Cuộc đua của những khát vọng

Thứ Sáu, 07/01/2005, 10:10
Tuổi trẻ ai cũng có những giây phút chán nản, buông xuôi nhưng bạn hãy thử lắng lòng mình suy ngẫm, bạn sẽ được bồi đắp thêm nghị lực, ý chí sẵn sàng cho cuộc đua của đời mình. Đó là cảm nhận của độc giả khi đọc những truyện ngắn đoạt giải trong cuộc thi "Viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên" do NXB Giáo dục phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Đầu năm 2005, trang web của NXB Giáo dục đã trân trọng giới thiệu những truyện ngắn này.

Truyện ngắn Một cuộc đua của nữ tác giả Quế Hương đăng quang giải nhất có thể được coi là "tuyên ngôn" của cuộc thi. Nhân vật chính là "cậu ấm" đã đốt đời mình trong quán bar, vũ trường và rồi trong một lần đua xe, bạn gái thì chết, còn cậu bị tai nạn, phải cưa cả hai chân. Mười hai người giúp việc do mẹ cậu thuê trông nom cậu đều không chịu được những cơn cuồng nộ vì hận đời của con người tàn phế này.

Điểm nút của câu chuyện bắt đầu khi người giúp việc thứ 13 xuất hiện. Cô là một sinh viên. Mẹ cô cũng chết trong một tai nạn giao thông, để từ đó cuộc đời của cô phải quăng quật, va đập với đủ mọi phức tạp của cuộc sống để tồn tại. Nhưng cô là người "chưa đầu hàng cái gì trong vòng 15 phút". Khi lòng tự trọng bị tổn thương, cô sẵn sàng từ bỏ việc chăm sóc "cậu ấm" bệnh tật, dù công việc này mang lại cho cô nhiều tiền mà cô rất cần.

Nhưng hãy nghe đoạn hội thoại giữa cô sinh viên và "cậu ấm": "Cô sẽ làm gì nếu mai cô chết?". - "Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để mai tôi vẫn sống. Mỗi ngày là một cuộc chiến"; "Giá nghèo như cô, tôi sẽ không bất hạnh thế này, không có xe để đua, không có tiền để đốt đời mình". - "Tại cậu chưa nếm mùi nghèo khổ đó thôi. Tàn bạo, khốc liệt lắm, cuốn trôi bao ước mơ, đè bẹp bao số phận. Nhưng khi thừa mứa quá, nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cả cái đói".

Tư tưởng lớn của truyện ngắn này như một thanh âm trong trẻo vỡ oà ra ở cuối truyện rồi ngân mãi trong lòng người đọc, đó là khi cô gái đề nghị "cậu ấm": "Chúng ta cùng đua ngoi lên dưới ánh mặt trời. Thời hạn 5 năm". Mỗi chúng ta khi đọc đến đây đều lặng đi sung sướng trước một kết thúc có hậu nhưng lại bất ngờ: Cô gái nhận được món quà của "cậu ấm" là một bầy hạc gấp bằng mười tờ đôla thật cùng một lá thư với lời lẽ đầy niềm tin yêu cuộc đời: "Cô không cần đến buổi thứ tư. Tôi vốn là một đứa sáng dạ, chỉ cần 3 buổi là ngộ… Tôi nhận lời đua với cô, đua ngoi dưới ánh mặt trời. Mười con hạc giấy này tôi tặng cô. Nó chỉ bằng chai rượu tôi uống trong những đêm đốt đời mình. Trước khi bay, người ta cũng cần đôi cánh. Hẹn gặp lại cuối đường đua…". Bằng tình thương và nghị lực của chính mình, cô gái đã đưa chàng trai ra khỏi tuyệt vọng và khơi lên trong trái tim tưởng đã khô cằn một khát vọng sống mãnh liệt.

Truyện ngắn Dòng nước của tác giả Nguyễn Xuân Hưng đoạt giải nhì có một cốt truyện giản dị đến mức nói là không có chuyện cũng chẳng sai. Hoà và Hoa là hai anh em con chú, con bác, nhưng mỗi người một phương trời. Hoà sống ở trong nước, còn Hoa sống ở Mỹ. Bố của Hoa từng là sỹ quan của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, sau năm 1975 đã vượt biên và định cư ở Mỹ.

Sinh ra và lớn lên ở một đất nước tràn đầy màu sắc, hình khối, tốc độ nhưng lại ít màu cổ điển, nên Hoa sớm trở thành một cô gái nhiễm nặng lối sống phương Tây: Am hiểu về sex, về cuộc sống tiền hôn nhân, lần lượt yêu sáu người đàn ông. Một lần ông nội ốm, Hoa trở về Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên cô trở về mảnh đất mà ông bà, cha mẹ mình sinh ra. Khi được người anh họ dẫn ra ruộng lạc, nhìn những đứa trẻ nướng lạc trên đê, tâm hồn nhạy cảm của Hoa mở ra để đón nhận hương vị mặn mòi của quê hương. Cô bắt đầu nhận ra rằng, ở một số nơi dù gọn ghẽ, sung túc hơn nhưng "lại trống trải vì vắng tiếng cười", "không thể nào tưởng tượng được là bố cô cũng đã sống ở đây, ông bà tổ tiên cô đã hít thở cái không khí làng quê này, chắc là cảm giác ấy có sẵn trong cô từ sâu thăm thẳm nguồn cội tế bào đã làm nên hình hài và tâm tưởng của cô, chỉ chờ có dịp này mà thức dậy trong cô".

Thông điệp của truyện ngắn đã rõ, dù ở phương trời góc bể nào thì quê hương vẫn là nguồn cội, người ta không thể sống mà không có chốn bình yên đó.

Cuộc đua trong Con chim độc của Vũ Oanh (giải ba) càng khác hơn. Truyện kể về một cô gái chỉ vì trượt đại học khiến người bố nóng tính đánh con, để lại trên mặt cô một vết sẹo dài. Đau đớn, tủi hổ, cô gái đã bỏ đi. Cuộc sống cũng đầy trúc trắc, phức tạp, nhưng không thiếu người tốt đã che chở để cô tựa vịn vươn lên. Và cô đã miệt mài ôn thi đại học, bứt lên khỏi số phận để một lúc đỗ hai trường đại học.

Một số truyện ngắn khác cũng ẩn chứa một thông điệp sâu xa: Mỗi chặng đua sẽ là một mốc dấu ghi nhận nỗ lực của mỗi con người. Tuổi trẻ bằng những cuộc đua khốc liệt với chính mình, với mọi người sẽ sống chủ động, hướng thiện hơn trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt

Thu Phương
.
.
.