“Cuộc chiến” âm nhạc giữa cha và con!

Thứ Sáu, 28/12/2007, 15:51
Trong gia đình âm nhạc Johann Straus nổi danh khắp châu Âu và về sau còn vang danh sang cả châu Mỹ, dư luận mới biết đến một sự cạnh tranh giữa Johann cha và con chứ chưa biết rằng, đằng sau đó là cả một sự báo thù xuất phát từ tình yêu.

Dòng họ Johann Strauss được người đời ca tụng là một triều đại Strauss khi có đến bốn người nổi tiếng về nhạc: Johann Strauss cha (hay là Johann Strauss Sr.), Johann Strauss con (còn gọi là Johann Strauss II hay Johann Strauss Jr.), Eduard và Josef Strauss.

Johann Strauss Senior (J.Strauss cha) được tôn là The Waltz King, là nhà soạn nhạc và nhạc trưởng từng làm cả châu Âu ngất ngây với nhịp 3/4 rất phổ thông. Ông kết hôn với bà Anna Strauss sinh hạ J.Strauss con ngày 25/10/1825 ở Vienna (Áo), Josef Strauss (năm 1827) và Eduard Strauss (năm 1835).

Ông quyết định đặt tên con cả trùng với tên mình và hướng con trai theo ngành ngân hàng để tránh đi chuyện con trai chìm trong mặc cảm và không thể làm gì mà thiên hạ không nhắc đến hay so sánh với phụ thân.

Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi J.Strauss cha bỏ rơi vợ con và chung sống với người tình Emilie Trambusch rồi sinh hạ thêm 5 người con nữa. Oái ăm thay là đứa con ngoại hôn đầu tiên cũng có tên là Johann. Vậy là một dòng họ mà có đến 3 người cùng mang tên Johann Strauss.

Buồn vì chồng bội bạc, Anna quyết định ủng hộ năng khiếu âm nhạc của Johann con chứ không đồng lòng hướng nghiệp tương lai con trai theo ngành ngân hàng như trước. Bà khuyến khích con trai theo đuổi sự nghiệp âm nhạc như cha nó và thầm mong một ngày không xa, người chồng phụ bạc sẽ bị soán ngôi.

Nhờ tài năng xuất chúng Johann Strauss con trở thành ngôi sao sáng nhất trong gia đình Strauss, vượt qua thân phụ và hai người em đúng như lời nguyện cầu của mẹ. Sự "báo thù" bằng âm nhạc này còn khủng khiếp hơn những đòn ghen bình thường khác.

J.Strauss cha - người hứng chịu cuộc "báo thù" kỳ diệu bằng âm nhạc.

J.Strauss cha ngự trị trên đỉnh của làng âm nhạc nước Áo và châu Âu với biệt danh The Waltz King nhưng lại bị "truất ngôi" bởi chính con trai của mình.

Ban đầu, J.Strauss con vẫn đụng phải "cái bóng" của người cha. Những nhà hát đều e dè vì ký hợp đồng với con đồng nghĩa việc gây thù với cha. Thế nên, J.Strauss con đã phải  tìm cách thoát dần khỏi sự vây bủa của người cha bằng cách lập ra một ban nhạc riêng và chấp nhận đi lưu diễn ở xa, sau đó tiến dần vào vùng ánh sáng và che khuất luôn ngôi sao rực rỡ của thân phụ.

Sự kiện J.Strauss con thuyết phục được nhà nghỉ mát của Dommayer ở quận Hietzing - Vienna cho diễn buổi ra mắt là "phát súng" khá nặng nề với J.Strauss cha. Ông giận dữ từ chối biểu diễn tại chính nhà nghỉ mát của Dommayer, nơi chứng kiến những thành công đầu tiên của đế chế J.Strauss.

Báo chí thời đấy đã từng đề cập đến “Trận chiến âm nhạc giữa Strauss và Strauss”. Một ông vua cũ đang đứng trước nguy cơ bị một "cái bóng" lớn hơn che khuất.

Và sự lo sợ ấy đã trở thành sự thật, chiến thắng nghiêng về J.Strauss con. Johann Strauss con nổi tiếng hơn cha vì đã nâng điệu luân vũ từ loại nhạc đồng quê thành nhạc cung đình rồi từ đấy chinh phục cả châu Âu và thế giới.

Tuy nhiên, sự nghiệp của J.Strauss con cũng gặp nhiều bước thăng trầm. Vienna bị cuốn theo cuộc cách mạng tư sản vào ngày 24/2/1848 và cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa cha con nhà Strauss ngày càng lộ rõ hơn vì J.Strauss con đi theo cách mạng trong khi thân phụ vẫn theo chủ trương bảo hoàng tại Áo.

"Điệu Waltz Freiheitslieder" (Bài ca tự do) op.52, Burschenlieder op.55 cũng như “Hành khúc cách mạng” op.54 và Studenten Marsch op.56 mà J.Strauss con sáng tác vô cùng sôi nổi như giục giã những con người ấp ủ lý tưởng sống kiên trinh theo con đường mình đã chọn.

Ông còn cho công diễn tác phẩm có tính tuyên truyền La Marseillaise, một tác phẩm nung nấu tinh thần cách mạng.

Chính vì vậy mà J.Strauss con bị chính quyền Vienna chỉ trích gay gắt nhưng về sau ông cũng được tuyên trắng án. Không lâu sau đó, ông soạn bản GeiBelhiebe Polka op.60, trong đó có chứa nhiều yếu tố của La Marseillaise như một lời đáp trả bằng âm nhạc cho việc chính quyền đã bắt giữ ông.

Trái lại, J.Strauss cha vẫn giữ lòng trung thành với nền quân chủ Danube và soạn tác phẩm "Hành khúc Radetzky" op.228 đề tặng Thống chế vùng Habsburg là Joseph Radetzky von Radetz, mà về sau nó trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Khi thân phụ mất năm 1849, J.Strauss con hợp nhất cả hai ban nhạc như một cách hòa giải giữa hai cha con. Cuộc báo thù đã chấm dứt. Rồi từ đấy ngôi sao J.Strauss duy nhất còn lại tỏa sáng mãi mãi, với những nỗ lực cách mạng khác trong âm nhạc.

Nhạc khúc “Dòng Danube xanh” ông viết năm 1867 làm ông nổi danh trên thế giới, cách đây đúng 140 năm, đánh dấu sự chuyển hướng của Strauss. Ông bay lên những đỉnh cao mà người cha chưa hề với đến.

Johann Strauss qua Mỹ trình diễn và được đón chào như một ngôi sao thượng đẳng. Dàn nhạc của ông có sự phụ họa của một ban hợp xướng 20.000 người, và trình diễn cho 100 ngàn người nghe và xem! Nước Mỹ vào thế kỷ XIX trở nên sôi nổi nhờ bản nhạc đến từ châu Âu này

Quốc Hùng (tổng hợp) - ANTG số 717
.
.
.