Cổ tích có còn là thế giới trẻ thơ?
Chỉ sau vài ngày, truyện được đăng lại trên trang Facebook Tuyết Bitch Collection, thu hút hơn 6.200 lượt thích (like) và gần 900 lượt chia sẻ (share). Nhiều bạn đọc choáng váng trước hình ảnh vô cùng rùng rợn của bộ truyện tranh này.
Nếu ở bản gốc, đoạn kết Tấm sai quân lính giội nước sôi rồi làm mắm Cám gửi về cho dì ghẻ gây tranh cãi thì ở “Phiên bản kinh dị của Tấm Cám”, truyện khai thác đoạn kết này bằng những hình ảnh phóng tác tỉ mỉ đến kinh hoàng. Sau khi mẹ con Cám chết, Tấm ngày càng tiều tụy, đức vua đã cho 20 thị nữ vào hầu hạ lần lượt mỗi ngày. Nhưng các thị nữ đều biến mất một cách bí ẩn.
Khi ông Bụt hiện lên khuyên giải Tấm nên hối cải, đừng hận thù nữa thì Tấm biến thành ác quỷ gớm ghiếc ăn thịt luôn ông Bụt. Vua tỉnh dậy, thấy Tấm như vậy mới hiểu những thị nữ trước đây đều bị Tấm hại. Sau khi điên loạn xé xác vua, Tấm chạy khỏi hoàng cung, càng chạy thân xác càng mục rữa. Tấm chết bên một cây thị trong rừng.
Trên Facebook phần đông là thanh thiếu niên đọc. Ngoài số tỏ ra thích thú, cho rằng truyện hay, sáng tạo thì không ít bạn không dám đọc tiếp vì sợ và ám ảnh bởi những hình ảnh máu me, giết chóc rùng rợn. Trên trang Comicola.com, số lượng các em thiếu nhi truy cập để đọc khá lớn. Nhiều em thắc mắc tại sao cô Tấm vốn hiền lành lại trở nên ác độc, tàn nhẫn như vậy?
Đây không phải là lần đầu “Tấm Cám” bị khai thác theo hướng bóp méo, xuyên tạc gây hiệu ứng tiêu cực. Trước đây, bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam cải biên gồm 20 truyện như: “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”, “Sự tích dưa hấu”, “Cây tre trăm đốt”… cũng có nhiều biến tấu lố bịch khiến dư luận phản ứng.
Đặc biệt truyện này không chỉ tồn tại trên mạng mà đàng hoàng bước ra công chúng khi được Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp với NXB Giáo dục, Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam ấn hành. Dù tác phẩm nhanh chóng bị thu hồi ngay sau đó nhưng đã để lại nhiều “vết sẹo” trong bạn đọc, nhất là với trẻ em.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, dù truyện cổ tích có nhiều dị bản nhưng người làm sách vẫn có thể chọn dị bản vừa phù hợp với trẻ em, vừa tôn trọng văn hóa dân gian. Nếu đó là truyện tranh thì càng có sự chọn lọc vì hình ảnh có tác động trực quan và mạnh mẽ với trẻ nhỏ hơn cả câu từ. Những hình ảnh rùng rợn như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi, ám ảnh, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý, nhân cách hoặc bị kích động bạo lực.
Đó là mới bàn đến các dị bản dân gian được chấp nhận, còn việc cố tình thêm thắt, xuyên tạc làm cho truyện cổ tích bị tha hóa, méo mó theo hướng tiêu cực thì tác động của nó là khó lường.