Có một giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái

Chủ Nhật, 07/09/2008, 20:05
Danh họa Bùi Xuân Phái - người duy nhất trong nhóm "Tứ trụ" "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái" có con. 20 năm sau khi ông mất, một trong những người con của ông cùng với thân nhân và bạn hữu đã lập ra Quỹ Bùi Xuân Phái, cùng với đó là một Giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên ông: Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Bùi Thanh Phương trong căn phòng tầng 2, phố Thuốc Bắc thấm đẫm một "tinh thần Phái".

PV: Là một cái Quỹ do gia đình lập ra, thì giải thưởng nó cũng mang tiêu chí và nguyện vọng của những người sáng lập. Vậy mà tại sao không có đại diện gia đình trong thành phần ban giám khảo?

Họa sĩ Bùi Thanh Phương: Giải thưởng quan trọng hơn hay ít quan trọng hơn chủ yếu trông chờ vào một ban giám khảo uy tín hay không. Ban giám khảo chính là những người tạo nên diện mạo và uy tín cho giải. Đầu tiên, tôi cũng lo ngại vì nếu ban giám khảo mà không ổn thì gia đình mới là người khổ tâm nhất. Nhưng tôi thấy ban giám khảo của giải là những người có uy tín và có sức thuyết phục. Tôi không tự ái gì khi tôi phải đi chỗ khác chơi để cho họ tự bàn bạc. Mà ngay từ đầu, tôi đã xác định là giải thưởng mang tên cha tôi sẽ chuyển giao cho xã hội, cho cuộc sống, chứ không phải là của cá nhân tôi điều hành.

PV: Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng một giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái nó phải hướng tới một tình yêu Hà Nội tinh tế hơn. Trong khi có tác phẩm có mặt trong tặng thưởng năm nay nó hơi ồn ào và chưa chắc đã có tính thực tế?

HS.BTP: Ở đây tôi nghĩ, ban giám khảo đã tặng thưởng là tặng thưởng cho ý tưởng, một  ý tưởng  hay, ý tưởng nghệ thuật chia sẻ với cộng đồng, một cử chỉ mang một tinh thần chia sẻ. Tôi thấy những tác phẩm được tặng thưởng nếu so sánh với mặt bằng văn nghệ trong năm nay cũng rất xứng đáng vì nó khích lệ những nghệ sĩ có những cống hiến cho cộng đồng, nhìn vào nghệ thuật của họ thì thấy họ chân thành và tâm huyết chứ không có chút nào "hù dọa" hoặc "chọe" đời cả.

PV: 20 năm trôi qua từ khi họa sĩ Bùi Xuân Phái qua đời, điều anh nhớ nhất và học được ở cha mình là gì?

HS.BTP: Điều đầu tiên tôi học của ông cụ trước nhất là tính bao dung. Tất nhiên phải đạt tới độ đắc đạo như thế nào người ta mới bao dung được, khi người ta thấu hiểu, người ta sẽ không chấp vặt một cái gì. Bất kỳ tranh nào đưa ông xem hoặc bất kỳ một cuộc triển lãm nào ông tới xem thì cũng xem rất chăm chú. Không bao giờ ông chê, nếu bạn đọc những ý tưởng nghệ thuật của ông trong cuốn Viết dưới ánh đèn dầu, bạn sẽ thấy ông thực sự minh triết, thế nhưng ông luôn giữ thái độ hòa nhã, lắng nghe và cười hiền lành mỗi khi tranh luận về nghệ thuật với bạn bè, đó là một phẩm chất  mà các họa sĩ thời nay hầu như thiếu.

Có ai đó đã nói vui "không gì hành hạ người họa sĩ nhiều cho bằng việc khen ngợi một họa sĩ khác trước mặt anh ta". Nhưng ông Phái lại  khác, ông không bao giờ chê nhưng nếu cần hỏi ý kiến thì cụ mới nói, mà cụ nói bao giờ cũng chính xác, cụ khen chê đều đúng.

Cái nữa là trong hoàn cảnh nào cũng làm việc được, kể cả khi thiếu thốn, kể cả sức ép về mặt vật chất lẫn tinh thần, không có so bì, hờn trách ai. Lúc sinh thời, cụ cũng biết mình là người có tài, dường như cụ muốn an ủi, động viên cụ bà mà thường nói vui là: "Sau này tôi chết, bà sẽ giàu có lắm". Cụ bà cũng ừ ào cho vui chứ không tin là sau này sẽ giàu. Mà chính cụ Phái cũng không ngờ sau này tác phẩm của mình lại trở nên quan trọng như thế. Minh chứng là rất nhiều tranh, ông cụ đã không ký tên.

Trong khi, tôi nhớ có lần họa sĩ Lưu Công Nhân đã nói vui với tôi: "Nếu ông Phái  biết là tranh của ông bây giờ được thiên hạ hăm hở mua với giá đắt ngất ngưởng như thế chắc ông phải ký trước hàng loạt để sẵn đấy, khi nào có hứng chỉ việc vẽ".

PV: Gần đây, những cuốn hồi ký, tự truyện của các nhân vật nổi tiếng đang rất được dư luận chú ý. Trong khi cụ bà đang còn sống, hơn nữa trong nhóm "Tứ trụ" cũng chỉ mình ông Phái còn người nối dõi, anh có định viết hồi ký về cha mình để kể những câu chuyện ít người biết về ông và bạn bè ông, thay vì để những giai thoại xung quanh họ được thêu dệt?

HS.BTP: Câu hỏi của bạn cũng là một vấn đề đã ám ảnh tôi nhiều năm nay.  Nếu mình không kể lại thì còn ai biết nữa đâu mà kể? Tôi biết, bản thân sự tồn tại của tôi, một nhân chứng sống, cũng đã là một trở ngại cho một số người muốn khoe kể những câu chuyện không có trong thực tế về họ với Bùi Xuân Phái. Việc tôi kể được những câu chuyện mà mình biết cũng là cách hạn chế những chuyện thêu dệt mà luôn ở thế có lợi cho người kể theo kiểu "sáng tác" đó.

Mặt khác, tôi thấy có nhiều câu chuyện của cụ như là những bài học về nghề, và cách ứng xử trong đời thường của nhà danh họa, đó cũng là mối quan tâm của nhiều người mến mộ ông. Tôi đang hy vọng là sang năm, tôi sẽ ra được cuốn sách về Bùi Xuân Phái. Hiện tại tôi đã đi được một nửa chặng đường rồi.

PV: Xin cảm ơn anh!

Cẩm Thuý
.
.
.