Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Ba tôi

Chủ Nhật, 04/01/2009, 10:40
Nguyễn Quang Dũng không đi vào con đường của cha mình. Anh học dở văn tới mức khó kiếm nổi điểm 5, cúp cua học nhiều và thường thiếu tập trung. Nhưng anh lại có thể viết được kịch bản phim truyện chi tiết và thực hiện nó thành những bộ phim hấp dẫn. Anh là hình ảnh một lứa đạo diễn độc lập, không bị những công thức áp đặt trong tư duy nghệ thuật. Nguyễn Quang Dũng nói, cha anh không nghĩ anh là một đạo diễn, còn anh lại nghĩ mình là một vận động viên bóng bàn…

Nguyễn Quang Dũng được ba chiều từ nhỏ. Mẹ anh bị bệnh từ khi anh bé xíu, nên anh thường xuyên được ba đưa đi học, đưa đi đánh bóng bàn và được ba tắm rửa, thay giặt quần áo.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có thể tưng bừng trên bàn nhậu, nhưng lại sẵn sàng nhẹ nhàng tình cảm đến khó tin với các con. Ngôi nhà nhỏ của ông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa suốt nhiều năm là nơi tụ họp của bạn bè văn nghệ sỹ. Nguyễn Quang Dũng được quen với các bậc danh tiếng trong làng nhạc như Văn Cao, Trịnh Công Sơn… cũng từ nơi này.

"Được quen những nghệ sỹ nổi tiếng là niềm vui lớn. Nhưng ở gần nên mình cũng hiểu, người nổi tiếng thì cũng… bình thường thôi. Nó loại bỏ ngay cho mình cái suy nghĩ là muốn làm người nổi tiếng. Cho nên chưa bao giờ mình băn khoăn mình có nổi tiếng không, mà chỉ nghĩ mình đang muốn gì và sẽ làm gì" - Nguyễn Quang Dũng nói.

Một ngày thấy nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cầm đàn và hát, Nguyễn Quang Dũng cũng bắt chước nhạc sỹ và hát theo bản nhạc. Về sau, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lấy phần lời của anh làm nội dung bài hát "Mẹ đi vắng". Bài hát đó được trả nhuận bút 70 đồng, phần của Dũng được 35 đồng, nhưng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã đưa cho anh hết. Đó là số tiền đầu tiên anh kiếm được từ nghệ thuật. Nó có giá trị như những khoản nhuận bút lớn từ các bộ phim anh đã và đang làm.

Về sau, Dũng học nhạc và được ba lo thu âm cho một album riêng năm 16 tuổi. Album của Dũng được thu âm bởi một ê kíp thực sự chuyên nghiệp, phần phối khí do nhạc sỹ Bảo Chấn đảm nhận, còn ca sỹ là Hồng Nhung, Cẩm Vân… Nhưng Nguyễn Quang Dũng cũng không coi đó là điều quan trọng. Anh học nhạc một thời gian rồi chuyển qua Trường Điện ảnh.

Khi chưa có phim để làm thì anh viết nhạc cho phim "Những cô gái chân dài" của Vũ Ngọc Đãng. Lần đầu tiên, phần nhạc của phim Việt Nam được phát hành riêng và tạo được nhiều dấu ấn. Đến giờ Nguyễn Quang Dũng vẫn viết nhạc, nhưng anh không coi âm nhạc là sự nghiệp riêng của mình.

Ngay từ nhỏ, ba anh đã muốn anh có một sức khỏe tốt. Ông thường chở hai con trai đi chơi bóng bàn. Đi chơi xong thì ông dẫn các con ra quán bia, ba cha con nói chuyện chơi bóng.

Nguyễn Quang Sáng nói, nhìn bức ảnh thời nhỏ, ông không phân biệt được đâu là Quang (người con trai lớn), đâu là Dũng, vì hai con quá giống nhau. Nhưng nhìn cách sinh hoạt, sở thích thì dễ phân biệt. Nguyễn Quang Dũng đã từng là một vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp, nhưng ba anh đã bắt anh nghỉ năm học lớp 10 để lo tập trung vào chuyện học.

Suốt thời đi học, anh hay cúp cua, học hành lan man thiếu tập trung. Học "Chiếc lược ngà" và "Con gà trống" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thầy cô giáo la rầm trời vì con nhà văn mà không biết viết bài tập làm văn.

Rất nhiều lần ba anh phải đến gặp cô giáo vì những chuyện tương tự. Nhưng ông không la mắng. Mà ông tìm mọi cách để con trai có thể tiếp tục học xong trung học mà không phải năn nỉ xin thầy cô. Ông muốn con mình trưởng thành trong tự lập. Và việc Nguyễn Quang Dũng đậu tốt nghiệp phổ thông trung học đối với gia đình anh quả là một sự kiện.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể, bộ phim tốt nghiệp của Dũng được đài truyền hình thông báo sẽ phát trên tivi. Đối với Dũng, đó là một dấu mốc rất quan trọng. Bởi trước đó, ở Trường Điện ảnh, ai cũng nghi ngờ, không biết Dũng và Đãng (Vũ Ngọc Đãng) thì ai sẽ giao phim cho mà làm. Nên khi phim của Dũng và Đãng được duyệt để chiếu trên truyền hình là một điều đáng ghi nhận.

