Đầu tư 10.800 tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa:

Đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa cho mỗi người dân

Thứ Bảy, 14/06/2014, 10:12
Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020) với kinh phí 10.800 tỷ đồng của ngành văn hóa đang khiến dư luận có những ý kiến trái chiều. Nhằm đưa đến bạn đọc cái nhìn khách quan, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ VH, TT&DL – đơn vị trực tiếp xây dựng Đề án.

PV: Thưa ông, Đề án được Bộ VH, TT&DL xây dựng dựa trên những cơ sở nào?

Ông Hồ Việt Hà: Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW của về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới. Để triển khai Nghị quyết này, Ban Tuyên giáo TW đã có Văn bản 73-KH/BTGTW ngày 9/3/2009 về triển khai các đề án của Nghị quyết, giao cho Bộ VH,TT&DL xây dựng Đề án qui hoạch nâng cấp các cơ sở, công trình văn hóa trong cả nước (rạp chiếu phim, rạp biểu diễn, nhà triển lãm).

Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ VH, TT&DL đã phối hợp với các ban, ngành liên quan lập đề án, trên cơ sở rà soát, đánh  giá lại các công trình hiện có để xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa. Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ VH, TT&DL đã gửi văn bản, đề nghị các địa phương đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch nâng cấp xây mới các công trình văn hóa từ 2010-2020 trên địa bàn, đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp có sự tham gia của các đại diện Bộ, cơ quan liên quan, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các địa phương để lấy ý kiến. Bộ VH, TT&DL phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra các tiêu chí xây dựng các công trình văn hóa, dự kiến Qui hoạch phát triển các đô thị tới năm 2020; nghiên cứu, dự báo nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân để xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2010-2020.

Việc xây dựng Đề án tuân thủ chặt chẽ các qui trình xây dựng Đề án quy hoạch, từ đánh giá thực trạng các công trình văn hóa của các địa phương, tiêu chí xây dựng các công trình văn hóa, định hướng quy mô, tính chất phát triển đô thị của từng vùng, miền để quy hoạch, dự kiến xây dựng các công trình văn hóa tới năm 2015 và 2020 và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, cơ quan chức năng thẩm định của Nhà nước. Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 88/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020”.

Ông Hồ Việt Hà.

PV: Ông có thể cho biết kết quả khảo sát thực trạng nhà hát?

Ông Hồ Việt Hà: Trong Đề án, dự kiến xây mới và cải tạo 71 nhà hát. Số nhà hát được nâng cấp hầu hết quy mô nhỏ hoặc trung bình, đã được xây dựng, cải tạo từ thế kỷ trước, tập trung tại các thành phố, thị xã lớn. Riêng ở TP Hà Nội, TP HCM đã là 13 nhà hát, chiếm 20% tổng số, cũng chủ yếu được sửa chữa, nâng cấp. Trong đó, số nhà hát đã xây dựng, cải tạo trước năm 1990 là 58 nhà hát, chiếm khoảng 80% và có tới 39 nhà hát có hệ thống trang thiết bị đang sử dụng không đạt tiêu chuẩn. Ở các địa phương, phần lớn các nhà hát đều có quy mô nhỏ, hoặc các hội trường cải tạo lại, phân bố không đều ở các tỉnh, thành. Thậm chí, ở nhiều tỉnh miền núi - trung du phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, miền Trung, Tây Nguyên chưa có nhà hát. Trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ VH,TT&DL, quá nửa đoàn cũng chưa có nhà hát.

Đã nhiều năm, vốn đầu tư chủ yếu tập trung cho sửa chữa, cải tạo các công trình các nhà hát đã xuống cấp, rất ít nhà hát được xây mới. Lâu lắm tại Hà Nội mới được xây mới nhà hát “khá” hơn với quy mô gần 700 ghế thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam quản lý, trong khi một số rạp hát khác lại bị chuyển đổi sang công năng khác, do tác động của cơ chế thị trường. TP HCM cũng tương tự. Tới nay, số nhà hát được xây mới đúng với chức năng, đảm bảo chất lượng kỹ thuật hiện đại rất ít, phần lớn  tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng... Hiện, cả nước chưa có một nhà hát nào đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về lộ trình thực hiện Đề án cũng như phương thức xã hội hóa trong việc đầu tư, khai thác các công trình văn hóa?

