Công diễn vở kịch 'Người tù trao áo' của Đoàn Kịch CAND

Thứ Năm, 09/04/2015, 09:34
Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng kiên trung Vũ Văn Hiếu, Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên ở Quảng Ninh, trước khi mất đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Lê Duẩn đã bước vào nghệ thuật sân khấu, qua vở “Người tù trao áo” (tác giả: NSƯT Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSƯT Công Bảy) của Đoàn Kịch CAND, đã ra mắt khán giả vào tối 7/4.

Câu chuyện về người cán bộ cách mạng trung kiên Vũ Văn Hiếu, Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên ở Quảng Ninh, trước khi mất đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Lê Duẩn, một bạn tù ở Côn Đảo, đã được tái hiện trong nhiều cuốn hồi ký, tài liệu.

Nhà thơ Tố Hữu từng khắc họa tình cảm cao cả này qua 2 câu thơ: “Chết còn trút áo cho nhau. Miếng cơm dành để người sau ấm lòng” và tượng đài trao áo cũng được dựng ở nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Giờ đây, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng kiên trung cùng nghĩa cử ấm áp đó đã bước vào nghệ thuật sân khấu, qua vở “Người tù trao áo” (tác giả: NSƯT Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSƯT Công Bảy) của Đoàn Kịch CAND, đã ra mắt khán giả vào tối 7/4.

Hình ảnh mở đầu vở diễn đã cuốn hút người xem vào một câu chuyện lịch sử cách mạng đầy chất lãng mạn, với linh hồn của những người chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo luôn bên nhau, yêu thương và đoàn kết. Họ cùng đau đớn trước cảnh chị Võ Thị Sáu, một trong thế hệ chiến sĩ Công an đầu tiên, chuẩn bị ra pháp trường, nên bàn cách cứu chị khỏi họng súng quân thù, kể cả sẵn sàng che đạn cho chị.

Cảnh trong vở “Người tù trao áo” của Đoàn Kịch CAND.

Tác giả và đạo diễn đã khai thác những tình tiết rất đắt, rất cảm động, đã làm nên tính lãng mạn cho một tác phẩm sân khấu chính luận. Khán giả hiểu thêm những mất mát, hy sinh to lớn của những người chiến sĩ cộng sản tiền bối như Lê Hồng Phong, Võ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu… qua những tình tiết nhân văn. Dẫu là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, không sợ hy sinh, nhưng chứng kiến cảnh mẹ đến thắp hương ở mộ mình, chị Võ Thị Sáu vẫn thấy mình nhỏ bé, vẫn nặng lòng trong nỗi nhớ mẹ, nhớ quê và câu hỏi bật lên nghe sao mà xa xót, xoáy sâu vào lòng người nghe: “Cháu mãi mãi không có tuổi 20 ư?”. Hay hình ảnh đồng chí Vũ Văn Hiếu phải dứt áo xa quê, để lại phía sau người bạn gái thủy chung chờ đợi, cũng làm nên một vết khắc trong trái tim người xem.

Không căng cứng nhưng cũng không bi lụy, Phạm Ngọc Thân đã thể hiện rõ nét một người chiến sĩ cách mạng Vũ Văn Hiếu sâu nặng nghĩa tình, nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng. Thành công với vai Phan Bội Châu trong “Đông Du”, Đăng Hòa một lần nữa khẳng định mình qua vai diễn Lê Duẩn. Bích Ngọc đã làm tròn vai diễn của người liệt nữ Võ Thị Sáu, gieo vào lòng người xem những xúc cảm lặng thầm trước sự hy sinh còn quá trẻ của nữ chiến sĩ An ninh thế hệ đầu.

Để cho những nhân vật là các linh hồn xuyên suốt trong một câu chuyện, các đạo diễn NSND Lê Hùng và NSƯT Công Bảy đã thực sự sáng tạo trong cách thể hiện, khi không gợi cảm giác u ám, mà còn là sự hấp dẫn thú vị khi cho người xem thấy được đời sống nội tâm của những linh hồn. Hình tượng chị Võ Thị Sáu cũng được khai thác hoàn toàn mới, không phải là cảnh pháp trường ầm ào súng nổ, mà là phút giây chị rời dương thế với những cánh hoa lê-ki-ma trắng muốt theo suốt cuộc đời. Thông qua câu chuyện lịch sử, NSND Lê Hùng và NSƯT Công Bảy đã chuyển tải đến người xem bài học sâu sắc: Những đảng viên hôm nay làm sao cho xứng đáng với quá khứ đầy hy sinh cũng rất đáng tự hào của thế hệ cha anh.

Dạ Miên
.
.
.