Con trai nhà văn Vũ Ngọc Phan: "Ra đi từ Hà Nội"

Chủ Nhật, 24/10/2010, 19:04
Vũ Hoài Tuân là con trai lớn của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương. Ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 16 tuổi. Có mặt trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Vũ Hoài Tuân là một người lính, một nhà khoa học quân sự.

Không chỉ có thế, nối nghiệp gia đình, ông còn cầm bút viết văn. Các bạn trẻ hôm nay có thể không biết nhiều về ông, nhưng bạn đọc cùng thế hệ ông hẳn còn nhớ những tác phẩm ông đã viết trong những ngày khói lửa gian nan, như kịch bản phim: "Thời niên thiếu", hồi ký "Nhớ những ngày C1", ký sự "Cái Tết của một người trinh sát"…

Vũ Hoài Tuân đã hy sinh năm 1979, khi chuyến bay quân sự chở ông và đồng đội đi làm nhiệm vụ đã rơi trên bán đảo Sơn Trà. Vợ ông là NSƯT Kim Thư đã ở vậy nuôi 2 con gái nên người, trong đó con gái út Vũ Hoàng Hoa đã tiếp nối truyền thống gia đình trở thành một nhà văn.

Hơn 30 năm sau ngày liệt sĩ Vũ Hoài Tuân ra đi, vợ ông, nghệ sĩ Kim Thư đã cho ra mắt độc giả tập sách mang tên "Từ Hà Nội ra đi". Cuốn sách tập hợp những sáng tác của Vũ Hoài Tuân, và những tư liệu quý liên quan đến những năm tháng hoạt động cách mạng và đời riêng của ông.

Vũ Hoài Tuân cùng vợ và hai con lúc còn nhỏ.

Năm 1954, khi chiến đấu ở Điện Biên Phủ, anh lính trẻ Vũ Hoài Tuân mới 22 tuổi đã viết những câu thơ tràn đầy nghĩa khí: "Hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc/ Có nghĩa là dâng tất cả tình yêu/ Quên hết đi tất cả những buổi chiều/ Khi rạo rực yêu đương tràn mọi ngả/ Hiến tất cả khi thân hình gục ngã/ Rào theo gai máu tung đỏ ngọn cờ/ Và trong lòng khô cạn những suối mơ…". Những lời thơ ấy thể hiện tinh thần và tình cảm cách mạng của một người con trai Hà Nội, một trí thức trẻ trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh.

Nữ sĩ Hằng Phương đã có một bài thơ viết tặng con trai Vũ Hoài Tuân với nhan đề "Tiễn con ra trận" in trong tập "Hương đất nước": "Con hành quân đi xa ghé lại/ Mười phút thôi - thăm hỏi mẹ cha/ Để ngày mai lại ra tiền tuyến/ Diệt quân thù vì nước, vì nhà/ Mẹ cầm tay người chiến sĩ Điện Biên/ Tuổi chưa bao nhiêu đã hai lần ra trận…".

Trong ký ức của họa sĩ Giáng Hương, thì người em trai kế của bà ngay từ nhỏ đã vô cùng ít nói, và thường không tươi tỉnh mỗi khi cả nhà chụp ảnh. Nhà văn Vũ Ngọc Phan dường như đã mong muốn người con trai cả Vũ Hoài Tuân đi theo văn nghiệp. Nhưng Vũ Hoài Tuân đã chọn binh nghiệp. Trên trận tuyến đánh quân thù, Vũ Hoài Tuân vừa cầm súng vừa cầm bút. Ông viết văn hay và bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, một khả năng quan sát tốt.

Theo lời kể của nhà báo Lê Tiến, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, một người bạn của ông, thì "chính nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà văn Nhị Ca khi đến thăm nhà văn Vũ Ngọc Phan đã phát hiện ra tài năng văn học của Tuân và khuyến khích Tuân sáng tác". Nhận xét về phong cách viết văn của Hoài Tuân, một người bạn khác của ông là Đại tá Kính Hiền đã viết: "Tuân viết rất nhiều, viết lúc thường, viết ngay trong chiến đấu. Giọng văn của Hoài Tuân có cái gì như âm hưởng hào hùng của Erenbourg, lúc chịu ảnh hưởng sâu lắng của Shê-khốp, nhưng lại rất Hoài Tuân. Chữ của Tuân chinh phục lòng người, chinh phục nhân tâm".

