Cựu chiến binh 80 tuổi còn… yêu

Chủ Nhật, 14/12/2008, 19:30
Buổi lễ mừng nhà văn Thái Vũ 80 tuổi thật đơn giản, thư ông viết cho tôi còn giản dị hơn - chỉ là mặt sau tờ giấy mời nửa trang A4, nhưng Thái Vũ không quên nhắc đến lẵng Hoa Hồng. Thái Vũ viết "hoa" như thế vì nó trùng tên "nàng thơ" đến làm "chủ lễ" - người bạn tâm tình với Thái Vũ mấy năm qua.

Trong "Tuyển tập Thái Vũ" dày gần 1.000 trang (NXB Thanh Hóa, 2004), có đến 4 bài thơ tặng "nàng thơ" của mình: "Ôi! Linh diệu bông hồng như huyền thoại/ Giữa đất trời hay từ những vì sao/ Thực hư chăng cứ ngỡ giấc chiêm bao/ Hoa rực sáng... khi mỗi chiều đón đợi...".

Thái Vũ viết là "linh diệu" vì… hơn nửa thế kỷ trước, kỳ lạ thay, khi đang dạy văn Trường Trung học Bình dân quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu V (1948-1950), Thái Vũ đã phải lòng cô nữ sinh xinh đẹp Trường Lê Khiết, cũng mang tên hoa hồng mà Thái Vũ thích gọi là "Rosa" (tiếng Pháp) khi làm thơ tặng nàng: "Anh - người lính xa quê/ (đi đánh giặc)/ Yêu em chưa một lời thề/ Lòng chưa lỗi hẹn khi kề bên em…/ "...Tiếng ai thì thầm/ (Không! Vẫn là tiếng lá)/ Gió ơi còn nhắc làm chi/ Để buồn thêm cảnh chia ly... em về.// Em về thật, em?/ (Khoảng trời không còn nữa)/ Ơ... có hai con chim nhỏ/ Đậu trên cành nối mỏ tỉ tê...".

Bây giờ thì cô gái ấy đã ở rất xa, và thay cho chị "Rosa" là "Rosetta" (bông hồng bé bỏng) - có thể chỉ là tình yêu đơn phương của lão nhà văn Thái Vũ, nhưng đó là nguồn thơ của ông.

Giữa hai “bông hồng” ấy, Thái Vũ còn có những “bóng hồng” khác nữa như cô Quế ở Thanh Hóa, cô Tuyết ở Hàng Đào, Hà Nội...

Hỏi ông vì sao lắm mối thế và hẳn đều là những mối tình không tưởng phải không, ông móm mém cười đáp: “Đúng là mình thích tình yêu không tưởng - utopia - nhưng không tưởng là vì không nhắm đến đích chứ với mình, tình yêu là có thật 100%! Nói đúng ra, đó là sự chiêm ngưỡng cái đẹp, người yêu chính là... linh diệu, khí hạo nhiên của trời đất, chứ không phải vì ham muốn trần tục. Vì thế, xa nhau rồi, trong thâm tâm, mình không phụ tình cô nào cả, vẫn nhớ, vẫn... yêu! Thời nay, tình yêu thực dụng là phổ biến, các cậu không hình dung được là phải”.

Trớ trêu thay, Thái Vũ có một mối tình đẹp với cô sinh viên khoa Toán Lý NTV, một mối tình thật sự nhằm tiến đến hôn nhân, nhưng nàng là dân đạo gốc, thân mẫu chàng quê ở Huế vốn sùng đạo Phật; đó cũng là lúc chàng gặp "tai nạn" văn chương, nên nàng đã... cắt tóc đi tu và nay thì đã trở thành Mẹ Bề Trên một nhà tu ở Hà Nội! Tròn nửa thế kỷ đã qua, lần đầu tiên Thái Vũ công bố những vần thơ thật da diết trong tuyển tập có tên là "Những chiếc lá thời gian":

"...Đường em đi âm thầm năm tháng/ Con đường anh không hạnh phúc lứa đôi/ Đã yêu nhau... anh nỡ chia phôi/ Sông hai ngả không nhập về một nhánh/ Em nguyện cầu bên chân tượng Thánh/ Anh bơ vơ không nẻo đường về...".

Nói chuyện ông lão 80 mà đang yêu, nên tôi dẫn mấy câu thơ làm chứng, chứ sự nghiệp văn chương của Thái Vũ chủ yếu là những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như "Cờ nghĩa Ba Đình" (2 tập), bộ ba "Biến động - Giặc Chày Vôi", "Thất thủ kinh đô Huế 1885", "Những ngày Cần Vương", "Thành Thái, người điên đầu thế kỷ", "Trần Hưng Đạo - Thế trận những dòng sông", "Tình sử Mỵ Châu"...

