Có bông hoa hướng dương như thế ở trên đời

Thứ Ba, 04/09/2012, 12:19
Đọc văn, đọc thơ Thuần, nếu không biết hoàn cảnh của tác giả, người ta có quyền hy vọng vào khả năng sáng tác của cây bút trẻ này, bởi đó là những tâm sự, những nỗi niềm được viết ra từ gan ruột, nó tê tái nỗi buồn và nhức nhối nỗi đau, nhưng nó thực sự khiến người ta phải ngỡ ngàng rồi đồng cảm.

Dường như một mũi tên nghiệt ngã và bất công của số phận từ đâu đó đã nhằm vào Hoàng Thị Diệu Thuần, cô sinh viên quê ở xóm Khe Đổ, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Năm đầu tiên được bước vào cánh cổng trường Đại học Quốc gia với bao niềm vui náo nức thì cũng là lúc em biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu. Tháng 9/2005, Thuần phải nhập viện. Bắt đầu từ đó, cô sinh viên có vóc người mảnh mai nhưng luôn vui vẻ, hay đàn và hát, sống chan hòa với mọi người phải bước vào cuộc vật lộn với tử thần.

Vật lộn với tử thần

Thuần kể: Suốt thời gian nằm điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu T.W, những người bị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo như Thuần nằm cùng phòng đã lần lượt ra đi, vì không chống đỡ nổi với tử thần. Những người bị mắc bệnh ung thư máu, thường là chỉ cầm cự được 3-4 năm, nhiều là 5-6 năm, và rất ít người chống chọi được 7 năm như Thuần. Có thời kỳ, mỗi ngày, từ sáng đến tối em phải truyền hết 10 chai thuốc.

“Tôi phải gạn bạch cầu và mỗi ngày truyền cả kháng sinh, cả hóa chất. Tôi giống như một xác chết biết động đậy. Vậy mà tôi vẫn vượt qua được. Không phải vì tôi quá nghị lực như mọi người nghĩ mà chính nhờ sự yêu thương của cậu - mẹ (Thuần gọi cha là cậu) dành cho tôi, nhờ sự động viên khích lệ của bạn bè truyền cho tôi nghị lực và cả sự may mắn để vượt qua” - Thuần bộc bạch như vậy trong cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” vừa được Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và NXB Văn hóa Thông tin xuất bản.

Thực sự, trong cuộc chiến đấu không hề cân sức này, Thuần đã được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của gia đình, người thân, bạn bè, được các bác sĩ với những nỗ lực cao nhất tiếp thêm sức mạnh. Đối mặt và chịu đựng với những cơn đau triền miên hành hạ, vừa chữa bệnh vừa học tập, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng khó khăn, nhưng em vẫn hoàn thành 4 năm đại học. Tuy nhiên, hiện nay sức khỏe Thuần vẫn rất yếu bởi còn bị mắc bệnh viêm gan C.

Trong tháng 9/2012, Thuần sẽ phải bước vào cuộc chiến đấu mới: thực hiện ca ghép tủy. Người cho tủy là anh trai của Thuần, và may mắn thay, sau khi các bác sĩ làm xét nghiệm đồng loại để so sánh gen, kết quả cho thấy hai anh em có gen trùng khớp 90%.

Trước đó, Thuần từng được một nữ văn sĩ người Israel quan tâm, tìm mọi cách giúp Thuần với hy vọng đưa em sang Israel để ghép tủy, nhưng việc này đã không thành bởi chi phí cho một ca phẫu thuật như vậy cần phải có 2,5 tỷ đồng, một khoản tiền quá sức đối với gia đình Thuần. Vì vậy, Thuần sẽ tiếp tục phải chữa trị ở trong nước.

Nhiều bạn mua sách đến xin chữ ký của Thuần.

