Đạo diễn Bùi Huy Thuần kể chuyện làm phim “Đàn trời”

Chủ Nhật, 04/03/2012, 12:36
"Tôi đã làm nhiều phim, nhưng đây là phim chúng tôi phải đi lại nhiều nhất, vất vả nhất. Việc quay phim diễn ra ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai… Nhiều khi quay trong những vùng thiên nhiên xa với dân, chúng tôi phải tự thổi cơm. Khu vực quay phim không có nhà dân để ngủ nhờ, chúng tôi phải ngủ trên ôtô".

Bùi Huy Thuần là một trong những đạo diễn sung sức hiện nay. Trong mấy năm trở lại đây, các bộ phim truyền hình dài tập do anh đạo diễn như Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Chủ tịch tỉnh đã gây được chú ý của nhiều khán giả.

Bộ phim Chủ tịch tỉnh mới đây đã giành giải Bạc (không có giải Vàng) trong Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2011. Một bộ phim lớn nữa là Đàn trời (36 tập) của anh cũng đã quay xong, bắt đầu giai đoạn làm hậu kỳ.

PV: Vẫn là một câu chuyện về nạn tham nhũng ở một địa phương như phim “Chủ tịch tỉnh”, anh có thể nói rõ hơn về những nét chính trong phim “Đàn trời”?

Bùi Huy Thuần: Bộ phim dựa theo tiểu thuyết Đàn trời của nhà văn Cao Duy Sơn, do nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể. Nội dung phim nói về sự tham nhũng của một số quan chức địa phương, đứng đầu là Chủ tịch tỉnh. Chương trình 135 của Chính phủ ưu tiên phát triển vùng sâu, vùng xa, nhưng khi kinh phí được rót xuống tỉnh Bình Lãng (đây là một địa danh hư cấu) thì bị xà xẻo, đút vào túi cá nhân với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các nhà báo ở Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã làm phóng sự điều tra, phát hiện ra sân sau của Chủ tịch tỉnh và các quan chức.

Chủ tịch tỉnh phát lệnh thu hồi phóng sự đó và đưa ra các biện pháp trả thù. Một phóng viên bị kẻ lạ mặt dùng súng kíp bắn nên bị hôn mê, còn Trưởng phòng thời sự Vương thì mất việc, phải đi bán xăng, rồi cây xăng cũng bị kẻ xấu đốt, đẩy anh vào cảnh cùng cực. Nhưng một số người tốt đã gửi phóng sự ấy đến báo, đài Trung ương. Cuối cùng phóng sự được phát và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc dần trả lại công lý.

PV: Như vậy là chuyện phim chú trọng phơi bày được mặt trái của một số quan chức ở những địa phương xa với Trung ương, họ làm mưa làm gió, thao túng mọi chuyện trong địa phương mình?

Bùi Huy Thuần: Đúng thế. Chương trình 135 là rất tốt. Rất đúng. Nhưng sự thật thì có nhiều chủ trương tốt, đúng từ bên trên khi xuống bên dưới, việc thực hiện lại có nhiều sai lầm và vụ lợi do các quan chức địa phương gây ra. Họ cố tình bưng bít bằng mọi cách. Bộ phim muốn góp một tiếng nói chân thực phản ánh về một thực trạng từ lâu gây bức xúc trong nhân dân.

PV: Bạn đọc thường muốn biết những chuyện hậu trường mỗi bộ phim. Điều gì thú vị mà anh nhớ nhất trong quá trình quay bộ phim này?

Bùi Huy Thuần: Khi mới viết xong kịch bản, Giám đốc Đỗ Thanh Hải rất hào hứng với bộ phim này. Chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc cách thức xây dựng một bộ phim hấp dẫn và có nội dung tốt. Bộ phim được quay trong hơn 3 tháng. Đoàn làm phim gồm trên 30 người, trong đó có nhiều diễn viên gạo cội như: Hoàng Dũng, Trung Anh, Dũng Nhi…

Tôi đã làm nhiều phim, nhưng đây là phim chúng tôi phải đi lại nhiều nhất, vất vả nhất. Việc quay phim diễn ra ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai… Nhiều khi quay trong những vùng thiên nhiên xa với dân, chúng tôi phải tự thổi cơm. Khu vực quay  phim không có nhà dân để ngủ nhờ, chúng tôi phải ngủ trên ôtô. Đây cũng là bộ phim mà chúng tôi phải dựng nhiều cảnh. Từ việc dựng một cái lán cho nhân vật Xẩm Ky, đến việc dựng lại cả một cái chợ của người Dao, với cảnh sinh hoạt, mua bán dưới gốc hai cây cổ thụ 800 năm tuổi…

 PV: Anh là người làm nhiều phim về chống tham nhũng, về tội phạm trong giới quan chức, vậy anh có gặp khó khăn nhiều trong công việc không? Và việc làm nhiều phim liên quan đến một chủ đề chung anh có sợ bị nhàm chán và lặp lại mình không?

Bùi Huy Thuần: Việc chống tham nhũng hiện nay là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cũng là nguyện vọng của người dân. Thường trong quá trình triển khai các bộ phim chúng tôi cố gắng tìm ra những cái riêng, những tình tiết sinh động và tránh lặp lại. Trong nhiều trường hợp chúng tôi cũng phải cân nhắc kỹ càng, “liệu cơm gắp mắm”, làm sao bộ phim khi thực hiện thì phải được duyệt và công chiếu.

Với một lượng khán giả lớn, nhiều tầng lớp khi xem truyền hình, không phải tất cả những bức xúc của đời sống có thể dễ dàng truyền tải được mà phải tìm ra một hình thức hài hòa, phù hợp nhất

Thiên Sơn (thực hiện)
.
.
.