Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam:

Cơ hội lớn đưa văn học Việt Nam ra thế giới

Thứ Ba, 03/03/2015, 07:57
Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba đã khai mạc tại Cung Hữu nghị Việt Xô - Hà Nội vào sáng 2/3, với sự hội ngộ của hơn 150 nhà văn, nhà thơ, dịch giả - một con số lớn hơn nhiều so với hai hội nghị trước và được đánh giá là cơ hội để Việt Nam đưa văn học hội nhập sâu hơn với các nước.

Nhịp cầu xích gần các nền văn hóa

Đón chào các nhà văn của nhiều màu da, nhiều nền văn hóa đến Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam, nhấn mạnh: Trong thế giới vô tận của chúng ta, mỗi nhà văn có thể xem như một tiểu hành tinh và có thể nói rằng, các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn học, các dịch giả đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ là đại diện của 5 châu lục cùng hội ngộ, đã tạo nên một dải ngân hà có tên Hà Nội, Việt Nam 2015.

Bằng con đường giao lưu văn học, chúng ta làm cho mọi nền văn hóa xích lại gần nhau hơn, làm cho lẽ phải, tình thương xích lại nhau.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam muốn hội nhập văn hóa với thế giới và cũng muốn thế giới không chỉ thấy một cánh rừng, mà còn thấy cả từng bóng cây. Không có nơi nào mà không đến tận nơi, không trực tiếp gặp gỡ cũng trở thành tri kỉ như văn chương.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, văn học Việt Nam là một nền văn học lâu đời, nhiều thành tựu, nhưng lượng tác phẩm dịch ra nước ngoài hạn chế. Gần đây, một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh... được phát hành ở nước ngoài, tuy nhiên lượng sách dịch ra vẫn quá thấp so với nhập vào.

Việt Nam không muốn là thị trường tiêu thụ văn hóa thế giới, mà muốn giao lưu bình đẳng, lành mạnh.

Trong hướng đi đó, hội nghị này là một việc làm cụ thể. Văn học Việt Nam thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, gắn bó với số phận con người, góp phần hoàn thiện con người và đạo đức xã hội, đồng thời, cũng là nền văn học được cộng hưởng tinh hoa của các dân tộc anh em, thống nhất trong đa dạng văn hóa.

Việc chủ động hội nhập văn học được coi như nguyên tắc của sự phát triển và không bị gián đoạn, ngay cả trong thời kì chiến tranh.

Các đại biểu quốc tế và Việt Nam cùng trao đổi bên lề hội nghị.

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định vai trò của sự kiện này: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam thể hiện và hướng đến tình hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đất nước Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, phong phú, từ các vị vua chúa cổ xưa (các vị vua anh minh là những nhà thơ lớn, thi ca giúp họ dựng và giữ nước), nền văn học dân gian cổ xưa đến văn học hiện đại.

Người Việt yêu văn chương, làm văn chương, vì văn chương là nơi lưu giữ kí ức, luôn thể hiện tinh thần dân tộc và đón nhận tinh hoa văn hóa nhân loại.

“Thông qua văn học, chúng tôi hiểu được nền văn hóa của các bạn, lưu giữ và chuyển hóa nó, làm phong phú thêm nền văn hóa và văn học của đất nước chúng tôi. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, chúng tôi đã nhập siêu văn học của các quốc gia trên thế giới. Còn xuất đi thì rất hạn chế, thiếu chủ động và thiếu chọn lọc. Chúng tôi quan niệm rằng một nền văn hóa dân tộc chỉ có thể hoàn thiện trong quá trình tiếp biến với các nền văn hóa khác. Con đường ngắn nhất, bền vững nhất là con đường từ trái tim đến với trái tim" - TS. Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Nhà văn M. Salmawy, Quốc vụ khanh Ai Cập, Tổng Thư kí HNV Á - Phi, Chủ tịch HNV Ai Cập, cũng bày tỏ: “Đây là thời điểm quan trọng của nền văn học Việt Nam và thế giới. Khi còn trẻ, tôi đã được biết người Việt Nam đã và đang chiến đấu cho tự do độc lập và giữ gìn nền văn hóa lâu đời của đất nước mình trước các thế lực xâm lược thù địch. Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam không chỉ là những người cầm bút, giữ gìn tâm hồn Việt, bảo vệ bản sắc Việt, mà còn là những người lính cầm súng chiến đấu rất can trường...”.

Và những băn khoăn

Đưa các tác phẩm văn chương ra nước ngoài là mối quan tâm và khao khát của nhiều thế hệ cầm bút Việt Nam, cũng là công việc lớn mà HNV Việt Nam chủ trương thực hiện qua nhiều thập kỷ.

Trong cuộc họp báo đầu tháng 2/2015 về hội nghị này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết sự chuẩn bị kỹ càng của HNV cho sự kiện văn hóa này, với mong muốn nhanh chóng đưa văn học Việt Nam ra thế giới.

Song, đã sau 2 lần tổ chức hội nghị, nhưng đến lần thứ ba, khâu tổ chức vẫn còn nhiều điều không thể không nhắc tới.

Lễ khai mạc một hội nghị văn học quốc tế với rất nhiều đại biểu thuộc nhiều ngôn ngữ, nhưng vẫn có những đại biểu phải “độc thoại” trên diễn đàn vì không có người phiên dịch. Điều này từng xảy ra ở hội nghị lần đầu, tiếc rằng, vẫn tái diễn.

Ở sảnh lớn có trưng bày những tấm pano để giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam và hẳn sẽ là nguồn tư liệu quan trọng cho những nhà văn, nhà thơ nước ngoài khi về nước, song đã có khá nhiều lỗi không đáng có.

Bài thơ “Ba người hát giọng trầm” của Thi Hoàng đã bị đổi thành “Bài thơ Ba gian hát giọng trầm” còn trích đoạn “Bài ca chim Chơ rao” của Thu Bồn lại được “sửa” thành “Bài thơ Chơ rao”.

Riêng ở tấm pano giới thiệu nhà thơ Lưu Quang Vũ, bài thơ “Đêm Đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn”, tên bài thơ đã được rút gọn thành “Đêm đồng chí”.

Còn bức ảnh giới thiệu song thân Lưu Quang Vũ, thì bà Vũ Thị Khánh đã bị đổi họ thành Nguyễn Thị Khánh.

Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ chia sẻ: “Giá có cái bút xóa trong tay thì tôi sẽ chữa lại cái tên này, vì tên bài thơ là “Đêm đông chí” chứ không phải “Đêm đồng chí”.

Việc in sai tên bài thơ này đã xuất hiện trong Ngày thơ Việt Nam 2014, nhưng cái sai ấy vẫn tiếp tục xuất hiện trong năm nay.

Hy vọng, hội nghị chỉ mới bắt đầu và những gì chưa hoàn thiện sẽ nhanh chóng được khắc phục.

Hôm nay, 3/3, hai cuộc hội thảo “Văn xuôi Việt Nam – Quá trình hội nhập và phát triển”, “Thơ: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” diễn ra tại Hà Nội.

Thanh Hằng
.
.
.