Đại gia đình nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai và truyền thống nghệ thuật
Hơn nửa thế kỷ trước, khán giả Thủ đô đã yêu mến những vai diễn của NSND Trần Tiến. Ông mang đến tiếng cười cho khán giả khi vào vai Đại Cát trong "Quẫn", Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", ông Hoài Nghi trong "Chuông đồng hồ điện Kremli", Cố vấn ái tình trong "Kén rể"… đến mức, tên ông một thời được "đóng đinh" là Đại Cát, hay "Cố vấn ái tình".
Thế nhưng, khi ông vào vai Đức trong "Lửa hậu phương", hay Nguyễn Trãi trong "Nguyễn Trãi ở Đông quan", ông lại dễ dàng mang bao xúc cảm nghẹn ngào cho người xem. Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội từng lắng xuống, khi giọng nói trầm ấm, chứa chất nỗi khắc khoải của Nguyễn Trãi vang lên: "Đông Quan bên kia rồi, cát bay mờ mịt cả. Chiếc lá rụng trong cơn binh lửa đã dạt về đến đây…"
Với hàng trăm vai diễn đầy cá tính ở nhiều thể loại, NSND Trần Tiến đã mang đến cho khán giả cả sự thư giãn, lẫn những suy tư, trăn trở. Mỗi khi bước ra sân khấu, là ông lại cháy hết mình cho vai diễn, với một phong cách thể hiện nhẹ nhàng, dung dị mà thấm đẫm chất nghệ sĩ. Bởi vậy, ông là một trong hiếm hoi các nghệ sĩ thành công được ở cả những vai chính kịch lẫn hài kịch, bằng một tài năng hiếm thấy.
Để có được thành công ấy, cùng với tài năng và tình yêu nghệ thuật, còn là sự lao động nghiêm cẩn của người nghệ sĩ. NSND Trần Tiến chia sẻ: để khán giả khóc, cười cùng vai diễn, thì cái "tôi" của diễn viên phải làm chủ được cái "tôi" của nhân vật, mới lột tả được tính cách vai diễn một cách rõ nét. Dĩ nhiên, làm được điều đó, đòi hỏi diễn viên phải "lao tâm khổ tứ" trong việc thu lượm kiến thức từ đời sống thực tế, để biến thành của riêng mình.
Với ông, vai diễn nào cũng đắm đuối và kỹ càng. Bởi thế, ông đã thuyết phục được người đạo diễn danh giá Nguyễn Đình Nghi, khi thấy vai diễn này có tới 4 bộ quan phục mũ cánh chuồn, rằng: Khi ở Đông Quan, Nguyễn Trãi phải vác rá đi vay gạo nên không thích hợp với những bộ quan phục. Vì thế, đạo diễn đã đồng ý với đề nghị của ông là thay bằng bộ quần áo nâu và khăn nâu quấn chéo.
Nổi tiếng với vai diễn Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", cũng bởi ông đã mạnh dạn yêu cầu sửa kịch bản, để có đất thể hiện được thế mạnh riêng, nên đã được cả 2 nghệ sĩ tên tuổi Lưu Quang Vũ và Nguyễn Đình Nghi ủng hộ. Nói về người bạn tri âm, NSND Doãn Châu trầm trồ: "Sân khấu không dễ có được một diễn viên luôn thành công ở cả vai phản diện lẫn chính diện, hài kịch lẫn chính kịch như NSND Trần Tiến."
Cùng với các NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Doãn Hoàng Giang… NSND Trần Tiến đã góp phần làm nên thương hiệu cho Nhà hát kịch Việt Nam qua các vở diễn mà thời gian vẫn không xóa nhòa được.
Người bạn đời năm xưa của ông, NSƯT Lê Mai, cũng là một nghệ sĩ được khán giả biết đến ngay cả khi bà đã không còn trẻ, qua các bộ phim truyền hình dài tập "Bà nội không ăn pizza", "Hoa sữa cuối thu". Bà cũng gắn bó với sân khấu từ rất sớm, khi sinh trưởng trong một môi trường nghệ thuật. Bà là con gái của nhà thơ - kịch tác gia Lê Đại Thanh với 2 người em cũng rất thành công trong nghệ thuật, là họa sĩ Lê Đại Chúc và NSƯT Lê Chức, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
NSƯT Lê Mai và 2 con gái: NSND Lê Khanh-NSƯT Lê Vy. |
Đam mê với ánh đèn sân khấu từ thuở thiếu thời, hơn nửa thế kỷ trước, NSƯT Lê Mai đã ghi dấu ấn trên sàn diễn Thủ đô qua những vai diễn trong các vở "Những người ở lại", "Đồng mía Cu Ba", "Những người du kích", "Con tôi cả", "Bức tranh mùa gặt"... Mỗi vai diễn, bà đều tạo nên một ấn tượng riêng, mang chiều sâu tâm lý và cách thể hiện không hề trùng lặp. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn, vì cả những lý do khách quan, bà đành chấp nhận hy sinh, lui về "hậu phương" để chồng con yên tâm hoạt động nghệ thuật.
Lăn lộn với cuộc sống, lo toan cho cái gia đình bé nhỏ, bà không nghĩ mình còn cơ hội trở lại với những vai diễn vẫn luôn trở về trong những giấc mơ của mình. Nhưng bà có được niềm hạnh phúc dồn tụ khi không chỉ NSND Trần Tiến, mà cả 3 cô con gái của bà đều cũng thành danh trong sự nghiệp.
