Cô gái trẻ và niềm đam mê ca trù

Thứ Sáu, 19/04/2013, 21:32
Nguyễn Kiều Anh, cô gái “giữ lửa” ca trù của dòng họ có truyền thống 7 đời hát ca trù, đã có những tiết mục biểu diễn rất ấn tượng trong chương trình Vietnam Got Talent mới đây. Trò chuyện với cô gái xinh đẹp và trẻ trung này, càng thấy được sự đam mê và ý thức giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc...

Câu lạc bộ ca trù Thái Hà (Hà Nội), gồm có ông Nguyễn Văn Mùi (ông nội của Kiều Anh), là thế hệ thứ 5 của dòng họ Nguyễn, cùng các thế hệ con trai, con gái và thế hệ cháu chắt của ông còn đang giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống này. Câu lạc bộ ca trù Thái Hà được thành lập năm 1987, với 5 người con của ông Mùi là 2 đào nương Nguyễn Thị Thanh Trâm và Nguyễn Thúy Hòa; 3 con trai chơi đàn đáy là anh Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Mạnh Tiến, thêm hai cô cháu gái đáng yêu của ông Mùi, là ca nương Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Thu Thảo.

Khi chương trình Tìm kiếm tài năng Việt giới thiệu phần tham gia biểu diễn của thí sinh Nguyễn Kiều Anh, một đoạn video clip được phát hình trước phần biểu diễn, trong đó một cô gái trẻ trung, đáng yêu giới thiệu về phần thi của mình. Đó là một cô gái hiện đại, đi giày cao gót, váy ngắn, tóc xõa ngang vai.

Cô giới thiệu sẽ biểu diễn ca trù khi tham gia chương trình, nhưng cũng không quên nói đến những sở thích chung như giới trẻ hiện nay, đó là nhạc trẻ, nhạc nước ngoài và cả tên tuổi những ca sĩ thế giới. Phần giới thiệu đã rất ấn tượng, nhưng càng ấn tượng thích thú hơn ở phần biểu diễn. Bài hát “Đò đưa” của Kiều Anh đã đưa cảm xúc của khán giả về với một miền sâu lắng cùng tiếng hát ngọt ngào của ca nương trẻ tuổi.

Nguyễn Kiều Anh biểu diễn trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt.

Tất cả khán giả cũng như Ban giám khảo của chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam đã lặng người theo lời hát trong vắt, dõi theo nhịp phách, nhịp đàn đáy, cùng ánh mắt đầy tâm sự của cô gái trẻ với đôi lông mày thi thoảng lại rướn lên theo làn điệu khi thể hiện bài hát. Để đến khi kết bài, cả khán phòng như vỡ òa. Còn Ban Giám khảo thì rất xúc động khi phát biểu và nhận xét về phần thi của Kiều Anh. Nghệ sĩ Thành Lộc, người mẫu Thúy Hạnh và nhạc sĩ Huy Tuấn đều có chung một nhận xét: hài lòng!

Kiều Anh tâm sự: “Với truyền thống của gia đình, nhất là đã lưu truyền được 7 đời, đó là một điều mà Kiều Anh rất tự hào. Gia đình, nơi mà khi em sinh ra đã có tiếng đàn tiếng phách, nơi đã dạy cho em biết thế nào là những tinh hoa trong nghệ thuật truyền thống, văn hoá dân tộc, nơi mà em đã được chỉ dạy về cách sống, cách làm người, và cũng từ nơi đó, gia đình của em là nơi đã nuôi dưỡng tình yêu trong em với những bộ môn nghệ thuật truyền thống”. 

Từ 6,7 tuổi, Kiều Anh đã thích hát ca trù, nhưng em cũng chưa ý thức được tại sao mình phải học và học để làm gì, học như thế nào. Lúc mới học hát, khi đến lớp các bạn hay trêu đùa là hát ca trù rất già, nên có lúc Kiều Anh cũng nản. Nhờ sự động viên của gia đình, cùng với việc đi diễn, được lên sân khấu (cảm giác này làm Kiều Anh rất thích thú); là động lực để Kiều Anh chăm chỉ tập luyện. Và em cảm thấy càng tập càng thấy hay, dần dần ca trù ngấm vào em và trở thành một phần của cuộc sống gắn bó với em hơn 10 năm qua. 

