Chuyện về người thể hiện ca khúc 'Tiến về Sài Gòn'

Thứ Năm, 30/04/2015, 20:16
Trưa 30/4/1975, trên Đài phát thanh Sài Gòn đã vang lên âm hưởng hùng tráng của bài hát “Tiến về Sài Gòn” (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) với giọng ca giàu tính học thuật của nghệ sĩ Quang Hưng. Bất ngờ nghe tiếng hát của mình trong thời khắc lịch sử ấy, ca sĩ Quang Hưng đã khóc vì xúc động, để rồi, cứ mỗi dịp ngày đất nước thống nhất, ông lại rưng rưng khi nghe bài hát “Tiến về Sài Gòn” vang lên khắp nơi. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc “Tiến về Sài Gòn” vẫn gắn với tên tuổi ông, ca sĩ đầu tiên đã thể hiện bài hát.

Trong ngôi nhà nhỏ đầy ắp kỷ niệm của NSƯT Quang Hưng ở Khu văn công Mai Dịch, NSƯT Hoàng Mỵ, người bạn đời của ông, đã đưa tôi ngược dòng thời gian, để nhớ về những ký ức đã rất xa qua những tấm ảnh, những đĩa hát, đĩa hình về người ca sĩ tên tuổi, với niềm xúc động dâng trào…

Năm 1967, NSƯT Hoàng Mỵ đang là diễn viên của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, chuẩn bị vào chiến trường phục vụ bộ đội, còn ông, đang chuẩn bị cùng Đoàn văn công Quân giải phóng đi lưu diễn ở 7 nước XHCN. Lúc đó, ông mới trở về sau 5 năm học ở Nhạc viện Traicopxki (Liên Xô), đang là một ca sĩ opera nổi tiếng.

Khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ miền Nam ra Hà Nội, đã mời ông đến phòng, rồi kín đáo lấy từ sắc cốt ra bản nhạc bài hát “Tiến về Sài Gòn” đưa cho ông. Bản nhạc úa màu thời gian, cho thấy, nó đã từng theo tác giả trải qua những chặng đường Trường Sơn đạn bom gian khổ. Chỉ nhìn thoáng qua những nốt nhạc và ca từ, ông đã hiểu những tâm sự, khát khao chiến thắng mà người nhạc sĩ nhắn gửi trong ca khúc. Bởi thế, khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước yêu cầu ông thu âm bằng cả giọng Nam và giọng Bắc, ông đã hết sức cố gắng, dù không hiểu tận cùng lý do.

NSƯT Hoàng Mỵ nhớ lại: Thế là NSƯT Quang Hưng dành thời gian học phát âm giọng miền Nam cho thật chuẩn. Nhờ những nghệ sĩ cùng Đoàn văn công Quân giải phóng giúp đỡ, nên chỉ sau 2 ngày là ông tập xong. Ông chỉ hát một lần là được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chấp nhận để tiến hành thu thanh.

Một lần biểu diễn của NSƯT Quang Hưng.

Bài hát được thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam, một băng ghi âm giọng Bắc, còn một băng thu giọng Nam và được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mang theo vào chiến trường. Mãi sau này, NSƯT Quang Hưng mới biết, đó là bài hát được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Nhạc sỹ đã giao một băng nhạc cho nhóm chiến sĩ có nhiệm vụ chiếm Đài phát thanh Sài Gòn, nhưng băng nhạc đã mất khi trận đánh không thành, các chiến sĩ hy sinh. Còn băng thứ hai, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước cất giữ cẩn thận trong hộp đạn, giấu trong thùng gạo, chuyển vào mặt trận. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông trao cho cánh quân đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn để phát ngay khi giành thắng lợi.

