Xây dựng đại tượng Phật Quốc Thái dân an tại Thiền viện Tây Thiên:

Công trình kiến trúc, mỹ thuật độc đáo với thông điệp hòa bình

Thứ Năm, 21/05/2015, 08:51
Với chiều cao 49m, kích thước 47,4x38,6m, bằng 35.292 tấn khối đá hoa cương và cẩm thạch, nặng khoảng 4 vạn tấn, đại tượng Phật Quốc thái dân an (QTDA) xây dựng tại Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc) sẽ là pho tượng Phật ngồi bằng đá lớn nhất Đông Nam Á.

Được xây dựng tại một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam, một trong 3 thiền viện lớn nhất nước, công trình mang tầm vóc quốc gia này mang ý nghĩa và tác động to lớn. Dựng tượng làm sao để không có những sai sót chủ quan, tư duy chưa chính xác, cũng như các giải pháp đảm bảo cảnh quan, môi trường, an toàn và pháp luật, là điều được các nhà khoa học, nghiên cứu và quản lý đang đặc biệt quan tâm.

Đại đức Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Tây Thiên cho biết: Công trình có dự toán 500 - 600 tỷ đồng nếu phải mua đá, sẽ giảm còn 100 - 200 tỷ đồng nếu Chính phủ cho phép tự khai thác đá ở Yên Bái. Khi hoàn thành, trong tượng sẽ có thang máy, tháp 10 tầng với những bức phù điêu bằng đá quý và là một bảo tàng văn hoá Phật giáo với hơn 2.000 mẫu vật.

Tượng bằng đá nhưng khó khăn lớn nhất hiện là không có nguồn đá. Được khởi công từ năm 2010 và đã đặt mua 3.000 tấn đá ở Ninh Thuận, nhưng chỉ được 1.000 tấn thì đơn vị cung cấp dừng và bán cho nước ngoài.

Phối cảnh tượng Quốc thái dân an sau khi hoàn thành.

Sau khi bàn thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý đều khẳng định giá trị to lớn của Phật giáo với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và chấn hưng văn hoá dân tộc, cũng như tác động với đời sống kinh tế - xã hội.

Chính đường lối ngoại giao mang đậm Phật tính đã mang lại quyền lực mềm vô giá cho Việt Nam xưa nay, góp phần định diện một phong cách ngoại giao mang đậm dấu ấn dân tộc trên trường quốc tế. Từ đó, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đưa ra các giải pháp kiến trúc, kỹ thuật, biện pháp thi công cho công trình đặc biệt này.

Xây chùa to, đúc tượng lớn là mong muốn của cha ông ta, nhưng chưa có điều kiện. Nay, việc xây dựng tượng Phật lớn nhất này được xây dựng là thỏa lòng mong ước của cha ông và sẽ có ý nghĩa lớn về tâm linh, kinh tế, xã hội, kiến trúc, điêu khắc.

TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) khẳng định: Việc xây dựng tượng lớn QTDA là biểu hiện của một xã hội thái bình, hạnh phúc và con người khao khát hướng tới xây dựng hạnh phúc, an lạc hơn. Tượng sẽ là niềm tự hào của người dân Việt với các nước về một đất nước hùng cường không chỉ trong chống ngoại xâm, mà trong kinh tế, văn hóa, tôn giáo cũng không thua kém.

Cũng theo TS Bùi Hữu Dược, công trình QTDA độc đáo sẽ giúp Tây Thiên - Tam Đảo trở thành thắng tích và trung tâm Phật giáo tiêu biểu, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Giá trị tinh thần, vật chất của công trình cùng sự linh thiêng của Tam Đảo sẽ tác động đến ý thức của mỗi người.

Hơn nữa, đây lại là công trình bằng đá của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế, chế tác và tôn tạo, sẽ có ý nghĩa về kiến trúc, khi từ cấu trúc tới hình khối là một công trình bằng đá lớn và việc thiết kế, thi công không đơn giản.

Đây cũng là công trình tượng Phật bằng đá quý của Việt Nam có kích thước lớn đầu tiên được thực hiện, đánh dấu sự phát triển của kiến trúc Việt Nam.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Quy mô và sự đồ sộ, sẽ tạo nên sự thách thức cho các kiến trúc sư và các điêu khắc gia. Nếu giải quyết được các “thách đố” ghê gớm này, tác phẩm Phật đài sẽ là một kiến tạo đích thực vĩ đại, độc nhất vô nhị với đầy đủ giá trị để vượt qua mọi thử thách của văn minh và thời gian.

Tượng QTDA là công trình kỳ công của thời đại chúng ta về cả kiến trúc và nghệ thuật, sẽ trở thành kiến tạo cho muôn đời. Phật đài không chỉ là công trình nghệ thuật tri ân Đức Phật, mà còn là một bảo tàng nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Tại đây sẽ trưng bày các kiệt tác kiến trúc chùa tháp Việt, điêu khắc tượng Phật mà ở Việt Nam chưa thấy trưng bày dạng này.

Ông Hoàng Trường Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi gắm niềm mong muốn chính đáng của người dân địa phương: Khi hoàn thành, có thể coi tượng QTDA là bảo vật quốc gia, thể hiện tài năng, trí tuệ, trình độ công nghệ cao của người dân đất Việt.

Đây cũng là bức thông điệp mà nhân dân Việt Nam muốn gửi đến bạn bè thế giới: Hãy vứt bỏ tham vọng, cùng gìn giữ hòa bình, cùng hợp tác để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Ban Nghiên cứu tôn giáo Chính phủ, cho rằng: Công trình QTDA sẽ làm bừng sáng sự kết nối văn hoá tâm linh và thông điệp luôn yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Đây sẽ là biểu tượng của văn hoá Phật giáo Việt Nam không chỉ trên phương diện qui mô, địa thế, giá trị kiến trúc, mà còn là sự hội tụ, khẳng định niềm tin vĩnh hằng, một hệ giá trị lan toả không biên giới, tạo nên sự liên kết, qui tụ con người của các dân tộc, màu da, tôn giáo, biết yêu thương và vì một thế giới hoà bình. 

Thanh Hằng
.
.
.