Đạo nhạc - “bệnh” của ca sĩ trẻ?

Thứ Sáu, 18/07/2008, 13:05
Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt cái tên vừa quen vừa lạ trong làng giải trí Việt Nam phải đối mặt với các vụ lùm sùm về nghi án đạo nhạc nước ngoài. Điển hình nhất là vụ ca sĩ vô danh Huỳnh Phong với bài "Mặt trời lên".

Trên thực tế, không biết bài "Mặt trời lên" của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Huỳnh Phong hay đến mức nào, nhưng khi các phương tiện truyền thông đưa chuyện anh đạo bài hát này từ bài "Rising Sun" của nhóm nhạc Hàn Quốc TVXQ thì ngay lập tức cái tên Huỳnh Phong được nhiều người biết đến.

Khó có thể nói, đây là chiêu tạo tên tuổi của một ca sĩ vì trò "tạo scandal để đánh bóng thương hiệu" xem ra đã quá cũ trong làng giải trí Việt. Điều này chỉ có thể khẳng định, mức độ "lì lợm" trong tư duy của các nhạc sĩ trẻ của Việt Nam (nếu có thể gọi là vậy) đã đạt đến mức cao thủ.

Trước “sự cố Huỳnh Phong”, cư dân mạng đã nghi ngờ chuyện công chúa Bảo Thy đạo nhạc. Sau Huỳnh Phong, lại thêm chuyện "Vầng trăng khóc" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giống y chang bài hát Paj Huab Lis của Thái Lan. Đương nhiên, vụ này chỉ là nghi ngờ hoặc chỉ có cư dân mạng kiểm chứng bằng cách đối chiếu giai điệu của hai bài hát với nhau.

Cần phải nhắc lại, khi làng sóng đạo nhạc Việt lên đến đỉnh điểm vào cuối thế kỷ XX, hàng loạt nhạc sĩ thành danh phải "chết đuối". Nhiều người đã nghĩ chuyện đạo nhạc vì thế sẽ nhanh chóng tan rã, do đã có nhiều tấm gương trước đó. Nhưng, không hẳn đã là vậy.

Sự định danh vô hình trong làng giải trí khiến các ca sĩ hoặc nhạc sĩ trẻ gần như đã phát cuồng. Có cảm giác, họ bất chấp tất cả để mau chóng được nổi tiếng bằng mọi giá. Dĩ nhiên,  nổi tiếng mà không cần bằng tài năng thực thụ. Hơn nữa, điều cốt lõi nhất, việc ăn cắp nhưng không bị xử lý đúng mức từ phía cơ quan chủ quản càng tạo thêm điều kiện cần và đủ chi hành động xấu này.

Muốn xử lý một vụ đạo nhạc, Cục nghệ thuật phải lập danh sách tác giả và ca khúc bị tình nghi để báo cáo lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Sau đó, Bộ Văn hóa sẽ lập hội đồng thẩm định để giải quyết. Hội đổng này thông qua nhiều kênh thông tin, sẽ tìm ra tác giả của bài hát và tác giả nghi ngờ đạo nhạc. Tiếp đến, liên hệ với hai tác giả này và cần có thời gian để đối chiếu, so sánh từ giai điện cho đến ca từ của bài hát…

Đặc biệt, về nguyên tắc khi muốn xử lý các vụ đạo nhạc cần phải có đơn kiện của người bị đạo nhạc. Nghĩa là, khoan bàn về xử lý, chỉ nhìn đến quy trình xử lý đã thấy rất nhiêu khê.

Oái ăm hơn, ca sĩ trẻ Việt đa phần đạo nhạc của nước ngoài. Mà tác giả nước ngoài nào "rảnh" đến mức đi kiện một tác giả ở đất nước xa lơ xa lắc khác. Thế nên, có bực mình thì cũng chỉ phát biểu trên các phương tiện thông tin của bản xứ mà thôi.

Chung quy cái việc thích đạo nhạc này, theo thiển ý của chúng tôi, liệu chúng ta cần phải giáo dục lại về sự tự trọng cho những ca sĩ lẫn nhạc sĩ trẻ trước khi họ bắt đầu có ý định viết nhạc. Bên cạnh đó, cần phải có một biện pháp xử phạt nặng tay từ các nhà quản lý về vấn đề này (nếu may mắn có được đầu mối), nhằm lấy lại sự tự hào cho những người viết nhạc chân chính. Và trên hết, làm "sạch" làng giải trí Việt

Kinh Hữu
.
.
.