Vũ Hoài Tuân viết ký, viết kịch bản phim, làm thơ. Tác phẩm của ông in phần nhiều trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông cùng với nhà văn Chu Phác đã viết chung một kịch bản phim "Trên tuyến ngừng bắn", rất tiếc bản thảo đã bị thất lạc trong chiến tranh nay gia đình vẫn chưa tìm lại được…

Là một sĩ quan Quân đội, Vũ Hoài Tuân có mặt ở những trọng điểm ác liệt trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1954, trong đoàn quân chiến thắng từ Điện Biên Phủ trở về, Vũ Hoài Tuân đứng trên một chiếc ô tô. Sau này, khi ông mất đi rồi, gia đình mỗi khi xem truyền hình phát những bộ phim tài liệu về chiến thắng Điện Biên đều bùi ngùi xúc động ngắm nhìn hình ảnh thân yêu của ông đang vẫy tay dưới lá cờ chiến thắng, miệng tươi cười. 

Mặc dù rất yêu công việc viết văn, làm thơ, nhưng Vũ Hoài Tuân lại đóng góp phần lớn trí tuệ của mình cho Quân đội. Ông được đào tạo chính quy cả trong nước và Học viện Hóa học quân sự Liên Xô.

Vũ Hoài Tuân đã từng là đại diện quân giải phóng miền Nam cùng đoàn của GS, bác sĩ Tôn Thất Tùng tham gia các diễn đàn ở Paris và Thụy Điển, tố cáo tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Tại Pháp, ông đã từng diễn thuyết trong Hội thảo các nhà khoa học, y học, vật lý, hóa học với chủ đề tác hại của chất độc da cam. Vũ Hoài Tuân chính là nhà khoa học đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp đấu tranh vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Được cử làm cán bộ kỹ thuật trong nhóm cố vấn quân sự cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tá Vũ Hoài Tuân đã có mặt trong Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đi cảm ơn các nước XHCN anh em sau chiến thắng 30/4/1975.

Sau ngày chiếc máy bay quân sự gặp nạn tại Đà Nẵng, Vũ Hoài Tuân mất đi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan, chia buồn với nghệ sĩ Kim Thư và các con của bà. Đại tướng nói với nhà văn Vũ Ngọc Phan: "Hoài Tuân mất đi, tôi như mất đi một phần của cánh tay phải. Không biết đến khi nào mới đào tạo được một sĩ quan như vậy".

Sau sự hi sinh của người con trai cả, nhà thơ Hằng Phương rất đau buồn. Hằng đêm bà không ngủ vì thương tiếc con. Họa sĩ Vũ Giáng Hương nhớ lại: "Mẹ tôi không khóc nổi nữa, bà không dám đến bàn thờ của em Tuân. Bà suy kiệt rất nhanh. Bà mất sau đó 3 năm".

GS.Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã làm bài thơ viếng anh, trong đó có những câu thơ rất xúc động: "Ngày anh tôi hy sinh/ Mẹ khóc đau không ngủ/ Sét ngang trời dông tố/ Sóng biển xa thét gào… Lòng tin anh sắt đá/ Bỗng anh ngã xuống rồi/ Để vợ con trên đời/ Khăn trắng dài năm tháng…".

Riêng với NSƯT Kim Thư, sự hi sinh của chồng là một mất mát không gì bù đắp nổi. Trong 15 năm hạnh phúc vợ chồng, vì điều kiện đất nước chiến tranh, vì công việc bận rộn của một nhà khoa học quân sự, họ thường xuyên phải sống xa nhau. Những lá thư chính là nơi để họ trút vào đó những yêu thương, nhung nhớ.

