Cơ hội cho điện ảnh Việt Nam

Thứ Hai, 18/10/2010, 16:03
LHP Quốc tế tại Việt Nam lần đầu tiên diễn ra trong 5 ngày, từ 17 đến 21/10, nhằm xây dựng một thương hiệu LHP mới, khẳng định vị trí và xu thế hội nhập của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh thế giới đối với điện ảnh Việt Nam.

Tối 17/10, lễ khai mạc Liên hoan phim (LHP) Quốc tế tại Việt Nam lần đầu tiên đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội với sự tham dự của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VH, TT&DL và các Bộ, ngành cùng đại diện các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam. Nhiều nhà điện ảnh tên tuổi của thế giới và là thành viên của các Ban Giám khảo của LHP cũng tham dự: Đạo diễn lừng danh thế giới Phillip Noyce, đạo diễn Marco Muller, Giám đốc LHP quốc tế Venice, nhà quay phim Francois Catonne, ông Johany, Giám đốc LHP ngắn Phần Lan…

Trước đó, sáng 17/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi trong nước và quốc tế đã cùng cắt băng khai mạc LHP và tham dự cuộc họp báo về LHP với sự tham dự của hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế.

LHP Quốc tế tại Việt Nam lần đầu tiên diễn ra trong 5 ngày, từ 17 đến 21/10, nhằm xây dựng một thương hiệu LHP mới, khẳng định vị trí và xu thế hội nhập của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh thế giới đối với điện ảnh Việt Nam. Để tổ chức sự kiện này, tại LHP Quốc tế Busan - Hàn Quốc và LHP Cannes 63, Cục Điện ảnh (Bộ VH, TT&DL) đã tổ chức "Đêm Việt Nam" để quảng bá, giới thiệu về LHP quốc tế Việt Nam lần thứ Nhất.

Đạo diễn Phillip Noyce và ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh cắt băng khai mạc Liên hoan.

BTC đã lựa chọn được 67 phim ở các thể loại phim truyện, phim ngắn, phim tài liệu và hoạt hình của 25 nước tham dự Liên hoan: Pháp, Đức, Anh, Nga, Italia, Ban Lan, Rumani, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Các bộ phim sẽ tham dự trong các chương trình: phim dự thi, Điện ảnh thế giới ngày nay, Điện ảnh Việt Nam ngày nay, Điện ảnh khách mời. Liên hoan sẽ trao giải thưởng chính thức ở 6 hạng mục: Phim truyện xuất sắc nhất, phim ngắn xuất sắc nhất, phim tài liệu xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên nam, diễn viên nữ chínhxuất sắc nhất. Việt Nam có 2 phim tham dự là "Long thành cầm giả ca" và "Trung úy".

Trước giờ LHP chính thức khai mạc, chúng tôi đã có dịp trao đổi với đạo diễn nổi danh Phillip Noyce, để được lắng nghe quan điểm trao đổi thẳng thắn của ông.

PV: Thưa đạo diễn! Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi trở lại Việt Nam lần này, trong vai trò Chủ tịch BGK phim truyện nhựa?

Đạo diễn Phillip Noyce: Tôi thật vui mừng khi đã gần 10 năm, lại được gặp những người đã cùng tôi hợp tác trong bộ phim "Người Mỹ trầm lặng". Nhân đây, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ khi tôi làm Ban giám khảo của phim truyện ở LHP Sit-ny cách đây 15 -16 năm. Thời điểm đó, có hàng trăm bộ phim dự thi trong số hàng nghìn phim được chiếu với những điều rất tuyệt vời. Mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm, về cách làm phim, từ diễn xuất đến kỹ thuật, mà chỉ ở LHP mới có. Tôi nhớ Liên hoan đó cũng có khá nhiều bất ngờ.

Tôi đã được xem hai bộ phim của hai đạo diễn trẻ ở châu Á và hai bộ phim đó cũng chưa được biết đến: 1 phim của Ý An, một đạo diễn còn ít được biết đến khi đó và một phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Nhưng sau Liên hoan, đạo diễn Ý An đã nổi tiếng và bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đoạt giải thưởng đặc biệt của BGK. Do đó, các LHP rất quan trọng, không chỉ giới thiệu các tác phẩm chưa được biết đến, mà còn là nơi để chúng tôi tìm ra các tài năng mới.

Tôi hy vọng trong 5 ngày tới ở LHP Quốc tế Việt Nam, chúng tôi có thể tìm ra được một Ý An, một Đặng Nhật Minh nữa và từ những LHP thế này, sẽ có nhiều bộ phim của Việt Nam được biết đến và các đạo diễn cũng dần có tên tuổi hơn.

PV: Là đạo diễn tên tuổi thế giới, ông có ý định giúp đỡ các nhà điện ảnh Việt Nam nhiều hơn, ngoài Liên hoan?

Đạo diễn Phillip Noyce: Sau khi LHP kết thúc, tôi sẽ ở lại Hà Nội và TP HCM vài ngày để tổ chức một số buổi giảng dạy và tọa đàm với các nhà làm phim Việt Nam. Tôi sẽ trao đổi những vấn đề mà các nhà làm phim quan tâm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Hằng
.
.
.