Đạo diễn Quang Hải tâm sự về “Chuyện của Pao”

Thứ Bảy, 18/02/2006, 09:28

“Khi làm phim, tôi đã bắt Hải Yến phải đi làm nương, bó cỏ, gùi củi và cõng nước như những người phụ nữ Mông thực sự. Cô ấy đã bầm nát đôi vai vì gùi củi quá nặng... Tôi đã hứa với lòng, sẽ mang phim đến cho đồng bào trên đó xem. Nếu họ thấy chính cuộc sống của mình trong phim thì nghĩa là nó đã thành công”, Quang Hải nói.

Im lặng hoàn toàn sau bộ phim "Người Mỹ trầm lặng", hai vợ chồng Quang Hải - Hải Yến bất ngờ trở lại với dự án phim "Chuyện của Pao", mang theo rất nhiều dư luận xung quanh. Họ là một đôi khá lý tưởng, xuất hiện trong một số bộ phim nước ngoài như "Vũ khúc con cò", "Mùa hè chiều thẳng đứng"... Nhưng sau "Người Mỹ trầm lặng", họ tự dưng "mất hút". Họ đầu tư vào một dự án nhưng đã bị mất trắng và gánh tiếng là những người chỉ biết tiêu tiền mà không biết làm phim. Ngay cả đến bây giờ, khi "Chuyện của Pao" đã xong xuôi, một số người trong giới điện ảnh cũng hồ nghi về dự án này và cho rằng rất khó để có thể thành công...

- Lần đầu tiên anh làm phim mà lại làm về mảnh đất không phải của mình, người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ về tính chân thực của nó. Tôi nói thế bởi chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều thứ "thổ cẩm điện ảnh", giả tạo, gượng ép và đôi khi còn coi thường người dân tộc nữa…

- Tôi thực sự xúc động với cuộc sống của người dân vùng cao trong những chuyến đi chọn bối cảnh. Tôi đã chọn được những khuôn hình đẹp từ 10 ngàn bức ảnh mà tôi đã chụp về. Và câu chuyện trong phim (theo truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy) phần nào đó giống cuộc đời của bác tôi. Bác tôi cũng giống như người phụ nữ không có con trong phim. Chúng tôi đã mất nhiều năm tháng theo đuổi bộ phim này. Và khi làm phim, tôi đã bắt Hải Yến phải đi làm nương, bó cỏ, gùi củi và cõng nước như những người phụ nữ Mông thực sự. Cô ấy đã bầm nát đôi vai vì gùi củi quá nặng, nhưng không còn cách nào khác. Tôi đã hứa với lòng, sẽ mang phim đến cho đồng bào trên đó xem. Nếu họ thấy chính cuộc sống của mình trong phim thì nghĩa là nó đã thành công.

- Từ một cái tên đầy chất thơ "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", anh đổi tên phim đơn giản như phim tài liệu "Chuyện của Pao", phải chăng cái tên ban đầu quá khó để dịch ra tiếng nước ngoài và tôi nghĩ rằng, anh đang có ý định quảng bá và tham vọng thành công tại các LHP quốc tế?

- Tôi nghĩ tên "Chuyện của Pao" dễ nhớ hơn. Mỗi bộ phim sẽ có số phận riêng của nó.

- Bộ phim của anh với thủ pháp đồng hiện quá khứ và hiện tại qua lời dẫn chuyện của Pao với quá nhiều hồi ức chầm chậm anh có sợ khán giả khó lòng chia sẻ với anh tới 90 phút không?

- Bộ phim sẽ không gây sốc theo cách cổ điển, nhưng nó sẽ tạo ra một thế giới riêng biệt và khán giả sẽ thú vị khi khám phá được nhiều điều từ thế giới đó. Bạn sẽ cảm nhận được thế giới đó theo cách của mình. Cái quan trọng nhất tôi cho rằng, đó là cảm xúc.  

- Theo chủ quan của tôi, một bộ phim không mang kịch tích theo kiểu cổ điển chỉ có thể giữ được cảm xúc của khán giả khi nó có được sự chân thật mà thôi...

- Tất nhiên rồi. Các siêu phẩm của thế giới cũng đầy lỗi nếu nhìn theo kiểu vạch lá tìm sâu. Phim của tôi cũng vậy, tôi chỉ có thể đảm bảo rằng nó không có những lỗi vớ vẩn.

- Đoàn phim có một quay phim người nước ngoài, nhiều người cho rằng vì anh không có tiền và không có bất cứ nhà quay phim trong nước nào tin tưởng anh nên nhờ một cô thực tập sinh quay phim cho mình, cái này đúng hay sai?

- Sai. Cô ấy là con một đạo diễn rất nổi tiếng của Australia và cũng là một quay phim trẻ mà tôi phải nhờ đạo diễn Phillip Noyce tìm giúp. Ông Tất Bình từng bảo, thuê quay phim nước ngoài còn đắt hơn nhiều quay phim Việt Nam.

- Đạo diễn Tất Bình có vị trí như thế nào trong bộ phim của anh?

