Đánh cắp sự nhọc nhằn

Thứ Tư, 19/07/2006, 08:55

Tôi tình cờ đọc được bài viết của mình trên một tập sách phóng sự xã hội gồm nhiều tác giả do NXB TH phát hành. Chỉ có điều, bài viết ấy lại được ký tên một người khác và cố nhiên nó cũng được "tác giả mới" sửa sang lại đôi chút.

Ở đời này, mất trộm quả trứng, con gà còn khó tìm tang vật, thủ phạm, bởi 10 quả trứng thì giống nhau cả mười, trăm con gà cũng chẳng khác nhau là mấy, chứ bài viết của mình bị đánh cắp, cũng giống như đứa con mình đẻ ra, chỉ cần thò một ngón tay ra cũng biết đó là con mình hay con hàng xóm. Huống hồ, mỗi người có một giọng văn khác nhau. Bắt chước cái quần, cái áo thì dễ, chứ tôi không tin trên đời này lại có người có cách hành văn giống mình đến vậy, giống đến từng dấu phẩy, dấu chấm, giống cả cái đoạn tôi trót "phóng bút". Vì thế nên tôi tạm cho rằng, sự nhọc nhằn của tôi đã bị đánh cắp.

Đem chuyện này kể với một đồng nghiệp thân thiết, bất ngờ bạn tôi òa lên: "Ui giời, bây giờ người ta gọi đấy là bọn "ăn trộm ngồi phòng lạnh". Hóa ra thế! Hóa ra cái "nghề" này cũng nhàn hạ quá, chả khác mấy tý nhân viên văn phòng công ty TNHH. Ngồi ghế nhún, điều hòa chạy ro ro cả ngày, mắt dán vào màn hình lướt web, 1 bài chứ đến 10 bài phóng sự mới ra lò cũng được hiện lên màn hình chỉ sau 1 cú nhấp chuột. Rồi tha hồ mà chọn (sướng thế đấy, ăn cắp xe máy thì mắt trước mắt sau, đảo như ngan con tìm mẹ, chứ kẻ cắp ngồi phòng lạnh thì chưa phải vội, cơn cớ gì đã phải vội. Cứ chọn thoải mái, bài nào thấy "hợp lý" nhất thì "ok").

Rồi cũng chẳng phải đi đâu xa, lại "click" tiếp, gửi mail đến một nhà xuất bản nào đó thì tùy (cái này còn phải do độ thân, sơ và mức nhuận bút được trả). Rồi thì dăm ba ngày nữa nhận được sách biếu, cùng với lời đề nghị tiếp tục cộng tác, cùng với một món nhuận bút kha khá. Ngày hôm sau nữa lại ngồi phòng lạnh...

Thế đấy! Tiền đôi khi kiếm được cũng dễ quá nhỉ. Lại chả tốn tí mồ hôi nào sất! Thời sinh viên, tôi cứ hay cả nghĩ, rằng tốt nghiệp rồi biết làm gì mà sống vì buôn bán không sành, năng lực lại có hạn, còn bây giờ thì tôi thấy người ta lạc quan hơn tôi ngày xưa.

Không hiểu từ khi nào, những tập sách 12.000 đồng ấy được xuất bản nhanh và nhiều như in tiền âm phủ. Dân viết báo thi nhau làm sách, hầu hết đều tập hợp những bài viết đã đăng trên các báo khoảng dăm mười bài là đã thành quyển sách. Cũng từ khi công nghệ sản xuất sách kiểu này ra đời, đã xuất hiện một đội quân chuyên đọc lại báo cũ hoặc lướt web tìm cho nhanh. Sở dĩ gọi là đội quân vì sự ăn cắp này rất có hệ thống, khép kín và giấu mặt. (Nói điều này hơi thừa, kẻ cắp ai lại thò mặt ra cho người ta...).

Chắc là họ phải trẻ lắm! Tôi cứ trộm nghĩ thế. Chứ mấy ai già còn đi đạo văn. Lại nhớ thời gian này, đang ùm xòe chuyện nhà văn quân đội Phạm Thanh Khương và nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có 2 tác phẩm na ná nhau. Ai nói gì mặc kệ, còn tôi vẫn muốn tin rằng, một nhà văn quân đội, suốt một đời gắn bó với văn chương, không cớ gì lại đi đạo văn của một nhà văn thuộc thế hệ đàn em. Bởi nếu không yêu nghiệp văn, sao anh có thể trụ được đến bây giờ, cái "sĩ" của người cầm bút lớn lắm. Sự lặp lại chính mình trong các bài viết đã là một điều mà bất kỳ một người cầm bút chân chính nào đều khó chấp nhận, huống hồ, ấy lại là sự "lặp lại" câu chuyện của người khác.

Và vì thế nên tôi thật sự ngả mũ "bái phục" những người dám lấy tên mình (hoặc một cái tên do mình nghĩ ra) để lắp xuống dưới bài viết của người khác và tỉnh rụi nhận đó là tác phẩm của mình. Đồng nghiệp thân nhất của tôi vốn hay tếu táo, anh nói đùa: "Bọn này mổ bụng ra chắc bên trong toàn gan...". Tôi thì không biết "gan" của họ lớn đến đâu, nhưng nếu quả thật, làm được cái điều không một kẻ sĩ nào làm được ấy hẳn gan phải to bằng cái nia (mà cũng có thể hơn).

Đồng nghiệp của tôi một dạo không thấy viết cái chuyên mục anh vốn ưa thích, hỏi thì anh cho biết, người viết giỏi, một tháng cũng chỉ dăm bài thì ít nhất cũng có 2 bài na ná nhau. Không sợ người ta chán mình mà sợ nhất là mình chán mình trước. Tôi cũng từng rơi vào trạng thái ấy nên tôi hiểu, không ai thích những sự na ná của chính mình. Đấy là những lúc tôi và bạn rơi vào tình cảnh "Kép Tư Bền", bố sắp chết nhưng vẫn phải nhe răng cười với khán giả. Nói vòng vo Tam quốc từ nãy đến giờ cũng là để khẳng định một chân lý không bao giờ xoay chuyển: Không được lặp lại chính mình.

Thế nên, một lần nữa tôi lại phải ngả mũ bái phục những người đã, đang và sẽ lấy cắp bài của tôi, của bạn bè tôi và hàng trăm người làm báo chân chính khác

Chi Sơn
.
.
.