Đạo diễn Triệu Tuấn: Làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một thách thức lớn

Chủ Nhật, 23/01/2011, 11:45
Bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải" được xem như phần hai phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất. Phim được đạo diễn Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) cùng dàn diễn viên hai nước thực hiện. Sau hơn một tháng phát hành, bộ phim đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả.

Phóng viên CANDCT đã có cuộc gặp gỡ với đạo diễn Triệu Tuấn để trao đổi về những khó khăn, thách thức của người làm điện ảnh khi làm phim về cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh.

- Thưa đạo diễn Triệu Tuấn, làm phim về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn có một thách thức lớn nhất đối với người đạo diễn là làm sao thể hiện chân thực chân dung một con người đã quá gần gũi, thân thuộc trong tình cảm của mỗi người dân Việt Nam mà vẫn đảm bảo được tính hấp dẫn của một tác phẩm điện ảnh. Trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải", những yếu tố như cảnh đẹp, tiết tấu nhanh, những màn võ thuật táo bạo có phải là những yếu tố anh muốn nhấn mạnh để hấp dẫn khán giả trẻ, thưa anh?

- Những yếu tố đó chỉ là phụ, mấu chốt của bộ phim mà tôi cho rằng sẽ hấp dẫn khán giả trẻ là tinh thần tuổi trẻ toát ra từ con người Nguyễn Ái Quốc trong những tháng năm Người ở Thượng Hải tìm đường đi cứu nước. Đó là tinh thần vượt qua khó khăn thời cuộc để vươn tới một khát vọng lớn, khát vọng giải phóng dân tộc. Bao trùm bộ phim là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, là bản lĩnh Hồ Chí Minh mà mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi cần phải học tập.

- Nhân nói về khán giả trẻ, theo anh vì sao họ chưa chú ý đến phim lịch sử, phim về các lãnh tụ? Phải chăng họ không quan tâm đến lịch sử hay vì chúng ta làm phim chưa hay?

- Tôi nghĩ có lẽ là chúng ta làm phim lịch sử, phim về các vĩ nhân chưa hay, chưa thuyết phục.

- Không ít người quan niệm rằng làm phim về lịch sử thì phải trung thành tuyệt đối với lịch sử, còn anh, hình như lại có quan niệm khác về vấn đề này nên trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải", anh đã đưa vào một vài nhân vật, một vài tình huống hư cấu?

- Đạo diễn của ta khi làm phim lịch sử thường nệ sử, nệ nhân vật chính, bởi vậy phim thường khô khan, đơn điệu. Tôi thích một câu nói của ai đó, rằng lịch sử chỉ là cái đinh để đạo diễn treo một bức tranh nghệ thuật. Có nghĩa rằng anh làm một bộ phim, dù là về đề tài lịch sử đi chăng nữa thì chính là anh đang kể một câu chuyện cho khán giả. Mà câu chuyện ở đây là câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh. Nó tuyệt nhiên không phải là một sự minh họa. Trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải", tôi quan niệm mình phải dùng điện ảnh để tái hiện một thời gian lịch sử, một nhân vật lịch sử, một ấn tượng lịch sử. Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể được tự do sáng tạo, làm sao để phim thuyết phục khán giả nhất. Trong phim, chúng tôi có sáng tạo ra một số nhân vật không có thật, như nhân vật Ngũ Lang, người anh trai của y tá Phương Thảo, và câu chuyện của anh em họ đã tạo nên một sức hút đặc biệt, thậm chí là làm khán giả rơi lệ. Không chỉ có vậy, nhân vật phụ được sáng tạo ra chính là để tôn vinh, làm rõ nét con người, bản lĩnh của nhân vật chính là Nguyễn Ái Quốc. 

Diễn viên Minh Hải vào vai Nguyễn Ái Quốc và diễn viên Mỹ Duyên vào vai nữ y tá Phương Thảo trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải".

- Làm phim về các danh nhân lịch sử có đạo diễn thường tránh những vùng cấm kị nhất định nên không ít vĩ nhân trong tác phẩm điện ảnh trở nên xa cách với đời sống, với quần chúng nhân dân. "Vượt qua bến Thượng Hải" là bộ phim được đánh giá là đã xây dựng được hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với khán giả. Nếu có điều gì gọi là "cấm kỵ" mà anh tự đề ra trong khi xây dựng nhân vật Nguyễn Ái Quốc, thì điều đó là gì?

