Đưa văn học Việt Nam ra thế giới: Còn nhiều rào cản

Thứ Bảy, 05/09/2015, 07:57
Nhiều năm qua, văn học Việt Nam đã được tiếp sức, giao thoa và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhiều nền văn học lớn trên thế giới như Pháp, Trung Quốc, Nga, các nước Tây Âu… Đến nay, độc giả Việt Nam đã được tiếp xúc với hầu hết văn học của các nước, để hiểu thêm nhiều nền văn hóa khác nhau, lưu giữ và chuyển hóa, làm phong phú thêm nền văn hóa, văn học của đất nước...

Nhưng, những người làm văn học Việt Nam cũng kịp nhận ra một nghịch lý: Suốt nhiều năm, chúng ta đón nhận nhiều hơn là gửi đi. Chỉ một số tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, cùng một số nhà văn hiện đại được chuyển ngữ giới thiệu ở các nước, nhưng còn ít.

Đó là lý do để Hội Nhà văn Việt Nam đang tìm đường đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài cùng với việc thành lập Trung tâm Dịch thuật giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Văn hóa là tấm danh thiếp của một quốc gia, công việc giới thiệu văn học ra nước ngoài có tính chất quảng cáo cho đất nước mà lại không đắt. Tuy nhiên, để “mang chuông đi đấm nước người”, trước hết, cần phải hiểu rõ văn học của ta có thực sự đáng để tôn vinh, để giới thiệu như một niềm tự hào của Việt Nam hay không? Câu trả lời là có. Vấn đề là chúng ta đã làm bật lên được những tinh hoa nội lực ấy để đưa vẻ đẹp văn học Việt ra thế giới hay chưa mà thôi.

Nhà thơ Bảo Chân đọc bài thơ về Hà Nội của chị và thi sĩ người Malaysia chuyển ngữ.

Tại Đại hội Hội Nhà văn năm 1983, khi nhận định về văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khải đã cho rằng: “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là một trong những cuốn sách “ghê gớm” có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học. Nhà văn, nhà biên kịch Hứa Văn Định cũng từng ngợi ca: “Trong văn học hiện thực phê phán nước ta, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là một lâu đài trào lộng. Ông đã yên nghỉ vĩnh hằng, nhưng nhân vật của ông vẫn còn đó, chúng sinh tồn, đau khổ, ngộ nhận, dấn thân và đã nếm trải mọi đánh giá của người đời.

Từ học giả, dân thường, kể cả những con người không còn được coi là lương thiện nữa vẫn mến chuộng văn ông. Và rồi cuối cùng vị trí xứng đáng trong văn đàn Việt Nam vẫn thuộc về ông. Trí tuệ ông đang sống, vẫn sống và chắc trong văn đàn Việt Nam, ông là bất tử”. Kể lại câu chuyện trên, nhà văn Hoàng Quốc Hải đặt câu hỏi: Một tác phẩm như thế, mà lại không có mặt trong tủ sách hay của thế giới, là một người đọc, hoặc nhà văn, liệu bạn có thể yên tâm?

Nhiều tác phẩm văn học của ta từng được các dịch giả nước ngoài đánh giá cao. Nhà thơ Martha Collins (Mỹ) cho rằng, khi đọc thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Quang Thiều và Ngô Tự Lập, bà nhận ra mình được trao một thoáng nhìn vào đời sống người Việt mà tất cả những gì bà đọc về lịch sử của đất nước này cũng chưa hề mang đến. Những bài thơ không nói trực diện về chiến tranh, nhưng người đọc vẫn cảm thấy trong những bài thơ đó có hậu quả của chiến tranh khắp mọi chỗ.

Chiến tranh không tách rời mà có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống, không chỉ hiện hữu trong mỗi trận đánh, mà để lại hậu họa cho mỗi người. Điều nhắc nhở mỗi chúng ta và đáng để khám phá ngang với chính những sự kiện chiến tranh.

Phải khẳng định rằng, chúng ta có nhiều tác phẩm đáng để bạn đọc nước ngoài thưởng thức, nhưng con đường đưa văn học Việt Nam ra thế giới còn nhiều cản trở. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khó khăn lớn nhất là vấn đề ngôn ngữ. Nếu tiếng Việt là niềm tự hào về khả năng phô diễn kỳ diệu thế giới nội tâm cực kỳ điêu luyện và tinh tế bao nhiêu, thì với các dịch giả nước ngoài lại càng khó khăn bấy nhiêu. Khó khăn thực sự của các nhà dịch thuật là chuyển dịch một thế giới tâm hồn sang một thế giới tâm hồn khác, một nền văn hóa sang một nền văn hóa khác. Ngoài ra còn thị hiếu, thị trường, nguồn lực tài chính và các thủ tục về sở hữu trí tuệ… không thể bỏ qua.

Những dịch giả nước ngoài đều dịch những tác phẩm mà mình ưa thích để dịch. Vì như nhà văn Chúc Ngưỡng Tu, một dịch giả Trung Quốc vốn dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hoa, thì với dịch giả nước ngoài, khả năng chọn lựa tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu lại rất hạn chế. Do đó, vừa phải có tác phẩm hay, vừa phải làm thế nào cho dịch giả nước ngoài biết đến tác phẩm ấy.

Ở Trung Quốc, sau khi mạng Google rút khỏi, khó mà đọc được các tác phẩm văn học Việt Nam trên mạng nữa. Nếu trang mạng của Hội Nhà văn Việt Nam được đầu tư nâng cấp để dịch giả nước ngoài dễ dàng đăng nhập được thì sẽ là một việc rất hay. Nếu Việt Nam thành lập một quỹ văn học dịch để trợ cấp, khen thưởng cho việc giới thiệu văn học Việt Nam thì sẽ rất tốt cho các dịch giả nước ngoài.

Các nhà văn Việt Nam vẫn quyến luyến thị trường Nga, vì đây là nơi văn học Việt Nam từng được biết đến, nhưng giờ đã gần như vắng bóng. Igor Briov, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á Hãng thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay” cho rằng, độc giả Nga vẫn quan tâm đến văn học Việt Nam. Nhưng vấn đề là hiện thiếu một sự xác lập trường phái dịch thuật Việt – Nga cụ thể. Thứ nữa, cần phải xây dựng kế hoạch lôi cuốn sự quan tâm đến văn học Việt Nam bằng các chiến dịch quảng cáo và truyền thông. “Với tôi, tiểu thuyết của Việt Nam không hề kém cạnh các tác phẩm khác, thậm chí, còn xuất sắc hơn về tuyến cốt truyện, những tình tiết hấp dẫn, lại còn nhiều thông tin về văn hóa, lịch sử của đất nước” – Ông nhấn mạnh.

Thanh Hằng
.
.
.