Con vua Quang Trung được chôn ở chùa Đại Tuệ?

Thứ Bảy, 05/05/2007, 09:49
Tại chùa Đại Huệ - ngôi chùa hơn 600 tuổi ở Nghệ An, các nhà sử học đã phát hiện một ngôi mộ lớn rộng 96m2 đắp bằng đá. Các nhà sử học cho rằng đây là mộ vua Cảnh Thịnh - người kế nghiệp "anh hùng áo vải" Quang Trung.

Dãy núi Đại Huệ ở Nghệ An, ngoài những di tích tiêu biểu: thành nhà Hồ, lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, lăng mộ mẹ vua Mai và căn cứ địa của Mai Hắc Đế… còn có chùa Đại Tuệ. Ngôi chùa Đại Tuệ hơn 600 tuổi này hiện đang thu hút sự quan tâm của dân chúng bởi những bí ẩn của thiên tạo.

Tại chùa này, mới đây các nhà sử học đã phát hiện một ngôi mộ lớn rộng 96m2 đắp bằng đá mà từ bao đời nay được nhân dân địa phương hương khói cho là mộ Vua Cảnh Thịnh, con Vua Quang Trung thời Tây Sơn. Chúng tôi đã tìm hiểu quan điểm của hai nhà sử học ở Nghệ An về giả thuyết này…

Ngôi chùa cổ và những tế khí thiên tạo

Theo chân hàng trăm người dân địa phương xã Nam Anh (Nam Đàn) lên Đại Huệ trong ngày động thổ khởi công dựng lại chùa Đại Tuệ ở độ cao 800m so với mặt biển, chúng tôi chứng kiến giữa hoang sơ của thiên nhiên ngập tràn cỏ dại và cây rừng, có một ngôi chùa cổ kính mang đậm dấu ấn thời gian.

Phần mái chùa hoàn toàn hư hỏng, chỉ còn lại tường xây bằng gạch cổ và bệ thờ với những tượng phật, bát hương, bình hoa phủ dày rêu phong. Trong khuôn viên có hồ sen, giếng nước ghép đá ngập trong lau lách.

Người dân địa phương cho biết: Mặc dù ở độ cao 800m nhưng giếng nước, hồ sen không khi nào khô cạn.

Chùa còn lưu giữ được 3 bộ kinh Phật hiện được ông Nguyễn Nghĩa Bình (một người dân xã Nam Anh tự nguyện 10 năm coi sóc chùa Đại Tuệ) cất giữ.

Điều thu hút sự quan tâm của mọi người là những tế khí thiên tạo của ngôi chùa. Ngoài bia đá khắc chữ nho cả hai mặt chưa được phiên dịch, dựng trên lưng rùa cũng bằng đá có bàn tay của con người chế tác, còn lại đều nguyên bản đá tự nhiên với những tên gọi lưu truyền: mõ đá, chuông đá, ngai đá, cổng đá...

Mõ đá có kích thước khoảng 2x1,3m hình dáng của chiếc mõ gỗ, chuông đá dài 5m, rộng 3,9m dáng hình chiếc chuông. Ngai đá với những hoa văn của tạo hoá tuyệt tác.

Để chứng minh tiếng mõ, tiếng chuông mà người dân vẫn coi là điều bí ẩn, ông Nguyễn Nghĩa Bình dùng viên đá cầm tay gõ liên hồi, phát ra âm thanh giống như âm thanh của mõ gỗ và ngân vang của tiếng chuông đồng trước sự ngạc nhiên của mọi người. Tương truyền, đó là những nhạc cụ nhà chùa dùng để thỉnh chuông, gõ mõ khi cầu nguyện.

Về niên đại ngôi chùa, Tiến sĩ sử học Hồ Bá Quỳnh và Tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Hồng, cán bộ giảng dạy Đại học Vinh cho biết:  Theo cuốn sách "Nam Đàn xưa và nay" của nhiều tác giả (Nhà xuất bản VHTT ấn hành năm 2000) thì ngôi chùa này do Hồ Vương Hồ Quý Ly xây dựng để thờ Đại Tuệ, vị Phật bà đã phù hộ cho Hồ Quý Ly xây thành đắp luỹ chống quân Minh. Theo đó, ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 600 năm.