Ông Hồ Việt Hà: Nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tăng cường huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình văn hóa, Bộ VHTT&DL chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong việc thực hiện Đề án này. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2012-2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước là 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,1%), các nguồn huy động khác là 4.321 tỷ đồng (chiếm 39,9%). Số tiền này sẽ được cấp hoặc hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố theo quy hoạch và dự kiến thực hiện trong 8 năm, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2012-2015 tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước là 1.780 tỷ (59,3%), các nguồn huy động khác 1.220 tỷ (40,7%). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 7.800 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 4.725 tỷ đồng (60,6%), các nguồn huy động là 3.075 tỷ (39,4%). Các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi sẽ được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ, tại các đô thị lớn, các địa bàn có khả năng huy động nguồn lực xã hội thì tăng cường xã hội hóa. Nhằm thu hút các nhà đầu tư, khi xây dựng rạp phim, rạp biểu diễn, nhà triển lãm… sẽ có các công trình dịch vụ đi kèm để các nhà đầu tư khai thác nguồn thu.

Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình văn hóa còn tùy thuộc theo khả năng của nền kinh tế, sự đóng góp của các nguồn vốn xã hội và sử dụng hiệu quả các công trình hiện có, cũng như theo qui hoạch và đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân dân. Theo Luật Ngân sách, các công trình của các tỉnh, thành phố hay của các bộ, ngành nào thì kinh phí này do các địa phương và bộ, ngành đó là chủ quản đầu tư, quyết định phê duyệt dự án và trực tiếp quản lý. 

PV: Liệu có tình trạng các tỉnh sẽ “té nước theo mưa” để đề xuất xây dựng nhà hát lớn, dù không thật cần thiết?

Ông Hồ Việt Hà: Để tránh điều này, Bộ VH,TT&DL đã có Công văn 1608/BVHTTDL–KHTC ngày 3/5/2013 hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quyết định 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các tỉnh rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, cơ sở vật chất của các công trình văn hóa trên địa bàn; chú ý ưu tiên các dự án nâng cấp cải tạo các công trình hiện có. Trước khi xem xét, quyết định các công trình văn hóa qui mô cấp tỉnh, thành phố, cần có ý kiến phối hợp của Bộ VH,TT&DL, Bộ KH-ĐT.

PV: Nhiều người băn khoăn, xây dựng xong các nhà hát, rạp chiếu phim rồi hiệu quả sử dụng thế nào?

Ông Hồ Việt Hà: Các công trình văn hóa phải được sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ nhân dân hưởng thụ văn hóa. Vì thế, Bộ VH,TT&DL đã tiến hành đồng bộ: đầu tư cho các đoàn nghệ thuật truyền thống phát triển với việc dựng vở mới, khôi phục lại một số vở cũ truyền thống, mua sắm trang phục, nhạc cụ… Có nơi biểu diễn, điều kiện thuận lợi nghệ sĩ mới cống hiến hết mình với nghề để gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc, nhất là các di sản đã được UNESCO công nhận như quan họ, hát xoan, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử... Bộ VHTT&DL cũng hỗ trợ để bảo tồn các loại hình truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… và các đơn vị nghệ thuật đang cố gắng tìm tòi, thử nghiệm các mô hình để thu hút khán giả trong nước cũng như khách du lịch quốc tế như các quy mô biểu diễn khác nhau, xúc tiến quảng bá chương trình…  Vì nhiều đơn vị chưa có nhà hát nên Bộ VH,TT&DL có chủ trương để các đơn vị nghệ thuật sử dụng chung nhà hát, khai thác triệt để các nhà hát hiện có. Tuy nhiên, có nhà hát rồi, để khai thác hiệu quả nhà hát cần có giải pháp đồng bộ về quản lý, tuyên truyền, đào tạo...

PV: Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.