Đà Nẵng trưng bày hiện vật của các nhà báo liệt sĩ

Thứ Năm, 11/08/2011, 19:21
Kể từ ngày 9/8 Bảo tàng Đà Nẵng sẽ đưa ra trưng bày những hiện vật của 5 liệt sĩ là các điệp báo viên, nhà báo thuộc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà (cũ) đã hy sinh tại núi Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, núi Hòn Tàu là địa điểm có nhiều cơ quan đầu não của Đặc khu ủy Quảng Đà đóng quân, trong đó có Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy.

Vào đêm 21 rạng ngày 22/5/1972, một loạt bom B52 đã rải trúng cơ quan phía trước của Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà ở vùng núi Hòn Tàu. Trong trận này có 10 cán bộ hy sinh và nhiều người bị thương nặng.

Ngay thời điểm ấy, Ban Tuyên huấn đã chôn cất được 5 đồng chí gồm: Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Toán, Lê Văn Phô, Võ Văn Ấn và Nguyễn Đức Tân tại một vạt núi gần căn cứ. Tuy nhiên, còn  lại 5 đồng chí hy sinh trong hang, do bị những khối đá lớn hàng chục tấn đè nặng, không thể cất bốc, suốt giai đoạn chiến tranh…

Gần 40 năm qua kể từ khi đất nước hoàn toàn được giải phóng đã có rất nhiều đồng chí đồng đội Ban liên lạc Đặc khu ủy Quảng Đà trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm, cất bốc hài cốt cho 5 liệt sĩ trên nhưng do cảnh vật thay đổi, và những nhân chứng còn lại rất ít nên vẫn không tìm được…

Cho đến giữa tháng 7/2011, công tác cất bốc mộ liệt sĩ được thực hiện phối hợp của bộ đội công binh (bộ chỉ huy Quân sự thành phố) và các ban ngành chức năng của Quảng Nam và Đà Nẵng. Đến ngày 7/8, hài cốt 5 liệt sĩ đã được cất bốc dù không còn nguyên vẹn. Đó là các  liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, (Báo Giải phóng Quảng Đà), Hoàng Quốc Thăng (Điện báo viên Thông Tấn Xã Giải phóng), Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh và Võ Công Thu (Nhà in, Đội chiếu bóng...

Một số hình ảnh, hiện vật của các nhà báo liệt sĩ được Bào tàng Đà Nẵng trưng bày.

Theo ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, trong số hiện vật tiếp nhận trưng bày tại Bảo tàng, ngoài các loại máy móc, thiết bị dùng để phục vụ chuyên môn của Ban tuyên huấn ngày ấy, còn có những kỷ vật cá nhân của các liệt sĩ. Chẳng hạn có một chiếc đồng hồ của liệt sĩ Hoàng Kim Tùng còn nguyên vẹn, dừng kim ở ngày 24/5/1972, sau hai ngày bị dội bom (đã tặng lại gia đình).

Đặc biệt, là có một tấm vải dù của nhà báo Dương Đức Quảng (nguyên là Tổ trưởng Tổ phóng viên Giải phóng ở Quảng Đà), vào thời điểm ấy đã gởi cho Hoàng Quốc Thăng, đang chuẩn bị công tác ra Bắc, đem về tặng người cha là Dương Đức Thịnh, nhưng cuối cùng tấm vải dù đã nằm lại trong hầm suốt 39 năm...

Ngày 7/8/2011 tại thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ truy điệu cho 5 liệt sĩ nói trên

Hoài Thu

.
.
.