sách in lậu. Sách lậu càng nhiều thì tiến trình hội nhập quốc tế của các bạn càng chậm. Các đơn vị nước ngoài muốn nhảy vào nhìn thấy sách lậu tràn lan họ cũng ngán ngại".

Thiệt hại vẫn là NXB và người tiêu dùng

Thời gian gần đây, NXB Trẻ đã liên tục cho ra đời những quyển sách theo chủ đề học làm người và được độc giả đón nhận như Dám thất bại, Dạy con làm giàu, Quà tặng cuộc sống, Giàu có và hạnh phúc không chỉ qua trường học… Đầu năm 2005, NXB Trẻ phát hiện hơn 10 đầu sách chủ đề này đã bị làm lậu và bày bán trên phố sách và các con đường ở trung tâm Hà Nội. Theo bà Nguyệt cho biết thì những đầu sách bán chạy, NXB thường chỉ tái bản khoảng 1.000 quyển, trong khi bọn in lậu in từ vài ngàn đến hàng chục ngàn bản. Theo kế hoạch thì NXB cho tái bản 5 lần, nay thì chỉ tái bản 2 lần. Thiệt hại quá nặng nề.

Có một thực tế là chính một số hiệu sách bây giờ lại tiếp tay đắc lực cho giới in lậu sách. Họ hào hứng lấy nhiều và tiêu thụ nhiều cho các mối sách "luộc" vì chiết khấu phần trăm cao. Còn giới in lậu, bất chấp luật pháp, cứ in, cứ chép miễn sao có tiền bỏ túi. Nạn nhân của nạn "luộc" sách là NXB, đơn vị liên doanh… còn người tiêu dùng, người đọc sách cũng thiệt thòi không kém. Cứ thử so sánh khi cầm và đọc một quyển sách thật với một quyển sách mà mình biết chắc là giả - người đọc sẽ cảm thấy thế nào - bất an, thiếu tin tưởng và không còn mấy hứng thú với nội dung dù có là sách hay đi nữa

Hạnh Chi - Anh Tiến
.
.
.