Đạo diễn điện ảnh trẻ: Dần xa đường nghề

Thứ Tư, 18/06/2008, 08:49
Hầu hết các sinh viên, đạo diễn trẻ đều khẳng định: Đã thi vào Khoa Đạo diễn điện ảnh, có mấy ai không mơ ước được làm phim, hoặc ít nhất cũng là một cuốn phim nghệ thuật theo ý mình. Tuy nhiên, từ mơ ước đến thực tế lại là cả một khoảng cách xa vời.

Đồng hành với các sĩ tử cả nước, những ngày này, các thí sinh dự thi vào Khoa Đạo diễn điện ảnh cũng rục rịch chuẩn bị cho cuộc đua mới. Không "hot" như nghề diễn viên hay quay phim, nhưng sự ra đời ào ạt của các kênh truyền hình, các hãng phim tư nhân trong những năm gần đây kéo theo nghề đạo diễn cũng trở nên "có giá".

Lượng thí sinh đăng ký dự thi ngày một cao, số lượng người được đào tạo cũng cao hơn, nhưng người tốt nghiệp ra trường trụ lại với nghề không nhiều. Có cả ngàn lý do kéo họ dần trượt xa khỏi mục đích ban đầu và cũng có không ít người cả đời chưa bao giờ "chạm" tới một tập phim.

Đi học vẫn đắt "sô"?

Theo đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP HCM, nếu hơn chục năm trước, có thời điểm, nhà trường chỉ đào tạo mỗi khóa 7, 8 sinh viên chuyên khoa đạo diễn điện ảnh mà khi tốt nghiệp ra trường còn lo thất nghiệp.

Thế nhưng từ năm 2.000 trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký thi vào Khoa Đạo diễn điện ảnh tăng cao nhưng điều kiện đào tạo của nhà trường chỉ có hạn. Tỉ lệ chọi khá cao, khoảng 10 đến 15 người dự thi mới lấy vào được 1 người. Đó là không kể số lượng "rơi rớt" trong quá trình học.

Hiện nay nhà trường có hai lớp đào tạo chính quy, hai lớp tại chức, số lượng dao động 15 - 20 sinh viên trong một lớp. Tuy nhiên, khi khóa học còn chưa kết thúc, nhiều nhà đài, hãng phim đã đánh công văn đến "xin người".

Thử tính sơ sơ, hiện nay đã có khoảng 20 hãng phim tư nhân ra đời, đài truyền hình nở rộ, chưa kể hình thức truyền thông đa phương tiện… Nhà nhà cùng sản xuất chương trình, trong khi đó nhà trường chưa có khoa truyền hình riêng. Nhân lực thiếu, nhiều đơn vị trưng dụng luôn cả đội ngũ sinh viên.

Đi làm, sinh viên của trường vừa có dịp cọ sát thực tế, mở rộng quan hệ làm nền tảng cho công việc sau khi tốt nghiệp ra trường, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống nhưng cũng khiến ban quản lý "đau đầu". Nhiều sinh viên đổ xô đi làm, xao nhãng cả việc học hành.

Nhà trường đã linh động giải quyết cho nhiều trường hợp có hợp đồng đàng hoàng được tạm "treo" kết quả học tập 1, 2 năm, khi có điều kiện lại quay về học tiếp. Thế nên không ít sinh viên có lực học rất khá nhưng vẫn 4, 5 năm sau mới tốt nghiệp được. Một số trường hợp mải chạy theo công việc, bỏ học quá nhiều, nhà trường buộc phải cho thôi học…

Rộng đường kiếm sống nhưng cửa nghề vẫn hẹp

Hầu hết các sinh viên, đạo diễn trẻ đều khẳng định: Đã thi vào Khoa Đạo diễn điện ảnh, có mấy ai không mơ ước được làm phim, hoặc ít nhất cũng là một cuốn phim nghệ thuật theo ý mình. Tuy nhiên, từ mơ ước đến thực tế lại là cả một khoảng cách xa vời.

T.L. chia sẻ: Muốn ra nghề có công việc, có thu nhập để sống thì phải có mối quan hệ rộng, có kinh nghiệm. Đang là sinh viên, đi làm thì có tiền thật nhưng không phải lúc nào cũng danh chính ngôn thuận. Có khi chương trình mình làm đến 80% nhưng vẫn đứng tên đạo diễn khác, may hơn thì được đứng tên là người đồng thực hiện chương trình. Chưa kể, để vỡ chương trình một lần thì tốt hơn hết đừng có bén mảng đến nữa. Thế nên, nhận là phải rốt ráo làm cho đúng, cho kịp thời hạn, dù phải nghỉ học…

Khác với T.L., kinh nghiệm một lần phải lỡ dở chương trình của Đại học Luật giúp đạo diễn trẻ Nguyễn Văn Phước, cựu sinh viên Khoa Đạo diễn điện ảnh, Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP HCM vẫn vừa đi làm, vừa hoàn thành "trót lọt" khóa học với tấm bằng loại ưu. Cho rằng mình có phần may mắn hơn nhiều bạn học khác nhưng cũng không ít lần anh chàng đạo diễn trẻ "trầy da tróc vẩy".

Kinh nghiệm 4 năm lăn xả với nghề của anh chàng là nếu có va chạm với "đàn anh" thì tốt hơn hết là im lặng. Tính chất công việc cần sự đoàn kết từ nhiều phía, rất nhạy cảm. Chương trình mà lỡ hỏng thì dù vì nguyên nhân gì, chung quy cũng đổ dồn về anh đạo diễn trẻ thiếu kinh nghiệm cả. Tuy nhiên, Phước cũng thừa nhận, học nghề này mà năng động thì không bao giờ lo "đói".

Không nhà đầu tư nào mạo hiểm giao hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng cho một đạo diễn trẻ làm phim. Muốn làm phim phải có tiền. Muốn kiếm tiền phải chấp nhận cả những công việc không liên quan gì đến phim ảnh. Nếu không đủ bản lĩnh, đủ quyết tâm, những người được đào tạo sẽ khó theo đuổi ước mơ đến cùng. 3 năm theo học, đâu chỉ công sức của cá nhân.

Đạo diễn Phạm Huy Thục nửa đùa nửa thật rằng: Đào tạo cái nghề "quý tộc" này, đồng học phí của các em đóng không thể đủ được mà còn phải dựa rất nhiều vào nguồn kinh phí của nhà nước…

Một mùa thi đang đến rất gần, việc xác định chọn chuyên ngành học đạo diễn điện ảnh có thực đúng sở trường, xác định có đủ quyết tâm theo nghề hay không trước khi bước chân vào cuộc đua mới sẽ không những giúp các bạn trẻ đỡ tốn thời gian, công sức vô ích mà ngay số lượng kinh phí nhà nước đổ cho công tác đào tạo cũng sẽ đỡ lãng phí hơn

N.Hoa
.
.
.