Tuy vậy, Thái Vũ đã trở thành một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957 (với tên Bùi Quang Đoài) do có thơ đăng trong Tạp chí Văn nghệ xuất bản ở chiến khu Việt Bắc từ năm 1951.

Trong làng văn, tôi thuộc lớp đàn em Thái Vũ, nhưng quen biết ông từ hồi ông ra Huế làm việc với NXB Thuận Hóa, tình cờ, Thái Vũ lại ở cùng chung cư với bà chị tôi tại đường Trần Hưng Đạo, TP HCM. Mỗi lần ghé thăm căn phòng thiếu bàn tay sắp đặt của người phụ nữ của ông, cũng thấy một thân hình gầy gò cặm cụi bên chiếc máy đánh chữ với những chồng bản thảo dày cộp.

Còn ông, hầu như lần nào ra Bắc cũng ghé Huế. Có người bảo Thái Vũ đang theo một "bóng hồng" nào đó ở đất Cố Đô. Không biết thực hư ra sao, nhưng Thái Vũ hoàn toàn có quyền đó, vì ông sống độc thân đã mấy chục năm. Chỉ biết ông quả là nặng tình với Huế; hàng ngàn trang tiểu thuyết lịch sử là bằng chứng hiển nhiên; và như cuối năm ngoái, sau khi nghe tin Huế lụt lội, ông đã gửi ra cho tôi một số tiền để giúp một số người bạn…

Còn mỗi khi gặp tôi, không có sách mới để tặng, thì bàn việc viết hồi ký hoặc "nói nhỏ" với nhau chuyện ông đã… nóng lòng và hồi hộp như thanh niên trong "mỗi chiều đón đợi" nàng "Rosetta"!...

Gần đây, đọc bản thảo hồi ức "Giọt nước thời gian" của Thái Vũ, tôi càng hiểu thêm vì sao ông lại say mê với đề tài tiểu thuyết lịch sử như thế. Với "Cờ nghĩa Ba Đình", "Biến động - Giặc Chày Vôi", "Thất thủ kinh đô Huế 1885"… nhà văn như được tắm mình trong hào khí thuở ông cha dựng "Cờ nghĩa" cứu nước, được "sống" cùng các anh hùng có tên và chưa có tên.

Có biết bao nhiêu con người và sự kiện đã bị khuất lấp trong các bộ "chính sử" vì không phải là thủ lĩnh, không trọng yếu hoặc không "hợp thời", nhưng chính họ đã làm nên lịch sử.

Như nhiều người đã "gặp" Nguyễn Quang Bích trong sử sách, nhưng chưa mấy ai biết đến cụ Bùi Cao Phan bị đày ở Guyane; cũng như chuyện thân phụ và thân mẫu Thái Vũ từng gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc và cả bà Hoàng Thị Loan không chỉ một lần, mấy ai đã biết…

Thái Vũ đã ghi lại lời kể của thân mẫu mình về những lần gặp gỡ đặc biệt này trong mấy trang - một việc mà ông "đành khấn hương hồn ba má tôi, mong tạ lỗi cùng anh linh người" vì "sinh thời ba má tôi đã "cấm" không cho viết trên sách…".

Nhưng đến cuối đời, ông đã viết ra vì nhiều người - các nhà sử học, nhà văn, đã khuyên ông hãy kể hết những gì mà ông biết, chứ lớp ông, bao nhiêu người ra đi đã mang theo luôn nhiều góc khuất của cuộc đời, của lịch sử mà hậu thế cần biết.

Cũng vì thế, trong hồi ức của mình, ông đã kể lại không ít những mối quan hệ, những lần gặp gỡ với các tên tuổi nổi tiếng trong sử sách. Chẳng phải ông muốn "đánh bóng" mình, nhưng ông muốn cung cấp thêm "bằng chứng" để thiên hạ hiểu rõ thêm những tên tuổi ấy. Do đó, có trường hợp, ông không ngại nêu ra những nhận xét trái với ý kiến hầu như đã được công luận thừa nhận.

Như với một vị quan cuối triều Nguyễn, trong khi dư luận gần đây cho rằng ông ta là một người yêu nước, nhưng Thái Vũ vẫn đưa ra những dẫn chứng ông ta "theo Tây, hót Tây mà lấy tiền, lấy chức". Tôi đã "góp ý" với Thái Vũ là phải thận trọng, nhưng ông bảo nghĩ sao, biết sao viết vậy, cần phải trung thực với chính mình.