Từ năm 1945 về trước, chùa có sư trụ trì và là nơi lễ bái, viếng thăm thưởng ngoạn của du khách gần xa. Sau bao biến cố của lịch sử và thời gian, ngôi chùa giờ đây chỉ còn phế tích nhưng vẫn được nhân dân hương khói.

Có phải là mộ phần vua Cảnh Thịnh?

Cách chùa Đại Tuệ khoảng 100m về phương Nam là ngôi mộ đắp bằng đá rộng gần 100m2. Phần lớn chìm trong lau lách, cây rừng, những lớp đá phủ dày rêu phong.

Các TS Nguyễn Quang Hồng và Hồ Bá Quỳnh đã dẫn ra những cứ liệu chứng minh có thể đây là mộ vua Cảnh Thịnh. Bởi theo cuốn sách "Nam Đàn xưa và nay" thì khi Quang Trung Nguyễn Huệ thực hiện cuộc hành quân thần tốc ra Bắc, đại phá quân Thanh đã hạ trại dừng chân tại đây.

Nhà sư trụ trì chùa Đại Tuệ thời đó hiến kế cho Nguyễn Huệ hành quân theo đường Thiện Đạo, tránh được sự phục kích của quân Thanh, đồng thời rút ngắn đáng kể quãng đường hành quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã làm theo.

Tri ân chùa và nhà sư, ngày thắng trận trở về, Hoàng đế Quang Trung đã ghé lại thăm và hạ chiếu cấp cho chùa Đại Tuệ 20 mẫu ruộng. Từ đó, ngôi chùa còn được nhân dân gọi là chùa Đại Huệ, phải chăng là nhớ tới người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ -  Quang Trung?

Từ đây có thể suy luận: ngôi chùa sẽ là nơi ẩn náu an toàn cho thân quyến Quang Trung khi thất thế.

Trong sự nghiệp của mình, vua Quang Trung và kế vị là vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản), đều đã từng cho người đóng giả mỗi khi phải làm sứ thần sang bang giao với nhà Thanh.

Có thể, trong bối cảnh bị kẻ thù săn đuổi do thất thế, Cảnh Thịnh đã cải trang thành người dân để thoát thân, nên đã ra trú thân tại chùa Đại Huệ và giã từ cuộc đời ở đây.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng lý giải: Trong lịch sử, khi triều đại Tây Sơn bị Nguyễn Ánh lật đổ, đã diễn ra cuộc truy bắt vua Cảnh Thịnh do tướng Nguyễn Phúc Thành chỉ huy kéo dài nhiều ngày từ Phú Xuân tới Lạng Sơn.

Bấy nhiêu thời gian và không gian ấy đủ cho không chỉ một mà nhiều người đóng giả vua để cho Cảnh Thịnh an toàn. Phải chăng nơi Cảnh Thịnh chọn mai danh ẩn tích cuối cùng là chùa Đại Tuệ chờ thời lấy lại cơ đồ, nhưng ông đã viên tịch tại chốn này để có ngôi mộ đá đã nêu.

Một chứng cứ quan trọng khác được Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng đưa ra là từ xa xưa tới trước năm 1945, nhân dân xã Nam Anh có ngày cúng giỗ vua Cảnh Thịnh vào 12/7 âm lịch hàng năm mà những nơi khác không có, nên giả thuyết của nhóm nghiên cứu là có cơ sở.

Cùng với việc nghiên cứu ngôi chùa và ngôi mộ đá, nhóm nghiên cứu Nguyễn Quang Hồng, Hồ Bá Quỳnh và cộng sự đã lập tờ trình gửi các cơ quan chức năng. Sở VHTT Nghệ An đồng ý cho việc phục dựng lại ngôi chùa cổ từ nguồn tài trợ và tiền công đức, đáp ứng cho sự phát triển KT-VH du lịch của địa phương và nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, giả thuyết ngôi mộ đá là mộ vua Cảnh Thịnh vẫn còn bỏ ngỏ. Người dân địa phương mong muốn sớm có sự vào cuộc của các nhà khoa học, để nơi đây có thêm một địa chỉ du lịch di tích lịch sử - văn hóa và du lịch tâm linh

Nguyễn Đình Lam
.
.
.