Và rồi, mơ ước của bà lại được toại nguyện, khi bà được mời đóng các phim điện ảnh và truyền hình: "Đứa con người hàng xóm", rồi "Chập cheng", "Hoa đắng", "Hoàng hôn dang dở"… để rồi, cũng như trên sân khấu, bà tiếp tục tạo dựng được ấn tượng với người xem. Khi đã qua tuổi 70, bà một lần nữa tỏa sáng với các bộ phim truyền hình dài tập, mà "Bà nội không ăn pizza" là một dấu mốc.
Cô con gái cả của cặp nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai cũng là một diễn viên tên tuổi: NSƯT Lê Vân. Sở hữu một vẻ đẹp mặn mà, sang trọng cùng khả năng diễn xuất thiên bẩm, Lê Vân đã từ một diễn viên múa khá thành công, vững vàng bước vào điện ảnh và nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình. Những vai diễn của chị trong các bộ phim, mà đến nay vẫn là những dấu ấn không phải diễn viên nào cũng có thể vượt qua: "Chị dậu", "Thương nhớ đồng quê", "Đêm hội Long Trì", "Bao giờ cho đến tháng 10"... Đặc biệt, với vai Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng 10", NSƯT Lê Vân đã giành giải Bông sen Vàng tại LHPVN năm 1985.
Mặc dù rất thành công ở điện ảnh, nhưng rồi, NSƯT Lê Vân đã không đi đến cuối con đường nghệ thuật, mà bỏ ngang và sống khá "ẩn dật" bên chồng con. Nhưng những gì mà Lê Vân đã có trong điện ảnh, vẫn là điều mà giới chuyên môn không thể phủ nhận.
Cái tên của NSND Lê Khanh dường như mấy ai không biết, bởi cả tài năng và sắc đẹp của chị. Chị là con gái thứ 2 của NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai. Trong sự nghiệp, Lê Khanh là một tên tuổi rực rỡ mà khi nhắc đến, khán giả không thể quên những vai diễn trong "Vũ Như Tô", "Rừng Trúc" hay "Bến bờ xa lắc", "Lời thề thứ 9", "Âm mưu tình yêu"…
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Lê Khanh đã chịu ảnh hưởng của ánh đèn sân khấu rất sớm. 7 tuổi, chị đã tham gia các vai trẻ nhỏ, đến nay, chị đã có hàng trăm vai diễn, đa phần là các vai chính trong các vở kịch lớn đã được công nhận. Giờ đây, tình yêu nghệ thuật trong Lê Khanh vẫn cháy sáng. Chị vẫn đam mê với từng vai diễn, vẫn khát khao với sự thay đổi hình tượng nhân vật.
Nhiều người ngỡ chị thành danh chỉ là do năng khiếu, nhưng năng khiếu chỉ là nền móng, còn sự phấn đấu liên tục của người nghệ sĩ mới là sức bật thành công. Trong mọi hoàn cảnh, Lê Khanh luôn kiên định với cái nghề đã trở thành máu thịt. Ở chị Lê Khanh luôn chọn lựa những gì có khả năng làm tốt để làm hết mình. Giống như cha mình, cùng với năng khiếu trời cho, Lê Khanh cũng gom góp vốn sống cho mình từ tư duy quan sát tinh tế để làm nên bí quyết thành công…
Những nỗ lực không ngừng của Lê Khanh trên con đường nghệ thuật đã được khẳng định: Năm 2001, chị trở thành NSND trẻ nhất nước. Làm tốt vai trò của một diễn viên, chị còn mạnh dạn bước vào công việc của một đạo diễn. Giờ đây, chị còn trở thành Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Chồng chị, NSƯT Phạm Việt Thanh, một nhiếp ảnh gia tên tuổi, cùng là một đạo diễn và nhà quay phim có nhiều thành công.
Cô con gái út của NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai là Lê Vy. Giống như chị cả Lê Vân, Lê Vy cũng bắt đầu sự nghiệp là một diễn viên múa và cũng đã gặt hái được những thành công trong các điệu múa cổ điển châu Âu. "Múa công", "Bến lụy"… đã mang lại cho Lê Vy sự yêu mến của khán giả. Nhưng rồi, Lê Vy cũng mạnh dạn "lấn sân" sang sân khấu và nhanh chóng ghi lại dấu ấn trong "Cổ tích tuổi 17", "Giải hạn", "Cây bạch đàn vô danh". Lê Vy từng "theo chồng bỏ cuộc chơi", nhưng rồi, chị lại trở lại với nghề bằng hai phim truyền hình "Nghề báo" và "Miền quê thức tỉnh"…
Trong hơn nửa thế kỷ qua, cũng như bao gia đình khác, gia đình NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai cũng trải qua những thăng trầm, với những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng có một điều ai cũng dễ dàng nhận ra: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật vẫn luôn nồng ấm và được nuôi dưỡng trong trái tim từng thành viên của gia đình một cách trân trọng. Điều đó gắn kết họ lại, cùng nhau bước qua mọi thử thách của cuộc sống, để cùng hy sinh và dâng hiến cho nghệ thuật, để thực sự trở thành những người nghệ sĩ chân chính trong thánh đường nghệ thuật