Cựu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam trả danh hiệu: Cả 2 phía đều nhầm lẫn

Thứ Ba, 27/05/2014, 09:33
Nếu đúng như bà Kim Hồng cho biết là liên lạc nhiều lần nhưng cựu Hoa hậu đã không hồi âm thì Triệu Thị Hà rất đáng phê phán. Song, việc CIAT có văn bản gửi đến Cục An ninh nội bộ A83 - Bộ Công an về việc hỗ trợ thông tin của Triệu Thị Hà cũng cho thấy, dường như bà Hồng đã lạm dụng quyền hạn...

Những ngày qua, vụ việc Triệu Thị Hà, cựu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam (HHCDTVN) đề nghị trả lại danh hiệu đã khiến báo giới khá ồn ào, nhất là khi bà Đoàn Thị Kim Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CIAT, nguyên Trưởng BTC cuộc thi HHCDTVN, liên tục cung cấp cho báo chí các thông tin liên quan.

Vụ việc đang có chiều hướng đi xa với mục đích của cuộc thi mà chính CIAT đã đề ra: “Cuộc thi HHCDTVN năm 2011 là cơ hội để đại diện phụ nữ các dân tộc cả nước giao lưu, học hỏi, trao đổi về kiến thức văn hóa - xã hội, kinh nghiệm trong cuộc sống, góp phần tuyên truyền và quảng bá hình ảnh Việt Nam, hình ảnh, nét đẹp văn hóa, tâm hồn phụ nữ Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế”. Cả cựu Hoa hậu lẫn CIAT đều có những điều cần phải nhìn nhận lại bản thân một cách khách quan.

Vụ việc cựu Hoa hậu Triệu Thị Hà đòi trả danh hiệu có vẻ bị giấu giếm khi đến nay mới được báo chí “phát hiện”. Tháng 4/2014, CIAT mới có công văn gửi Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL với nội dung: “Việc làm của Hà thể hiện sự thiếu trung thực, gian dối, không ý thức trách nhiệm cộng đồng xã hội trong các hoạt động từ thiện, không xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Hội đồng giám khảo đã chấm chọn và BTC đã trao trong đêm chung kết cuộc thi. Vì vậy, kính đề nghị Bộ trưởng đồng ý cho phép Công ty CIAT được thu hồi danh hiệu Hoa hậu của cô Triệu Thị Hà”. Tuy nhiên, bà Kim Hồng đã không đưa ra bằng chứng nào về sự “thiếu trung thực, gian dối” của cựu Hoa hậu, mà chỉ là những lời buộc tội “suông”. Giải thích việc từ bỏ danh hiệu, cựu Hoa hậu cho báo chí biết: “Từ ngày trở thành Hoa hậu, tôi lại thấy mình bị lợi dụng công sức. Ví dụ tôi tham gia đi vận động tài trợ, bỏ dở học hành cả tuần liền, vậy mà thù lao chỉ vài triệu đồng. Thêm nữa, tôi không được trình diễn, đóng quảng cáo… khi chưa được CIAT cho phép. Làm Hoa hậu mà tôi không biết được kế hoạch hoạt động dài hơi của mình là gì, lại ảnh hưởng rất lớn đến việc học…”.

Triệu Thị Hà và bà Kim Hồng.

Có một điều là, CIAT nhầm lẫn rằng Triệu Thị Hà vẫn là “đương kim Hoa hậu”, trong khi danh hiệu HHCDTVN đã thuộc về Nguyễn Ngọc Anh từ 2013. Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH, TT&DL đã giải thích: Theo các quy định hiện hành, đề nghị của CIAT là không khả thi. Năm 2013, vương miện và danh hiệu Hoa hậu đã được chuyển cho Nguyễn Ngọc Anh, đương nhiên từ đó, Triệu Thị Hà trở thành cựu Hoa hậu. Như vậy, chẳng có lý gì lại đi tước danh hiệu của người đã không còn nữa. Hơn nữa, danh hiệu Hoa hậu được tôn vinh ở thời điểm diễn ra cuộc thi, nên các tiêu chí chỉ có giá trị vào thời điểm đó, chứ không phải là theo họ suốt đời, như tiêu chí là nữ công dân chưa lập gia đình chẳng hạn.

Điều đáng trách ở Triệu Thị Hà là cô đã không làm tròn nhiệm vụ của một hoa hậu như đã cam kết. Nếu thực sự cô không đủ sức khỏe như cô đã trình bày, cô cần đưa ra những bằng chứng để thuyết phục mọi người. Hơn nữa, trước khi dự thi, cô phải tìm hiểu và biết rõ, nghĩa vụ và trách nhiệm của một hoa hậu là gì, chứ không thể nói “không ngờ” để rồi không thực hiện theo những gì đã cam kết. Tuy nhiên, trong vụ việc, có vẻ như bà Kim Hồng đã lẫn lộn giữa việc công và tư khi công bố cho báo chí về chuyện tình cảm của Triệu Thị Hà, thậm chí đưa cả việc Hà đi khách sạn với bạn trai, dù chuyện này không liên quan gì đến việc cựu Hoa hậu không làm tròn nhiệm vụ. Việc cho công bố bản tường trình của Triệu Thị Hà về việc đi chơi cũng cho người đọc cảm thấy có sự “o ép” của CIAT với cô. BTC lấy tư cách gì để bắt cô làm tường trình khi cô không vi phạm qui định của cuộc thi cũng như vi phạm pháp luật? Hơn nữa, thời điểm này, BTC cuộc thi HHCDTVN 2011 đã giải tán thì sao có thể bắt Triệu Thị Hà làm tường trình? Rõ ràng, bản tường trình này xâm phạm quyền tự do của cô gái, bởi không một BTC cuộc thi nhan sắc nào lại làm thế.

Nếu đúng như bà Kim Hồng cho biết là liên lạc nhiều lần nhưng cựu Hoa hậu đã không hồi âm thì Triệu Thị Hà rất đáng phê phán. Song, việc CIAT có văn bản gửi đến Cục An ninh nội bộ A83 - Bộ Công an về việc hỗ trợ thông tin của Triệu Thị Hà cũng cho thấy, dường như bà Hồng đã lạm dụng quyền hạn khi sử dụng cả những biện pháp không cần thiết với người không vi phạm pháp luật. Với cách ứng xử của cả 2 bên, có lẽ vụ việc chưa có điểm dừng. Mong rằng, CIAT và cựu Hoa hậu đừng tiếp tục đẩy sự việc đi quá xa mục đích cuộc thi, khiến dư luận thêm phiền lòng, nhất là khi những dư âm xấu của cuộc thi HHCDTVN 2013 cũng chưa kịp tan

Dạ Miên
.
.
.