Đà Nẵng phục dựng lễ hội Mục đồng
Lễ rước Mục đồng tại làng Phong Lệ lần này còn là lễ hội truyền thống được phục dựng quy mô nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng. Ngoài 2 ngày diễn ra lễ hội cùng những nghi thức cổ truyền xưa, Ban tổ chức sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn hát tuồng cổ tại nhà thờ tiền hiền của làng từ 19h ngày 28/11. Và đây cũng chính là lần đầu tiên lễ hội Mục đồng được phục dựng lại sau sự gián đoạn gần hơn 60 năm sau lễ hội Mục đồng lần cuối cùng được ghi nhận là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936)…
Tương truyền, lễ rước Mục Đồng ở làng Phong Lệ - lễ hội dành cho trẻ chăn trâu đã xuất hiện từ rất lâu theo thông lệ cứ đến các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nghĩa là cách 3 năm, làng lại tổ chức lễ rước Mục đồng một lần. Sau dãn dần ra sáu năm, rồi cuối cùng 12 năm mới tổ chức một lần. Lần cuối cùng được ghi nhận là vào năm Bảo Đại thứ 11.
Cũng có tích kể rằng, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng.
Sau hơn 60 năm gián đoạn, lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ dành cho trẻ chăn trâu đã được phục dựng. |
Lễ hội thường diễn ra từ hạ tuần tháng ba âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất là lúc các công việc sắp đặt cho lễ hội bắt đầu. Để phục vụ cho lễ rước, ngoài việc cắt cử các chức sắc lo việc tế lễ, dân làng Phong Lệ phải chuẩn bị cho một cổ kiệu hai đòn khiêng có giăng hoa, kết trái tươm tất và phân công cho bốn mục đồng khỏe mạnh khăn đóng, áo dài giữ phần khiêng kiệu. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có cờ lớn của 13 tộc họ ngày đó. Cờ lớn cán bằng tre dài khoảng 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các con giống, nào là tứ kinh (long, lân, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng, dần, nia...
Chuẩn bị đâu vào đó, chiều 29/3 âm lịch làm lễ dạo đồng. Đây là lúc con cháu sinh sống ở các nơi xa kéo về đông đủ. Mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng tỏ ý cầu cho được mùa. Sáng 30, chính thức diễn ra lễ rước, lễ bắt đầu vào sáng tinh mơ ngay giữa đình thần…
Năm nay, được sự cho phép của UBND TP Đà Nẵng và công tác bảo tồn phục dựng những lễ hội văn hóa truyền thống của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng. 17 tộc họ và người dân làng Phong Lệ lại cùng nhau dựng lại lễ hội này và đã thu hút sự quan tâm của du khách thập phương và người dân thành phố. Theo kịch bản, vào đêm 27/11, ánh sáng của hàng trăm chiếc đèn lồng và đèn gió sẽ làm lung linh không gian đêm lễ vọng. Từ 6h sáng 28/11, Đoàn lễ rầm rộ theo sau bao gồm các nhân vật chính là 60 mục đồng gồm những trẻ em với áo vá, roi trâu sẽ cùng bà con các tộc họ đi dạo đồng dưới sự giám sát của trùm chỉ, trùm phụ (những người giữ trật tự cho đám mục đồng).
Xong lễ, đám rước về đến đình làng, sau đó là lễ đặt bài vị và lễ dâng vật cúng của dân làng. Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước những mục đồng. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp ba gian đình, ai nấy đều hoan hỉ vì tin rằng lòng thành của mình đã được thần mục chứng giám; và ngày mai, đồng ruộng sẽ tốt tươi…
Trước khi về làm lễ chính thức ở đình làng, mục đồng là các trẻ em, thanh niên của làng Phong Lệ và du khách thập phương còn được tham gia các trò chơi dân gian dành cho con trẻ đã bị mai một theo thời gian, như bịt mắt bắt vịt, đánh nẻ, đánh thẻ, kéo co...