Lời giới thiệu cuốn sách “Như hoa hướng dương” đã viết về Thuần: “Căn bệnh ung thư ác nghiệt đã đeo đuổi em những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất. Em chống chọi lại nó bằng tất cả sức vóc gầy gò và trái tim quả cảm. Hãy dành chút thời gian để đọc hết những trang tự sự, những dòng nhật ký, những bài thơ tha thiết này. Quý vị, những ai đang đau khổ, tuyệt vọng, đang phải chịu đựng sự giày vò của bệnh tật sẽ tìm được sự đồng cảm, sẻ chia, tìm được nguồn động viên vô giá. Những ai khỏe mạnh, may mắn và đủ đầy nhưng trót lãng quên dù chỉ là giây phút, sẽ tìm được sự ấm áp, chân thật của Tình Người”.

Những liều thuốc không có trong phác đồ điều trị

Tối 25/8, tại nhà sách của Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ở quận Cầu Giấy, đã diễn ra buổi giới thiệu tập sách “Như hoa hướng dương”, cuốn tự truyện và thơ của tác giả Hoàng Thị Diệu Thuần. Trước đó, tôi đã đọc kỹ cuốn tự truyện của Thuần với một niềm cảm phục sâu sắc. Điều gì đã khiến Thuần vượt lên nỗi đau đớn của bệnh tật ngày đêm giày vò mình để viết nên những trang văn, những bài thơ chân thực, dung dị, vừa thấm đẫm nước mắt vừa le lói nụ cười?

Thuần kể: Có nhiều ngày em đau quá, em phải cắn răng viết, chỉ biết viết với mong muốn quên đi nỗi đau, viết như một thứ nhật ký chứ không hề nghĩ để được in thành sách. Việc làm thơ cũng vậy. Trước đây Thuần chưa bao giờ làm thơ. Nhưng trong thời gian em về Quỳ Hợp, có những ngày toàn thân và hai chân em đau nhức quá, tưởng chừng không thể chịu nổi. Một hôm có một người bạn của cậu em đến thăm đã động viên: “Cháu thử làm thơ đi, viết về cái gì cũng được, như thế sẽ bớt đau hơn đấy”. Vậy là Thuần làm theo. Những bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Nhưng đáng khâm phục là đọc văn, đọc thơ Thuần, nếu không biết hoàn cảnh của tác giả, người ta có quyền hy vọng vào khả năng sáng tác của cây bút trẻ này, bởi đó là những tâm sự, những nỗi niềm được viết ra từ gan ruột, nó tê tái nỗi buồn và nhức nhối nỗi đau, nhưng nó thực sự khiến người ta phải ngỡ ngàng rồi đồng cảm.

Chị Cao Thị Hương, mẹ của Thuần từ quê ra đi theo con đến hội trường, nhưng khi Thuần và mẹ được các bạn mời lên sân khấu nhỏ thì chị Hương không chịu lên. Tôi phải đến sát, khẽ động viên chị lên ngồi cạnh cô con gái. Tôi để ý, trong khi mọi người chăm chú nhìn Thuần và lắng nghe các bạn hát, thì chị Hương ngồi nhìn con với vẻ mặt đầy lo lắng. Tôi thấy bàn tay trái của người mẹ cứ xoa xoa lên đôi chân của con để xoa dịu nỗi đau cho con mình. Tôi vội đưa máy ảnh lên và kịp ghi lại được những khuôn hình cảm động của tình mẫu tử.

Giây phút ấy tôi chợt nghĩ: Việc các anh chị ở Quỹ Hỗ trợ xuất bản thuộc Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã chủ động đặt vấn đề, tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho Hoàng Thị Diệu Thuần ra mắt tập tự truyện giữa lúc Thuần sắp bước vào cuộc chiến đấu mới, cùng với tình người ấm áp đêm nay sẽ đem đến cho Thuần những liều thuốc tinh thần kỳ diệu nhất! Những liều thuốc của tình mẫu tử, của tình bạn, của cuộc đời nhân ái… tuy không có trong phác đồ điều trị của bệnh viện nhưng tôi tin sẽ hiệu nghiệm đối với Thuần, sẽ là sức mạnh, niềm tin đối với tôi cũng như với bao người có mặt trong buổi tối hôm nay.

Cầu chúc cho Hoàng Thị Diệu Thuần sẽ chiến thắng số phận, để viết tiếp những trang mới đầy niềm vui cho cuộc sống của em

Từ Ngọc Lang
.
.
.