Thế nhưng, bữa đó cả nhà ăn cơm rất sớm để chờ tới giờ chiếu, thì cuối cùng bộ phim đã không được lên sóng. Lý do sau này được nghe kể lại là "phim nhạy cảm". Nguyễn Quang Dũng rất buồn, và cha anh chỉ an ủi bằng một câu duy nhất: "Những bộ phim gian truân bao giờ cũng là bộ phim có giá trị".

Và bộ phim "Con gà trống" của hãng TFS, cũng là bộ phim dài đầu tay của Dũng, cũng khiến cha anh trăn trở rất nhiều. Đây là kịch bản của ông, đã được TFS đưa vào kế hoạch sản xuất nhiều lần, nhưng bị trì hoãn. Khi Nguyễn Quang Dũng nhận phim, anh đã quyết liệt tới mức sẵn sàng bỏ phim nếu không có đủ kinh phí, trong khi trên thực tế rất hiếm có bộ phim truyền hình nào có thể có được kinh phí như mong đợi.

Nguyễn Quang Dũng đã hỏi ý kiến cha anh, và ông đưa ra những lời khuyên quý giá. Ông đưa Dũng lên rừng, bối cảnh phim "Con gà trống", nơi mà chính ông đã viết truyện ngắn cùng tên. Và ông đưa ra những chi tiết cần thiết để tạo dựng nên bộ phim. Nguyễn Quang Dũng vẫn quyết liệt với bộ phim, và sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư thêm cho những bối cảnh lớn. Anh muốn có một cái cần cẩu để quay toàn cảnh cánh rừng, như một đại cảnh lớn. Và nó sẽ phải chi phí lên đến vài ngàn USD. Khi ấy là khoản tiền không nhỏ. Đến khi đó, hãng TFS đã giúp thêm tiền cho Dũng làm phim. Đó là bộ phim đầu tiên của hai cha con.

Ngày cuối cùng của năm 2008, bộ phim "Giải cứu thần chết" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã được chiếu cho… 10 khán giả đầu tiên tại phòng dựng của hãng phim H.K. Nguyễn Quang Dũng đã hoàn thành một lời hứa, không bao giờ lặp lại người khác và lặp lại chính mình.

Cảnh trong phim “Giải cứu thần chết” của đạo diễn Quang Dũng.

"Giải cứu thần chết" chắc chắn sẽ là một phim hút khách trong mùa Tết. Một trường học được Dũng vẽ ra theo cách của mình. Phải rất lâu rồi, tôi mới xem một bộ phim Việt Nam vui vẻ mà không cảm thấy "sượng". Câu chuyện khá đơn giản, nhưng cách dàn dựng khá công phu.

Một số khán giả đầu tiên nói, nếu là người Việt Nam sẽ thấy bộ phim thú vị hơn nhiều so với bộ phim nổi tiếng "High school musical" của Walt Disney. Chuyện xảy ra ở một trường trung học. Cô nữ sinh bướng bỉnh luôn là nguyên nhân của mọi rắc rối, một ngày bất ngờ gặp… thần chết chưa đủ tuổi. Và từ đó cuộc sống của cô thay đổi. Nhờ thần chết mà cô "trả thù" được những cô nàng đáng ghét, tạo được ấn tượng với mọi người ở trường.

Cũng lần đầu tiên đề tài học đường được xây dựng theo một môtip hoàn toàn khác. Một ngôi trường không có thật, với đủ trò quậy phá của đám học sinh. Nhưng cách xử lý lại hoàn toàn khác. Tất cả mọi người, kể cả thầy hiệu trưởng lẫn cô giám thị đều dám đứng lên nhận lỗi, nhận những thiếu sót của mình.

Một bộ phim dành cho giới trẻ, nhưng người lớn xem cũng sẽ cảm thấy thú vị. Không có những câu giáo huấn lên gân. Thông điệp giáo dục nhẹ nhàng, được lồng khéo léo qua câu chuyện.

Nguyễn Quang Dũng nói, anh sẽ đưa ba anh đi xem ngay suất chiếu đầu tiên, dù biết ông sẽ ít khi đưa ra bình luận. Nhưng nhìn thái độ mà ông thể hiện, hoặc ông nói "ngon đó mày", là biết ông hài lòng. Ba anh rành điện ảnh như văn chương, và đó cũng là áp lực tinh thần để thuyết phục vị khán giả khó tính này. Đây là bộ phim truyện thứ ba của Nguyễn Quang Dũng, sau "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", và "Nụ hôn thần chết".

Nguyễn Quang Dũng nói, anh muốn xây dựng những bộ phim cuốn hút khán giả. Anh không mong muốn những gì cao siêu mà đánh đố họ. Nguyễn Quang Dũng giống cha mình, thích kể những câu chuyện giản dị, dễ hiểu, nhưng không giản đơn.

Tôi đề nghị hai cha con Nguyễn Quang Sáng - Nguyễn Quang Dũng chụp chung bức hình. Cả ông và con trai đều… bỡ ngỡ. Phải gần… 30 năm, hai cha con mới ngồi chung một bàn trà và… chụp chung một bức hình. Và cũng rất lâu rồi, cha con họ không ngồi tâm sự với nhau.

Nhưng sự chia sẻ và đồng cảm trong nghề nghiệp, trong nghệ thuật đã luôn khiến họ đồng hành cùng nhau trong cuộc sống. Họ là hai cha con. Và họ là những người lạc quan…

Hoài Phố
.
.
.