Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III:

Cơ hội hấp dẫn cho các đạo diễn tìm tòi cách thể hiện mới

Thứ Bảy, 04/04/2015, 09:07
So với 2 lần trước, Liên hoan sân khấu (LHSK) toàn quốc về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần này có số lượng vở diễn cũng như số đoàn tham gia vượt trội, trải khắp 3 miền đất nước.

Các đơn vị nghệ thuật đều là chuyên nghiệp với đủ thành phần: các nhà hát công lập và cả các đơn vị xã hội hóa. Điều này chứng minh rằng, đề tài về người chiến sĩ Công an ngày càng thu hút sự quan tâm của cả các nghệ sĩ lẫn khán giả.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: Mảng đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an, nhưng vở diễn không hề khô khan, nên đã thu hút được khán giả qua hàng chục đêm diễn. Hơn thế, vở diễn còn được một ngân hàng tài trợ 4 tỷ đồng, để biểu diễn 100 đêm miễn phí cho sinh viên. Không nên nghĩ rằng đề tài về Công an khô khan, mà vấn đề là đạo diễn phải biết khai thác hình ảnh người Công an thế nào, để vở diễn đi vào tâm thức, tình cảm của khán giả.

Người chiến sĩ Công an trong vở “Ai là thủ phạm” được khai thác gần gũi với đời sống nhân dân, tạo được sự đồng cảm của công chúng, đặc biệt là luôn khẳng định được vai trò quan trọng của Công an trong việc đảm bảo ANTT.

Cảnh trong vở “Bản danh sách điệp viên” của Đoàn Kịch CAND.

Qua đó, tạo được lòng tin với những người bảo vệ công bằng pháp luật với thông điệp: Những người vi phạm pháp luật, dù ở vị trí nào cũng bị trừng trị. Đặc biệt, dàn diễn viên tham gia đều là những tên tuổi như NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, Đức Khuê,  Quang Ánh và 2 diễn viên trẻ Bảo Ánh, Thanh Sơn đã mang đến một câu chuyện đầy cuốn hút, để kịch bản đã có hơn 30 năm tuổi vẫn được công chúng hào hứng đón nhận.

Bên cạnh “Ai là thủ phạm”, Nhà hát Tuổi trẻ còn mang đến một vở kịch hình thể “Người trong biển lửa” ca ngợi người chiến sĩ PCCC và vở “Bình yên cho một ngày”. Cả 2 vở đang được khởi động để có mặt đúng dịp Liên hoan.

Liên hoan lần này, Nhà hát Thế giới trẻ của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh sẽ tham dự 2 vở. Đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng của trường cũng là người sẽ dàn dựng vở “Bông hồng vàng”, cho biết: Ngay từ khi được mời tham dự Liên hoan, chúng tôi đã trăn trở làm sao để dàn dựng những vở diễn về hình tượng người Công an thật “mềm mại”, được khán giả chấp nhận.

Trong bối cảnh vẫn có đây đó một số CBCS làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an, thì càng cần phải có cách nói trên sân khấu sao cho thuyết phục công chúng, thay vì chỉ là những lời ca ngợi suông như hô khẩu hiệu. Vì thế, ở vở “Bông hồng vàng”, dường như không có bóng dáng người Công an trong trang phục của ngành xuất hiện trên sân khấu, nhưng người xem vẫn thấy luôn hiện hữu hình ảnh của họ, qua sự hy sinh vô cùng to lớn của người thân của họ.

Người phụ nữ có chồng là chiến sĩ Công an bị hy sinh khi đánh án, rồi con bà lớn lên lại vào trở thành chiến sĩ an ninh và phải giả hy sinh để thâm nhập vào hang ổ của tội phạm, để bà phải đối diện với bàn thờ có 2 di ảnh của chồng và con. Khi con trai từ nước ngoài trở về, bà lại thêm một lần nữa đau lòng khi phải đón đứa con bị nhiễm độc khi vào hầm ma túy để phá án.

Điều mà đạo diễn Phạm Huy Thục muốn mang cho khán giả qua câu chuyện của mình thật sâu sắc: Không chỉ người chiến sĩ Công an phải chịu hy sinh, nguy hiểm, mà vợ, con họ còn phải chịu sự mất mát, hy sinh… Đạo diễn Phạm Huy Thục cũng bật mí: Diễn viên Huy Khánh, vốn là học sinh của Trường, sẽ vào vai chiến sĩ tình báo và Nhà giáo ưu tú Diệu Đức vào vai bà mẹ.

Với cặp diễn viên nổi tiếng này, vở diễn sẽ có nhiều lý do để thu hút khán giả khi công diễn. Hiện nay, để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập của các sinh viên tham gia vở kịch, ngày nào các diễn viên cũng phải tập từ 21h hôm trước đến sáng hôm sau dù không có catse. Mệt, vất vả nhưng ai cũng đều hứng khởi chờ đợi ngày ra Hà Nội tham dự Liên hoan.

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa) sẽ mang đến LHSK “Hình tượng người chiến sỹ CAND” hình ảnh của người chiến sĩ quản giáo đầy lòng hy sinh qua vở “Mảnh đời run rẩy”. Họ đã chấp nhận để lại cả tuổi xuân giữa nơi rừng thiêng nước độc, để làm nhiệm vụ cải tạo, giáo dục những con người lầm lỗi trở thành người lương thiện, tìm cơ hội quay lại với cuộc đời, với gia đình. Với câu chuyện diễn ra trong một trại giam, đây sẽ là một vở diễn đậm đặc hình bóng người Công an thân thương và gần gũi.

Đạo diễn Hoàng Giang Châu, Phó Giám đốc Nhà hát, chia sẻ: Những câu chuyện về tội phạm, những thông điệp cảnh giác luôn hấp dẫn khán giả và đó là thế mạnh của đề tài này. Nhưng, cũng có không ít khó khăn khi chúng tôi dàn dựng vở diễn về hình tượng người chiến sĩ Công an: Đó là xây dựng làm sao để hình ảnh họ bật lên, bình dị mà vẫn cuốn hút và nhất là, khẳng định được vai trò không thể thiếu của họ trong xã hội. Với tình cảm của những người nghệ sĩ dành cho lực lượng Công an, Nhà hát đã tập trung dàn dựng vở diễn và đến nay, “Mảnh đời run rẩy” đã hoàn thành sau gần 2 tháng luyện tập.

Với 27 vở diễn ở nhiều thể loại tham dự LHSK lần này, khán giả Thủ đô sẽ thêm một lần được thưởng thức những tác phẩm có chất lượng. Bởi, các đạo diễn tham dự Liên hoan đều chịu khó tìm tòi, sáng tạo cách thể hiện mới mẻ, phù hợp với trình độ, tâm lý khán giả hiện nay ở đề tài người chiến sĩ Công an vốn nhiều thách thức nhưng cũng phong phú chứa đầy sự thú vị.

Bên cạnh những đạo diễn đã khẳng định tên tuổi, LHSK lần này sẽ có cả những đạo diễn lần đầu có mặt, nên đây cũng là dịp hình ảnh về người chiến sỹ Công an được khắc họa ở nhiều chiều kích, tươi mới, với những phẩm chất, tính cách được bộc lộ trong những tình huống điển hình.

Từ những vở diễn sâu sắc và hấp dẫn, người dân sẽ thấu hiểu và cảm thông hơn với nhiệm vụ của lực lượng Công an. Đó là mong muốn của những người tổ chức LHSK về “Hình tượng người chiến sỹ CAND”.

Thanh Hằng
.
.
.