Hình như có người nói Thái Vũ có phần "kiêu"; tôi thì nghĩ vì cái chất cách mạng, cái chất "lính" trong ông không hề bị pha loãng, dù nhân tình thế thái biến động, dù thời gian thường làm tàn phai mọi thứ.

Nói rằng Thái Vũ có "chất lính" vì ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã từ giã Trường Quốc học Huế trở thành lính Trung đoàn Trần Cao Vân, rồi sung vào đoàn quân Nam tiến và từ năm 1948-1950 là giáo viên Trường Trung học bình dân quân sự Liên khu V...--PageBreak--

Kỷ niệm "Liên khu V" với Thái Vũ sâu đậm còn vì ở đây ông đã có mối tình đầu. Người ta chỉ "một", nhưng chàng thanh niên Bùi Quang Đoài đào hoa thì có những mối tình đầu ở đây. Chẳng biết nhờ đức tính trung thực, hay vì đã tới tuổi "gần đất xa trời" chẳng sợ chi nữa mà phải giấu giếm,

Thái Vũ kể rằng: "…Chị Xuân Lan, nữ sinh cũ Trường Đồng Khánh (Huế), là hoa khôi lẫy lừng một thuở của Quảng Ngãi. Chị đã có 2 con, nhưng biết tôi đến từ xứ Huế, một lần chị làm một bữa cơm "đặc Huế", có cả chè, đãi tôi… Lúc này, tôi đã dính với "Rosa", nữ sinh Trường Lê Khiết, nhưng chị Xuân Lan "cuốn hút" tôi. Chị đẹp quá! Như "tiên giáng trần", nhất là bước đi… chao ôi, khó tả! Bản nhạc "Đêm hoa đăng" chính là tôi diễn tả bước chân của chị… Chị vẫn gọi tôi là em, tôi cũng thích thú như vậy và thực coi chị như chị lớn của mình. Mê chị vì chị quá đẹp, dù chị lớn tuổi hơn tôi…".

80 tuổi rồi mà còn viết những dòng hồi tưởng đắm đuối như vậy về một mối tình không tưởng ngày xưa, hèn chi hơn nửa thế kỷ trước, chàng lính trẻ Bùi Quang Đoài "dám" viết thơ tình lãng mạn giữa những ngày kháng chiến gian khổ ở Liên khu V tặng những "người đẹp" với nguyên vẹn tên thật đã đến với cuộc đời ông.

Bài "Vọng nàng thơ" viết năm 1947 trên Đường 19 (An Khê) ông ghi rõ "Nhớ Duyên (Huế)":

"... Ta chỉ là trai thời chinh chiến/ Ra đi không hẹn một ngày về/ Bên suối đêm nay lòng xao xuyến/ Nhớ Em... ly biệt không lời thề...".

… Sau chống Pháp, Bùi Quang Đoài được ra Hà Nội học Đại học Sư phạm Văn khoa. Ở đây, ông không chỉ được các thầy giáo danh tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trương Tửu... truyền thụ kiến thức mà còn cho ông nhiều bài học về nhân cách của kẻ sĩ, của một người trí thức.

Trên bước đường trở thành một nhà viết tiểu thuyết lịch sử có hạng, nhiều người thầy đáng kính như Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Lê Thước… đã từng là "điểm tựa" của đời ông. Thoạt đầu, anh chàng Bùi Quang Đoài chỉ định nối nghiệp dạy học của bố. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1956, anh đã trở thành giảng viên của trường, nhưng rồi "tai nạn nghề nghiệp" khiến anh phải rời bục giảng cùng với Cao Xuân Hạo, Văn Tâm...

Chuyện "tai nạn nghề nghiệp" của lớp người này, báo chí đã nói nhiều rồi, chẳng còn là điều cấm kỵ nữa, nhưng nói đến Thái Vũ mà bỏ qua việc này thì quả là thiếu sót.

Hơn nữa, trong hồi ức mà ông vừa viết "nháp" xong, Thái Vũ đã hơn một lần "đính chính" rằng ông cũng như một số người bên "Đại học" thời đó không dính gì đến nhóm Nhân văn - Giai phẩm (NVGP) như không ít người đã lầm tưởng!

Thái Vũ không phân tích "đúng-sai" về quan điểm, ông chỉ kể lại sự việc mà ông biết rõ, đính kèm cả bài ông viết tranh luận với ông Hoàng Xuân Nhị, bây giờ đọc lại thì không khác gì nhiều bài đã đăng từ ngày đất nước đổi mới.

