Dạ hội thơ “Đất nước mùa xuân”: Những khoảnh khắc ý nghĩa

Chủ Nhật, 05/02/2012, 10:20
Dạ hội thơ có thể được coi là một khoảnh khắc đẹp, mà như nhà thơ, dịch giả Yuka Tsukagoshi (Nhật Bản): “Cho dù khoảnh khắc đó chỉ là một cái chớp mắt của thời gian thì đó cũng là một bước tiến lớn tới việc tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hòa bình chung”.

Sau 2 đêm thơ quốc tế tổ chức tại thành phố biển Hạ Long (một đêm do nhà thơ Đỗ Trung Lai “cầm trịch”, một đêm do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chủ trì), đều thành công mỹ mãn, đêm qua, 13 tháng Giêng Nhâm Thìn, tức 4/2/2012, các nhà thơ dự Liên hoan thơ quốc tế “Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hợp tác và phát triển” đã trở về Hà Nội với dạ hội thơ “Đất nước mùa xuân” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học cổ nhất Việt Nam.

Dạ hội đã diễn ra với màn thắp nến rất ấn tượng, sau lời phát biểu khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tất cả đèn vụt tắt, hơn 100 nhà thơ nước ngoài và Việt Nam cùng thắp lên những cây nến cầu chúc cho hòa bình. Đêm Văn Miếu bỗng mang một không gian lung linh, huyền ảo đặc biệt hiếm thấy.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người dẫn chương trình cho Dạ hội thơ, xúc động: Hình ảnh rất đẹp đó là một thông điệp bày tỏ khát vọng hoà bình của các dân tộc một cách ý nghĩa và sâu sắc. Hoà bình là tài sản vô giá của loài người. Nó là vật báu trao tay qua nhiều thế hệ.

Với Thơ ca, hoà bình là một niềm say mê, một cảm hứng sáng tạo vô giới hạn trong tình yêu con người. Có bao nhiêu con đường đến với ngôi đền thiêng của Thơ ca thì có bấy nhiêu sáng kiến để bảo vệ và củng cố nền hoà bình. Với Thơ ca, bầu trời đẹp nhất là bầu trời dưới đôi cánh của chim bồ câu. Hoà bình là khởi nguồn cho mọi khởi nguồn, là điều kiện của mọi điều kiện.

Chắc chắn, rời Liên hoan thơ lần này, ấn tượng về khoảnh khắc thắp nến cầu chúc cho hòa bình ngay tại Di sản văn hóa thế giới có gần 1.000 năm tuổi của Việt Nam sẽ còn đọng mãi trong trái tim các nhà thơ quốc tế, để tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về khát vọng hòa bình.

Dạ hội thơ được bắt đầu ngay sau nghi thức thắp nến vì hòa bình. Sau 2 dạ hội ở Quảng Ninh, đã có khoảng 60 nhà thơ quốc tế đã đọc thơ, và đêm thơ này, các nhà thơ còn lại tiếp tục mang đến cho người yêu thơ những cảm xúc dạt dào, thánh thiện từ những tác phẩm của họ: Nữ thi sĩ Holy Thomson của Nhật Bản với những trang tiểu thuyết thơ “Những vườn quả” vừa được giải thưởng văn học châu Á – Thái Bình Dương –Mỹ, nhà thơ Lào Khuasay Sengma, thi sĩ David Mc Kirdy, cây bút của Israel là Sabina Meseg, hay nhà thơ nổi tiếng của Uzbekistan là Rustamora, Chen Shukai của Trung Quốc vv...

Nhà thơ Biplav Majee (Ấn Độ) đọc thơ tại Dạ tiệc thơ ở Hạ Long.

Các nhà thơ Việt Nam cũng có mặt trong Dạ hội thơ là đại diện của các vùng miền, như Mai Phương của Quảng Ninh, Mai Văn Phấn (Hải Phòng), Võ Sa Hà (Thái Nguyên) và Phan Hoàng (TP. HCM).

Cũng như 2 đêm thơ ở Hạ Long, mỗi bài thơ được cất lên ở Dạ hội thơ, đều là các tác phẩm đặc sắc, chứa đựng cả vẻ đẹp thánh thiện của thi ca và hơi ấm của giấc mơ hòa bình. Các nhà thơ cũng đều thể hiện tình cảm mãnh liệt, nồng cháy trước sự kiện văn hóa đặc biệt này, như thêm một lần minh chứng rằng, thơ ca đích thực là nhịp cầu nối những trái tim lớn xích lại gần nhau.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, một thành viên xây dựng kịch bản đêm thơ “Đất nước mùa xuân” cho biết: Đêm thơ nào cũng chứa đầy nhiệt huyết của các thi nhân. Nhiều người, ngoài các bài chuẩn bị sẵn đã được dịch trước, còn hào hứng trình diễn những bài thơ chưa được dịch, và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã nhanh chóng dịch tại chỗ để đáp ứng yêu cầu được thưởng thức và sẻ chia của các nhà thơ với nhau. Trong đêm thơ tại Hạ Long tối 12 tháng Giêng, nhà thơ Anna Reteyum, Chủ tịch Hội thơ Haiku (Nhật Bản), đã nhiệt tình đọc tới... một nửa cuốn thơ của ông!

Trong dạ hội thơ “Đất nước mùa xuân”, Ban Tổ chức Liên hoan thơ còn chiêu đãi các vị khách quốc tế 2 màn nghệ thuật độc đáo: 3 giá đồng của các nghệ nhân Ninh Bình, mà theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đó là một trong những giá đồng mang tính chuyên nghiệp, điển hình và tuyệt vời nhất trong các giá đồng ở nước ta. Tiết mục “Múa đèn” của các diễn viên ở Vĩnh Phúc cũng khiến các bạn quốc tế hài lòng về sự đặc sắc riêng có mà nhiều người lần đầu biết đến.

Dạ hội thơ có thể được coi là một khoảnh khắc đẹp, mà như nhà thơ, dịch giả Yuka Tsukagoshi (Nhật Bản): “Cho dù khoảnh khắc đó chỉ là một cái chớp mắt của thời gian thì đó cũng là một bước tiến lớn tới việc tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hòa bình chung”

Thanh Hằng
.
.
.