- Chú ấy là người chỉ đạo sản xuất giỏi, đã giúp đỡ tôi rất nhiều nhưng không can thiệp vào công việc làm phim.

- Bộ phim đã được duyệt rồi, Hội đồng duyệt phim nói gì với anh không?

- Một thành viên hội đồng duyệt bảo, nếu đặt hàng mà làm được phim như thế này thì cũng không cảm thấy phí tiền.

- Tôi có thêm một thắc mắc, ngoài chuyện Yến là vợ thì phẩm chất nào của cô ấy khiến anh chọn vào vai Pao?

- Đó là sự dung dị, quan trọng nhất là cô ấy giữ được sự tươi mới với nhân vật.

- Tôi lại cho rằng, quan trọng nhất đó phải là sự phù hợp của diễn viên với nhân vật. Theo suy nghĩ của những người miền núi như tôi, một cô gái Mông phải là người khỏe mạnh vì họ mang vác trên vai cả một gia đình, nuôi chồng nuôi con. Họ không thể mỏng manh và yếu ớt được. Mà Hải Yến thì mỏng manh và quá thành thị…

- Anh nói đúng. Thế nên trước khi quay ba tháng, tôi đã để cô ấy sống và suy nghĩ như một người phụ nữ Mông thực sự. Mà thôi, cứ để khán giả xem phim đi…

- Anh có nghĩ phim mình tạo được tiếng vang không?

- Tạo tiếng vang hay không thì phụ thuộc  vào số phận của chính nó.

- Các phim đang công phá hệ thống rạp chiếu đều thuộc diện "chân dài, váy ngắn, trai bầu, gái cướp", còn anh một mình một đường, có sợ mình lạc lõng không?

- Mỗi đạo diễn có một phong cách riêng, và khán giả sẽ được lợi chứ sao. Trên một bàn ăn có nhiều món thì cũng dễ chọn hơn. Có thể khi đói anh sẽ ăn no, khi no anh sẽ muốn ăn ngon và khi đã đủ món ngon rồi thì anh sẽ chọn món ăn “quái” một chút. Phim cũng vậy. Phim rất cần quảng cáo, nhưng chỉ quảng cáo tốt mà phim quá tệ thì tôi nghĩ khán giả không dễ bị lừa lần thứ hai đâu.

- Vậy thì "Chuyện của Pao" sẽ là món ăn gì đây?

- Tôi nghĩ món ăn của tôi có vị lạ.

- Anh chị dường như im lặng hoàn toàn sau "Người Mỹ trầm lặng", phải chăng anh chị chờ đợi các dự án lớn từ nước ngoài và cát xê phim Việt Nam thì bèo bọt quá?

- Người diễn viên nào mà chẳng muốn được diễn xuất, nhưng sau "Người Mỹ trầm lặng" thì chúng tôi rất bận, phải đi học và sau đó thì dồn sức vào một dự án mà chúng tôi đã tin tưởng thỏa thuận cộng tác nhưng rồi dự án đó bất thành. Tôi thà bỏ tất cả quyền lợi và tiền bạc chứ không bao giờ từ bỏ tác phẩm của mình. Đó cũng là một kinh nghiệm quý để chúng tôi cẩn trọng hơn trong những dự án sau.

- Xung quanh anh luôn có rất nhiều lời đồn. Có người nói với tôi rằng, trước khi đóng phim của đạo diễn Trần Anh Hùng thì Quang Hải vô danh, nhưng sau khi đóng xong phim của anh ấy thì anh lại nghĩ mình có thể trở thành đạo diễn tầm cỡ như thế. Ai cũng biết anh chưa từng học đạo diễn. Và anh quá ảo tưởng. Anh có xác nhận tin này không?

- Đúng là tôi chưa học đạo diễn, nhưng tôi làm nhiều việc để nuôi ý định làm đạo diễn, tôi học từ những cuốn sách và các đoàn phim tôi tham gia. Trần Anh Hùng là đạo diễn đặc biệt, tôi có cảm giác anh ấy ảnh hưởng của Ozu, còn tôi thì khác. Tôi cũng học được nhiều điều từ Phillip Noyce, tôi nói với ông ấy về khát vọng làm phim của mình và ông ấy đưa tôi đến các studio của châu Âu để học phương pháp của họ. Thật thú vị khi tôi được biết, chính Phillip cũng được đạo diễn người Italia Federico Fellimo dẫn dắt từ ngày đầu tiên.

- Thế sau "Chuyện của Pao", anh chị có dự định gì không? Phải chăng cánh cửa Hollywood đã đóng sập lại và chỉ là một trong những chiêu thức lăng xê?

- Tháng 6 này chúng tôi khởi quay phim "Kiên". Riêng Hải Yến thì đang casting vai nữ chính bộ phim kinh phí lớn "Thiên binh" của đạo diễn James Cameroon, nếu được chọn Yến sẽ mất khoảng 1 năm theo đuổi nó

Toàn Nguyễn
.
.
.