Cũng chính vì khẳng định mình không thuộc nhóm NVGP, nên năm 1958, khi Thái Vũ đã chuyển về Phòng Tuyên truyền báo chí Bộ Giáo dục, trong kỳ đi tham gia lao động tại công trình thủy lợi Bắc-Hưng-Hải, lúc ông được tuyên dương là "Lao động tiên tiến" thì bất ngờ có một người tới trước mặt ông nói những lời xúc phạm khiến ông không kiềm chế được cơn lôi đình, nên đã bạt tai kẻ đặt điều.

Sau vụ này, Thái Vũ nghĩ là mình sẽ bị đuổi việc, nhưng chính trong buổi lễ đó, Thứ trưởng Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng, đã bảo người đến dìu Thái Vũ về nhà và về cơ quan, không ai nhắc gì đến chuyện "bạt tai" nữa!

Và Thái Vũ đã viết: "Tôi rất cảm ơn Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Hà Huy Giáp… Thầy ơi! Vâng, Thứ trưởng Hà Huy Giáp là người dạy chính trị cho năm thứ 3 Đại học Sư phạm văn khoa khóa học 1956 của lớp chúng tôi".

Rõ là Thái Vũ không quên ơn ai. Ông cũng từng kể cho tôi nghe, để "chuyển nghề", để có cuốn sách đầu tay trình làng (cuốn "Cờ nghĩa Ba Đình"), có bao người đã đứng bên ông, giúp ông vượt qua chặng đường gian khổ ấy. Được Hội Nhà văn cho "vay" 100 đồng, ông đi Thanh Hóa tìm về những căn cứ và nhân chứng cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Rồi 5 năm vùi đầu nghiền ngẫm những trang sử dân tộc, những tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng thế giới.

Năm 1963, lại vào Thanh Hóa với quyết tâm và cảm hứng dâng tràn. Các thầy Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Hoa Bằng đều tán đồng việc Bùi Quang Đoài chọn "điểm" khởi đầu văn nghiệp là Ba Đình. Cũng năm 1963, lần đầu tiên, bút danh "Thái Vũ" được các thầy "duyệt", xuất hiện trên Tạp chí "Nghiên cứu lịch sử".

Bản thảo "Cờ nghĩa..." viết lần đầu 370 trang, thầy Trần Huy Liệu đọc, bảo: "Cứ theo sườn này, viết kỹ hơn nữa". Lần hai, thành 600 trang. Nhà xuất bản nhỏ nhẹ: "Các cây đại thụ làng văn in dày thế này còn khó, ông thì... Thôi, rút gọn xuống 300 trang!". Lại cặm cụi sửa chữa, nhưng Nguyễn Đức Đàn góp lời bàn: "Đừng gò bó. Viết thoải mái mới hay được!".

Tình đồng nghiệp giữa nhà nghiên cứu và người sáng tác thật đẹp: Nguyễn Đức Đàn theo dõi đọc từng trang bản thảo vừa ráo mực; thậm chí chạy mua giúp bánh mì khi bạn say viết quên ăn... Được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nuôi 6 tháng, bản thảo lần 3 dày trên 1.000 trang được hoàn thành, tập 1 in năm 1976, năm 1981 in trọn bộ 2 tập. Và đến nay, bộ tiểu thuyết đã được in lại lần thứ ba…

Chuyện Thái Vũ viết mấy ngàn trang tiểu thuyết lịch sử thì phải một bài báo… trường thiên mới kể hết. Như chuyện ông "hư cấu" một "bóng hồng" trong tiểu thuyết "Cờ nghĩa Ba Đình", mặc dù ông từng "tuyên ngôn" rằng: "Viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải tôn trọng lịch sử, không hư cấu, bịa đặt, tùy tiện. Viết cuốn nào, mình cũng vẽ bản đồ khu vực diễn ra những sự kiện chính để tránh nhầm lẫn…".

Nhưng ông cũng đã nói: là tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử, làm sao tránh được "hư cấu". Nhân vật hư cấu trong "Cờ nghĩa Ba Đình" là cô Thắm, bị thằng đội Tây bắn đến 12 phát ở bến đò Cầu Cừ. Bây giờ, nhiều người dân ở đây đã gọi địa danh đó là "bến đò Thắm". Và trong một cuộc gặp gỡ ở Thanh Hóa, có người đã kể cho tác giả nghe câu chuyện ở bến đò Thắm, không ngờ "bóng hồng" ấy lại do chính tác giả "khai sinh" ra!

Đó là hạnh phúc hiếm có của người viết tiểu thuyết lịch sử! Và cũng có thể nói là hạnh phúc, cùng với những tài liệu (có thứ còn cả dấu son và chữ ký) mà Thái Vũ "đính kèm" trong tập hồi ức, thời gian đã làm chứng cho ông…

Nguyễn Khắc Phê
.
.
.