“Con đường gốm sứ” kêu cứu

Thứ Tư, 11/02/2015, 10:19
Là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đạt kỷ lục Guinness “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”, từng là niềm tự hào của người dân Thủ đô, thế nhưng, công trình nghệ thuật ý nghĩa ấy đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Công trình con đường gốm sứ ven sông Hồng được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, dài gần 4km, từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ đến tận cửa khẩu Vạn Kiếp. Đây là công trình công cộng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Con đường đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến Hà Nội. Và hơn hết, hình ảnh đất nước cũng như những giá trị văn hóa, mỹ thuật được quảng bá một cách hiệu quả ra thế giới.

Thế nhưng, chỉ sau 4 năm, công trình nghệ thuật chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ấy đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang kéo dài. Thậm chí có những điểm bức tranh gốm sứ bị bóc tách thành từng mảng lớn. Dọc con đường đã xuất hiện nhiều vết nứt dài, có đoạn kéo dài vài chục mét. Hơn thế, tại nhiều điểm trên con đường đã bị biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, kinh doanh buôn bán...

Ngày 15/9/2014, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 6888/UBND-XDGT yêu cầu Sở Xây dựng bàn giao công tác quản lý, duy trì công trình”Con đường gốm sứ” ven sông Hồng để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý, duy trì theo quy định đối với các công trình văn hóa; hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận quản lý công trình trong tháng 9/2014.

Các đoạn đường bị nứt, vỡ và bong tróc thành mảng lớn.

Tuy nhiên, đến nay công trình nghệ thuật ấy vẫn đang có dấu hiệu hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân không nhỏ góp phần tạo ra sự xuống cấp của con đường này là do ý thức của những người dân sống xung quanh khu vực này. Họ biến công trình nghệ thuật ấy thành chỗ phơi đồ hằng ngày, chỗ đổ vật liệu xây dựng hay thậm chí coi đây như nhà vệ sinh công cộng... Hàng loạt hành động ấy đang khiến cho công trình nghệ thuật ý nghĩa của Thủ đô nằm trong sự đe dọa khôn lường.

Bạn Nguyễn Thị Dịu, 22 tuổi, chia sẻ: “Mỗi lần về quê, mình phải đón xe buýt ở điểm dừng xe buýt dọc theo con đường gốm sứ này. Lần nào đứng chờ xe buýt ở đây mình cũng bắt gặp một số người bậy thẳng vào đó. Những hôm trời nắng, mùi bốc lên nồng nặc, không thể chịu nổi”. Để góp phần làm nên một công trình đầy ý nghĩa như vậy không chỉ là bàn tay của những nghệ nhân mà còn là ý thức của người dân Thủ đô. Mỗi người cần có ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ công trình văn hóa nghệ thuật này.

Thủy Linh
.
.
.