Nghệ sĩ Kim Thư tâm sự, 30 năm sau ngày chồng bà vĩnh viễn ra đi, bà mới đủ dũng cảm đọc lại những lá thư của chồng. Trong suốt ba mươi năm ấy bà đã cất những lá thư thấm đẫm yêu thương của chồng trong chiếc hòm kỷ niệm. Những ngày hạnh phúc, những lo toan chung cùng nhau để mơ về một ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng bên hồ Tây đành dừng lại. Bà Kim Thư cúi nhìn xuống hai bàn tay mình để đối diện với một sự thật, rằng từ nay mẹ con bà đã mất hoàn toàn một điểm tựa vững chãi. Họ phải tự đi trên đôi chân yếu ớt của mình.

Kim Thư làm tất cả để vượt qua buồn đau, vượt qua nghèo đói để nuôi các con nên người. Trút bỏ xiêm y lộng lẫy trên sân khấu, trở về đời thường, Kim Thư tất bật với trăm công ngàn việc. Có buồng xép ở đầu phòng, Kim Thư chăn nuôi gia súc: ngăn trên là gà công nghiệp, ngăn dưới là lợn. Bà băm rau, nấu cám hằng ngày. Hết lứa gà này sang lứa lợn khác, Kim Thư dành dụm tiền từ đấy để nuôi các con ăn học. Rồi bà xoay sang bán quần áo cũ ở chợ Hàng Da, mở quán cà phê vỉa hè… 

Khi chiến tranh đã lùi xa, con cái đã trưởng thành, nên người, và vết thương cùng với tháng năm đã bớt đi phần nhức nhối, nghệ sĩ Kim Thư mới lần giở thư chồng đọc lại. Từng câu từng chữ của người đàn ông mà Kim Thư thương yêu hết mực trong cuộc đời nhắc lại những kỷ niệm như vẫn còn tươi rói: "Anh biết rằng không gì quyến rũ bằng da thịt của người yêu và cũng không gì ràng buộc bằng những chiếc hôn khi người ta yêu nhau…". Và những nỗi niềm thương nhớ trong những năm tháng Vũ Hoài Tuân phải đi làm nhiệm vụ ở xa Tổ quốc: "Cả Moskva, cả Leningrad, cả Bắc Kinh, Thượng Hải, cả những đồng cỏ mênh mông Siberi, ánh nắng trong sáng ban mai, những giọt mưa rơi tí tách lúc đêm khuya, đến cả tiếng mỡ reo trong chảo của một bà nội trợ…Tất cả, tất cả đều làm anh nghĩ tới em. Vì em là tất cả nguồn vui của anh. Ở em, anh đã gửi cả cuộc đời mình… Việt Nam có nghĩa là em, là những người thân của gia đình, là khoảng trời xanh, nắng hè gay gắt, là những đêm mưa anh nằm trong tay em, ngủ say đi trong những tiếng thì thào…".

Vượt qua những đau khổ, mất mát và cả nỗi cô đơn dằng dặc, NSƯT Kim Thư tự hào rằng, bà đã nuôi các con trưởng thành. Con gái Vũ Hoàng Hoa đã tốt nghiệp trường ngoại ngữ, đã trở thành một nhà văn nối nghiệp ông bà nội và đúng như ước nguyện của cha.

Nếu Vũ Hoài Tuân còn sống, ông sẽ là một nhà khoa học quân sự với rất nhiều thành tựu có ích cho quân đội và nhân dân. Và rất có thể, chúng ta sẽ có một nhà văn Vũ Hoài Tuân với số lượng tác phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn. Nhưng ông đã hòa vào đất đai, cây cỏ, như bao nhiêu người lính khác đã ngã xuống vì hòa bình cho nhân dân, cho Tổ quốc mà không cần tính toán điều gì cho riêng mình. Đúng như câu thơ của GS.Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: "Dáng anh tôi gầy cao/ Đã tạc vào thế kỷ/ Như bao nhiêu liệt sĩ…"

Thu Phương - Quỳnh Trang
.
.
.