Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ II:

Cuộc đấu tranh mưu trí, quyết liệt chống tội phạm hấp dẫn khán giả

Thứ Ba, 28/09/2010, 12:14
So với Liên hoan lần I, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ II được giới chuyên môn đánh giá là có sự đầy đặn hơn về mọi mặt. Đây là cuộc hội tụ hùng hậu của các nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, những kịch bản chất lượng nhất hiện nay về đề tài này và cũng là cuộc cạnh tranh của các đạo diễn.

Do vậy, mỗi vở diễn đều cố gắng tạo ra một góc nhìn riêng, để tạo được dấu ấn tại liên hoan. Vì thế, hình tượng người chiến sĩ Công an đã hiện lên đầy ắp và đậm nét ở Liên hoan này. So với hiện thực cuộc sống của người chiến sĩ Công an, các vở diễn đã phản ánh được đầy đủ?

Nhà biên kịch Lê Duy Mạnh.
Nhà biên kịch Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam,Ủy viên Hội đồng, Giám khảo Liên hoan:

Liên hoan đã phản ánh được nhiều về hình tượng người chiến sĩ Công an. Cái được lớn nhất là đã xây dựng được hình tượng người Công an thực sự là những con người bình thường, nhưng phải làm những công việc khác người. Điều đó, làm cho hình ảnh người Công an nhân bản hơn, gần gũi và cũng dễ thương hơn.

Trước đây, nhiều người nghĩ Công an là những người xa cách, nhưng các vở diễn khai thác và làm rõ được tính nhân bản cách mạng của người chiến sĩ Công an, giúp mọi người nhìn đúng về những con người làm nhiệm vụ đặc biệt này. Việc phản ánh chân thật hình ảnh người Công an trong cuộc sống đời thường, đã tạo được sự mềm mại, thu hẹp được khoảng cách giữa nhân vật với cuộc đời, giữa khán giả với nghệ sĩ.

Các vở diễn dù chưa phản ánh hết được hiện thực vô cùng phong phú của người chiến sĩ Công an, song đã lưu ý, đã khai thác được những nét chính về công việc và cuộc sống họ, nên đã thuyết phục được người xem. Nếu đi theo hướng của Liên hoan, sân khấu sẽ xây dựng được những hiện tượng, những số phận độc đáo về người chiến sĩ Công an.

 Tuy nhiên, để tiếp tục chinh phục được khán giả có trình độ cao như hiện nay, đòi hỏi không chỉ kịch bản có chất lượng cao hơn, mà còn phải cả việc dàn dựng lẫn diễn xuất của diễn viên cũng phải đồng bộ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về hình tượng người chiến sĩ Công an của báo chí cũng rất quan trọng, song không chỉ là nói về chiến công, mà phải là hình ảnh gần gũi của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

NSND Đoàn Dũng
NSND Đoàn Dũng, Ủy viên Hội đồng Giám khảo:

Hình ảnh người Công an ở ngoài đời rất phong phú và cũng rất đời, bởi họ gắn với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Các nghệ sĩ sáng tạo ở liên hoan này đã khai thác được phần nào sự đa màu, đa dạng đó, nên hình ảnh người Công an hiện lên trọn vẹn và đầy ắp ở Liên hoan.

Các vở diễn đã mô tả được nhiều tình huống, xung đột có tính điển hình trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, những trăn trở trong tình cảm liên quan đến công việc của người Công an. Tuy nhiên, bên cạnh những vở thành công, vẫn có vở còn bó hẹp trong các chi tiết cũ mòn, đơn giản, thậm chí vô lý, không phù hợp với kết cấu câu chuyện, cũng như thiếu logic trong cách xử lý về không gian, thời gian.

Hầu hết các vở diễn mới xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an anh hùng, dũng cảm "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", để khán giả trân trọng, yêu thương, nhưng còn chưa khai thác được chiều sâu tâm lý, thiếu những dằn vặt lớn, suy nghĩ lớn, mới mẻ và bất ngờ, như kim cương lấp lánh ở người chiến sĩ Công an. Tôi vẫn chờ đợi nhiều hơn ở các vở diễn trong việc khắc họa số phận người chiến sĩ Công an. Điều này đòi hỏi tác giả phải chịu đầu tư, đi sâu tìm hiểu, mới có được những trang viết sâu sắc về hình tượng người chiến sĩ Công an, thay vì sa vào các tình tiết ly kỳ của vụ án.

Bởi sân khấu là tính nhân văn, là hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình, gây mỹ cảm cao và để lại những dấu ấn tốt đẹp. Để Liên hoan lần sau có kết quả hơn nữa, tôi cho rằng, nên tổ chức thâm nhập thực tế về đời sống người chiến sĩ Công an và mở cuộc thi viết kịch bản về đề tài này, sẽ tuyển chọn được những tác phẩm có dấu ấn.

Diễn viễn Thúy Viễn.
Diễn viên Thúy Hiền -Đoàn kịch CAND:

Các vở diễn đã phản ánh được những nét chính về công việc của người chiến sĩ Công an, ở nhiều lĩnh vực khác nhau với những khó khăn, hy sinh riêng. Khi xem vở "Hoa thép", nhiều người không tin nổi là trong cuộc đời lại có người nữ sĩ quan Công an phải chịu nhiều éo le đến thế. Song, là người nghệ sĩ trong lực lượng Công an, có điều kiện tiếp xúc nhiều với các anh chị Công an hình sự, Thúy Hiền biết rằng, đó là sự thật mà phải tác giả là người trong ngành mới viết nên được chi tiết và cụ thể đến thế. Thậm chí, ngoài đời, nhiều nữ chiến sĩ Công an còn có hoàn cảnh dữ dội hơn trên sân khấu.

Quá trình làm vở, Thúy Hiền đã gặp gỡ với một nhân vật ở Công an Hà Nội có nhiều nét tương đồng với nhân vật Trung tá Kim Sen và thấy rằng, cuộc đời chị còn bi kịch hơn thế. Chị là sĩ quan giỏi phá án, nhưng hoàn cảnh gia đình chị lại vô cùng xót xa, khi con trai nghiện ngập, hư hỏng, còn người chồng chẳng những không thông cảm, mà còn hành hạ chị. Có lần, khi chị đi phá án vào dịp Tết, đã bị anh chồng hắt nước vào mặt…

Với người phụ nữ, gia đình thường được coi là trên hết, nhưng có những nữ chiến sĩ Công an không có được sự bình yên trong tình cảm gia đình, trong khi, áp lực công việc đã rất lớn. Họ phải chịu đựng giằng xé, thử thách cả về ý chí lẫn tình cảm, nhưng vẫn dũng cảm đương đầu trước mọi tình huống. Những nỗi đau ấy, những thân phận ấy, dường như vẫn chưa được xã hội biết đến, để chia sẻ, yêu thương, bởi hầu hết mọi người mới chỉ nhìn người Công an qua dáng vẻ bề ngoài, qua cách xử lý đầy nguyên tắc trong công việc.

Thúy Hiền mong muốn, qua vai diễn về người chiến sĩ Công an của mình, cũng như của các đồng nghiệp tham dự Liên hoan, khán giả sẽ sẻ chia với họ nhiều hơn, bằng sự rung động của trái tim nhân bản

Thanh Hằng
.
.
.