- Tôi nghĩ khi làm phim về các danh nhân lịch sử thì vấn đề cân nhắc nhất thường là những câu chuyện đời tư của nhân vật. Với câu chuyện về những tháng năm Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải tôi cũng đặc biệt lưu tâm vấn đề này. Như bạn đã biết, câu chuyện tình cảm đẹp giữa Nguyễn Ái Quốc và y tá Phương Thảo ở Thượng Hải được xây dựng trên phim rất thật, rất gần gũi. Những chi tiết được xây dựng hết sức đời thường, có lẽ vì vậy mà khán giả thấy gần gũi chăng?

- "Vượt qua bến Thượng Hải" là bộ phim hợp tác quốc tế. Từ thành công của bộ phim, anh có nghĩ rằng xu hướng hợp tác quốc tế về làm phim lịch sử trong điều kiện làm phim còn thiếu thốn nhiều thứ như của ta là một xu hướng ưu việt?

- Tôi phải nói ngay rằng đây không phải là một bộ phim hợp tác quốc tế, dù ở đây có yếu tố quốc tế. Đây là một bộ phim mà chúng ta bỏ tiền thuê đạo diễn, diễn viên và bối cảnh, đạo cụ của Trung Quốc. Nếu hợp tác thì đối tác của ta phải bỏ tiền vào cùng làm phim và họ có quyền nhất định. Tôi cho rằng, hợp tác làm phim cũng là cách hay nhưng nếu hợp tác mà nội lực của mình không mạnh thì mình rất dễ bị "nô dịch" theo một nghĩa nào đó. Ở phim này, chúng tôi thuê trường quay, thuê phương tiện, thuê đạo cụ làm phim và thấy thực sự là thuận lợi. Vì Trung Quốc là nước họ rất thành thạo trong việc làm phim, họ hiểu công việc làm phim và khi ta cần bất cứ điều kiện gì họ cũng có thể giúp ta. Nếu làm phim trong nước thì chắc chắn không thể đầy đủ như vậy được.

- Thưa anh, để đi thuê được các phương tiện, bối cảnh ở nước ngoài thì chúng ta phải có nhiều tiền. Mà phim của ta thì không phải lúc nào cũng có nhiều tiền để làm…

- Tôi cho rằng không hẳn là chuyện tiền đâu. Quan trọng là phương pháp cũng như nội lực, quan hệ của người đi thuê thôi. Tiền làm phim của mình không bao giờ có thể gọi là đáng kể so với một nước như Trung Quốc.

- Anh được biết đến như là một đạo diễn phim truyền hình. "Vượt qua bến Thượng Hải" là phim truyện đầu tiên của anh. Vậy theo anh, làm phim điện ảnh và làm phim truyền hình cái nào khó hơn?

- Tôi nghĩ đã là làm phim đúng nghĩa thì làm cái nào cũng khó. Tuy nhiên, về mặt thể hiện phim truyền hình có một số điểm khác với phim điện ảnh vì nó phục vụ đối tượng đại chúng, nghe nhiều hơn nhìn. Hiện có nhiều bộ phim truyền hình dễ dãi trong cách thể hiện và nội dung chưa hay nên khán giả nghĩ rằng phim truyền hình đơn giản hơn phim điện ảnh. Nhưng thực chất không hẳn là như vậy.

- Quay lại câu chuyện làm phim "Vượt qua bến Thượng Hải", với riêng anh, làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào?

- Nói có vẻ hơi sáo nhưng thực chất làm phim về Bác Hồ chính là tấm lòng của tôi đối với Người. Tôi cũng giống như bất kỳ người Việt Nam nào khác, luôn yêu mến và thần tượng Người. Lý tưởng và khát vọng của Người là kim chỉ nam cho mỗi hành động của chúng ta. Gần 30 năm trước tôi đã nói, trong đời làm phim của mình tôi nhất định phải làm phim về Bác, dù chưa biết sẽ làm như thế nào. Và thật hạnh phúc là phim truyện đầu tay của tôi lại là phim về Bác. Nếu sau này làm phim thứ 2 về Người, tôi chắc chắn sẽ tự tin hơn rất nhiều, vì khi làm phim "Vượt qua bến Thượng Hải" tôi cảm thấy như mình đã tìm được "chìa khóa" trong việc làm phim về lãnh tụ.

-  Xin cảm ơn đạo diễn Triệu Tuấn

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.