Đã 3 năm, dự án trùng tu chùa Một Cột vẫn chưa... "nhúc nhích"

Chủ Nhật, 11/11/2012, 12:28
Từ năm 2009, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột với kinh phí đầu tư hơn 31 tỷ đồng. Kế hoạch triển khai của dự án là vào năm 2012, hoàn thành vào đầu năm 2013, song đến nay, các bước tiến hành để trùng tu ngôi cổ tự dường như vẫn chỉ nằm trên giấy.
>> Chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á

Với 963 năm lịch sử, chùa Một Cột - Diên Hựu đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Giờ đây, người dân Việt Nam thêm một lần tự hào khi ngôi cổ tự danh tiếng này được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”. Đây là kỷ lục châu Á đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực kiến trúc tôn giáo. Lễ đón chính thức danh hiệu này sẽ diễn ra vào ngày 12/11, tại Hà Nội. Chắc chắn, sự kiện văn hóa này sẽ mang đầy ý nghĩa, góp phần tiếp tục đưa hình ảnh một Việt Nam có bề dày lịch sử và kiến trúc ra thế giới.

Chùa Một Cột được xây dựng vào thời Lý, năm 1409, là kiến trúc độc đáo với hình tượng một bông sen, kết cấu bằng gỗ, bên trong thờ tượng Phật bà Quan Âm. Chùa là một di tích tôn giáo nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Vì thế, trải qua nhiều triều đại, ngôi chùa luôn được các bậc đế vương và quan lại chăm sóc, giữ gìn. Cùng với thăng trầm của thời gian, những biến loạn của xã hội, chùa đã trải qua nhiều lần sửa chữa, phục dựng. Chùa Một Cột hiện nay gồm đài Liên Hoa hình vuông, mỗi chiều dài 3m, bốn góc uốn cong, hình lưỡng long chầu nguyệt, dựng trên cột cao giữa lòng hồ.

Trước khi rời gót giày xâm lăng khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã cho nổ mìn phá nát ngôi chùa. Vì thế, chùa Một Cột hiện nay là do phục dựng, trùng tu quy mô vào năm 1955 và được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia từ năm 1962. Theo các chuyên gia, kiến trúc chùa xây dựng hiện có gần với kiến trúc nhà Hậu Lê. Nằm trong quần thể di tích: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột cũng trở thành một điểm du lịch thu hút khách tham quan.

Tuy nhiên, do thời gian, chùa Một Cột đã xuống cấp rất nhiều. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột - Diên Hựu: vì phần mái đã bị mục nát nên cứ mưa là dột. Những ngày mưa, nhiều bức tượng phải “mặc” áo mưa, hay đội nón, để tránh bị hỏng. Đã vậy, lại nằm ở vùng trũng trong khu vực, nên mỗi khi mưa, nước lại dồn về, càng khiến chùa bị ngập và bị hư hỏng thêm. Đã nhiều năm, nhà chùa đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng phản ánh, cũng đã có nhiều cuộc họp, nhiều đợt kiểm tra hiện trạng của chùa, nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa thay đổi, dù ai cũng hiểu, trùng tu ngôi chùa cho khang trang, sẽ là niềm tự hào về di sản của dân tộc của các thế hệ người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Đại đức Thích Tâm Kiên cũng cho biết thêm: Từ năm 2009, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột với kinh phí đầu tư hơn 31 tỷ đồng. Kế hoạch triển khai của dự án là vào năm 2012, hoàn thành vào đầu năm 2013, song đến nay, các bước tiến hành để trùng tu ngôi cổ tự dường như vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chùa Một Cột luôn là một địa chỉ thu hút du khách.

Vướng mắc nhất hiện lại là thủ tục tiến hành dự án. Vì UBND quận Ba Đình dự kiến tổ chức 3 cuộc hội thảo trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, lịch sử để thống nhất phương án bảo tồn tối ưu cho ngôi chùa ngàn năm tuổi, tuy nhiên, dự án rục rịch đã nhiều năm, mà đến nay, hội thảo cần thiết vẫn chưa diễn ra và không biết đến bao giờ mới có, để mở đường cho việc trùng tu, trong khi ngôi chùa vẫn phải đối mặt với sự xuống cấp từng ngày? Đây chính là lo âu không chỉ của Đại đức Thích Tâm Kiên, mà còn của nhiều người nặng lòng với di tích quan trọng này.

Ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết: Cuối tháng 11/2012, sẽ tiến hành hội thảo khoa học về chùa Một Cột - Diên Hựu, để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này. Từ ý kiến của các nhà khoa học, UBND quận Ba Đình sẽ làm báo cáo trình lên UBND TP Hà Nội, để xin ý kiến của Bộ VH,TT&DL. Sau đó, tiếp tục tổ chức hội thảo, làm cơ sở trùng tu cho xứng tầm của chùa Một Cột.

Thôi thì đành phải chờ đợi và hy vọng sau khi chùa Một Cột nhận kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”, các hội thảo sẽ nhanh chóng được tiến hành. Vì thời gian không chờ đợi con người, nên hằng ngày, mưa nắng vẫn dội xuống ngôi chùa cổ. Không nên để đến lúc phải hối tiếc vì mọi việc đã muộn. Câu chuyện xâm hại di tích ở chùa Trăm Gian (Hà Nội), đình Ngu Nhuế (Hưng Yên) v.v… phải chăng đã đủ là những bài học đắt giá, mà nguyên nhân là từ việc chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiến hành các thủ tục trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử!

Thanh Hằng
.
.
.