Hiện nay Kiều Anh đang theo học môn Đàn tranh ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Em cũng đến với bộ môn đàn tranh từ rất sớm. Khi học ca trù được 3 năm, bố mẹ thấy em có năng khiếu về nghệ thuật nên cho em theo nghệ thuật. Mà ca trù là truyền khẩu nên người học hát gọi là nghệ nhân. Mình muốn làm "nghệ sĩ" thì phải biết nhạc lí. Chính vì thế nên em vào nhạc viện học để trang bị cho mình kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp. Khi đó em tự nhiên có cảm tình với cây đàn tranh và càng học càng thấy gắn bó với nhạc cụ cổ truyền này... Với Kiều Anh, ca trù là "định mệnh", còn đàn tranh là "duyên số".

Mỗi lần ra biểu diễn ở nước ngoài, mặc dù bất đồng ngôn ngữ nhưng khán giả ngoại quốc rất yêu thích ca trù. Biểu hiện là qua những tràng vỗ tay và lời ngợi ca của họ với tiết mục ca trù của Việt Nam. Có thể họ không hiểu ngôn ngữ nhưng em nghĩ họ cảm nhận được qua âm nhạc, qua thần thái của diễn viên, qua những nét đặc sắc và độ khó trong kĩ thuật mà người đào nương trình diễn.

Làm thế nào để các bạn trẻ yêu thích ca trù? Giữ được truyền thống gia đình đã khó, nhưng làm thế nào để nhân lên niềm đam mê ca trù ở mọi người, nhất là các bạn trẻ, mới là điều khó hơn. Em ý thức như thế nào để gìn giữ và phát huy nghệ thuật ca trù?”. Kiều Anh cho rằng: “Để yêu thích được thì các bạn trẻ phải có cơ hội tiếp xúc với ca trù.

Và để những giá trị âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ thì phải có những người trẻ chứng minh được rằng “Trẻ tuổi cũng có thể yêu thích âm nhạc truyền thống”. Chính vì thế nên em đã tham gia Chương trình Tìm kiếm Tài năng Việt để thể hiện quan điểm của em. Như em đã nói ở trên. Em yêu những giá trị truyền thống dân tộc và ngoài ra em còn có trách nhiệm giữ gìn truyền thống của gia đình. Đó là hai lý do mà em đang gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống này”.

Sau phần biểu diễn của em ở cuộc thi Tìm kiếm tài năng, nhất là khi thấy một cô gái rất xinh xắn, đáng yêu và hát ca trù rất hay, đã có nhiều ý kiến phản hồi tốt và có cả động viên khích lệ. Em rất cảm động và coi đó là động lực để tiếp tục cố gắng”.

Ở phần thi bán kết của chương trình, khán giả lại thấy một Kiều Anh dịu dàng trong tà áo lụa hát ca khúc ngọt ngào của làn điệu quan họ “Ngồi tựa sông đào” kết hợp với âm nhạc nước ngoài. Cô bé gảy đàn tranh rất điệu nghệ, đến nỗi nhạc sĩ Huy Tuấn phải thốt lên, Kiều Anh hát rất hay, cả phần hát quan họ lẫn phần hát tiếng Anh. 

Kiều Anh cho biết, ca trù là thể loại âm nhạc truyền thống nhưng phần biểu diễn không nên bó buộc mà có thể có nhiều sáng tạo. Phần biểu diễn ở vòng bán kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt, Kiều Anh đã thể hiện điều đó, được cả 3 giám khảo đồng tình và đánh giá cao. Hy vọng, với sự kết hợp tới đây giữa Kiều Anh và nhạc sĩ Quốc Trung, nhiều ý tưởng mới sẽ được nảy sinh; và khán giả, nhất là khán giả trẻ sẽ có cơ hội hiểu biết và yêu thích ca trù cũng như âm nhạc truyền thống khi nó được kết hợp với âm nhạc hiện đại

Ngô Thị Chuyên
.
.
.