Có một dòng sông nhạc mang tên An Thuyên

Thứ Năm, 06/01/2005, 07:11

Cuộc đời là con đường, âm nhạc là dòng sông thì đời sống của An Thuyên là con sông hiền hòa nhiều linh cảm, giàu yêu thương và chan chứa ánh sáng huyền minh. Con sông ấy khơi mạch chảy bằng tiếng khóc oe oe trong lời ru như cánh cò, như đò đưa, như lũy tre và ánh trăng mờ thực. Ầu ơ... dòng sông nhạc An Thuyên.

Thuở âm nhạc vẫn còn là mạch nguồn trong tâm hồn thơ trẻ An Thuyên thì cậu bé trong chiều lam vẫn ra sông tắm cùng bầy trẻ con mỗi khi dắt trâu về. Tuổi mục đồng của cậu là những chiều tắm sông như thế. Đắm chìm trong làn nước sông quê, cậu nghe được rất nhiều âm điệu của quê hương. Đắm mình trong dòng sông quê cậu cảm được rất nhiều tình yêu thương của xứ sở.

Hạt phù sa mang hình nốt nhạc

Trong một lần nô đùa với chúng bạn, cậu Thuyên đã phải uống rất nhiều nước sông và uống phải rất nhiều những hạt đất cát li ti đỏ. Phù sa theo dòng chảy hành trình ra biển về hạ lưu đã lạc vào vòm họng An Thuyên. Những hạt phù sa li ti đỏ đã kịp cô đọng, kết dính nhau thành hình nốt nhạc trong lồng ngực cậu bé khiến An Thuyên sau buổi ấy về nhà bị ốm và rất tức ngực.

Rồi dần theo thời gian, "nốt nhạc phù sa" đó lớn lên, mặn mòi và bật vỡ, ùa chảy ra thành dòng sông âm nhạc nặng tình quê và thắm đượm hồn nước trong huyết mạch ông. An Thuyên trở thành nhạc sĩ từ đó. Chẳng thế mà âm nhạc trở thành một phần đời, một phần tình, một phần hồn nặng sâu nhất trong cuộc sống của ông. Chẳng thế mà âm nhạc ông cứ thao thiết ngược chảy về phía ký ức đậm xưa quê nhà...

Đi trên đường đời chinh chiến, giờ cậu Thuyên đã là vị Đại tá quân đội, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội. Dường như âm nhạc luôn xâm chiếm ông. Lúc bận rộn nhất là lúc ông tham gia tổ chức các chương trình, lễ hội âm nhạc. Lúc thường nhật công việc của ông là giáo dục - đào tạo các thế hệ âm nhạc trẻ cho quân đội, cho đất nước. Và lúc thư nhàn nhất ông lại để tâm tưởng mình vào việc sáng tác âm nhạc.

Với âm nhạc, ông có lẽ như đứa trẻ trước dòng sông quê, hồn nhiên và mê đắm. Mỗi lần về thăm quê, trong ông bao kỷ niệm lại ùa về. Ông ra bến sông, tìm lại hạt phù sa năm nào vương chảy vào ngực ông. Nhưng ký ức hình nốt nhạc đó không sao trở lại được. Có ai tắm được hai lần trên một dòng sông đâu. Có phải vì thế mà những bài hát An Thuyên đẫm âm hưởng của miền Trung với những câu hò, điệu ví chỉ ngọn Hồng dòng Lam kia mới tạo được. Nơi non Hồng tuổi thơ ông gửi lại. Trước sông Lam trong ông dâng bao niềm cảm xúc. Rồi những cảm xúc đọng lại thành chuỗi giọt, có giọt trong như nước mắt, giọt đục như bên lở dòng sông...

Lênh đênh con thuyền tình

Ông thả hồn mình vào dòng sông. Trên bờ đê ông ngồi nhìn ngắm dòng Lam lúc chiều tắt, chờ trăng lên. Vầng trăng đại thi bá Tiên Điền xưa xẻ đôi, nghịch ngợm chàng trai Thuyên cắt đôi làm đò. Câu thơ tình truyền giữ từ thuở truyện Kiều hay câu lục bát trong kho tàng ca dao Việt chàng trai kia láu lỉnh chặt đôi so mái chèo. Câu lục khua bên tả, câu bát khỏa bên hữu, con đò chòng chành hay mảnh trăng bồng bềnh giữa sông nước.

Ngược ký ức, lướt sóng nhạc, đò trăng với mái chèo thơ đưa An Thuyên trở về miền quê xưa, nơi thấp thoáng gót tiên trong đầm sen, nơi có bóng hình một nụ cười mờ nhòe sau trăng. Sông nhạc An Thuyên chuyên chở hết thảy tuổi thơ ông, xóm làng, đồng quê. Sông nhạc An Thuyên ấp iu mối tình đầu của ông, người con gái hiền thục nơi làng quê. Chỉ đò trăng, mái chèo thơ mới có thể trôi trên dòng sông đó. Chỉ nhìn vào dòng sông đó An Thuyên mới thấy ánh trăng và bóng em hiện lên với tất cả vẻ lung linh và hòa quyện.

Nhưng hễ cứ khua chèo khỏa sóng thì dáng em, ánh mắt nụ cười lại tan vào trăng vằng vặc, trăng lại tan vào nước miên man, nước tan vào câu thơ tình dang dở. Em đã hóa thành ca dao lục bát, thành khúc dân ca rồi. Thế nên con thuyền tình mãi lênh đênh. Thôi hãy neo đậu bến quê này mà đợi trăng về. Mỗi giây phút chờ trăng là mỗi trăm năm, mỗi ngày đợi em là mỗi ngàn năm, hỡi tình?

Vĩ thanh cho một kiếp yêu

Âm thanh An Thuyên man mác mờ ảo như thế, như trước mặt là dòng sông nhuần nhị, hiền hòa. Một dòng sông nặng tình quê và thắm đượm hồn nước. Người xứ Nghệ xa quê hương, đồng bào xa Tổ quốc nghe nhạc sông ấy thì cồn cào da diết lắm. Trên nẻo về nguồn cội ông gọi đò trong đêm thanh vắng vọng khắp mặt sông. Con đò cong cong, sáng vi ảo, xa xa kia mà chẳng thấy đò thưa. Bởi đó đâu phải đò, là trăng đấy. Trăng dưới nước. Và có một nụ cười người con gái ẩn sau vầng trăng ấy.

Dòng Lam nhờ tiếng cười mà nên thơ, nhờ "hạt phù sa nốt nhạc" mà đi vào tâm hồn nhạc sĩ. Nhờ An Thuyên âm nhạc đã đi sâu hơn vào cõi lòng yêu. Nhờ dòng sông nhạc, ông đã trở về được tuổi thơ, trở về được một thuở yêu. Dòng sông nhạc mang tên An Thuyên đã nhờ trăng mà lấp lánh, đã nhờ con đò mà nên tình. Dòng sông ấy có linh cảm về sự hóa thân của nhạc sĩ thành muôn hạt phù sa để đắm mình trong sóng nước âm nhạc và lưu giữ hình ảnh của trăng, hình ảnh nụ cười sau trăng suốt kiếp yêu không?

Lê Bảo Âu Long
.
.
.