Sau này với ca khúc “Tiến về Sài Gòn” vừa hoàn thành, NSƯT Quang Hưng đã có thêm một bài hát mới trong chuyến lưu diễn ở các nước XHCN, để những lời ca hùng tráng, thôi thúc của “Tiến về Sài Gòn” có dịp vang lên tại thủ đô nhiều nước: Liên Xô, Cuba, Triều Tiên, Đức, Hungari… Do hoàn cảnh đất nước khi đó, NSƯT Quang Hưng tham gia vào Đoàn văn công Quân giải phóng đi lưu diễn ở nước ngoài, nên phải lấy tên là Trần Dũng, trùng tên với một ca sĩ của Đoàn, là người miền Nam. Còn tác giả  của ca khúc “Tiến về Sài Gòn” cũng phải đổi là Huỳnh Minh Siêng. Khi biểu diễn bài hát này ở Cuba trong “Liên hoan ca khúc phản kháng” với sự tham gia của nghệ sĩ nhiều nước để ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, NSƯT Quang Hưng đã được Chủ tịch Cuba Phidel Castro tặng một cây đàn ghi-ta. Cũng tại Liên hoan này, cảm kích trước giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Quang Hưng và âm nhạc sôi nổi của ca khúc, nghệ sĩ người Anh Ewan MacColl đã nhờ anh dạy hát bài “Tiến về Sài Gòn”, rồi dạy lại Quang Hưng bài Ballad of Hồ Chí Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) với điệp khúc “Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh” quen thuộc, để NSƯT Quang Hưng trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên hát bài này và mang về nước.

Trong cảm xúc dâng trào, NSƯT Hoàng Mỵ nghẹn ngào: Trong một đêm giữa rừng Trường Sơn năm 1967, khi tôi đang nằm trong chiếc lán nghỉ, thì qua sóng phát thanh, đã lần đầu được nghe Quang Hưng hát ca khúc “Tiến về Sài Gòn”. Không thể nói hết niềm xúc động khi đó và cảm thấy như chồng đang ở bên mình, giục giã tôi lạc quan tin vào chiến thắng. Nghe xong bài hát, tôi nghĩ rằng, giờ có hy sinh cũng không ân hận gì.

Cuối tháng 4-1975, cả nước rộn rã niềm vui chiến thắng. Ngày 30-4-1975, cả Hà Nội như nín thở theo dõi từng bước đi của đoàn quân cách mạng. Như bao người Việt Nam, NSƯT Quang Hưng cũng khao khát hòa bình, nhưng ông không ào ra đường để hòa vào không khí chung như bao người, mà ông ngồi như gắn vào 2 chiếc đài bán dẫn ở nhà với sự chờ đợi căng thẳng. Một chiếc mở sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và một chiếc, bắt sóng của Đài phát thanh Sài Gòn, trong tâm trạng vô cùng hồi hộp. Ông linh cảm có điều đó thật hệ trọng sắp đến, khi Đài phát thanh Sài Gòn cứ phát liên tục các bài hát tiền chiến như: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Đêm đông… Sau đó, đúng như ông dự đoán, những bản nhạc bỗng ngừng bặt. Ngay sau đó là tiếng hát của chính ông, NSƯT Quang Hưng, vang lên mạnh mẽ, hút hồn: “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng hát nghẹn câu cười/ Khu nhà tranh năm cánh cửa ô rên xiết đêm ngày/Quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người/Sài Gòn ơi, ta đã về đây! Ta đã về đây!...”.

 Đây chính là bản nhạc thu âm bằng giọng miền Nam của ông. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thu thanh bài hát năm 1967, ông mới được nghe bài hát này do chính mình hát. Nghe giọng mình vang lên trong thời khắc lịch sử đặc biệt, ông không nói được lời nào, 2 hàng nước mắt chảy dài.

NSƯT Hoàng Mỵ nhớ lại: Ông quay qua ôm lấy tôi và các con trai, vừa khóc vừa nhảy múa khắp nhà trong niềm xúc động nghẹn ngào: Thắng rồi, hòa bình rồi! Trong hồi ức của ông còn lưu ở gia đình vẫn ghi lại vẹn nguyên cảm xúc khi đó: “Tiếng hát tôi vinh dự trở thành một hồi kèn báo cho quân đội và nhân dân cả nước biết, chúng ta đã đánh một đòn quyết định: thắng!”.

Ngày 1-5-1975, NSƯT Hoàng Mỵ theo Đoàn văn công Quân đội bay vào Sài Gòn. Ba hôm sau NSƯT Quang Hưng cũng theo đường tàu biển hội ngộ với vợ ở nơi mà gần 10 năm trước, bài hát của ông đã gửi gắm niềm mong mỏi “Tiến vào Sài Gòn”. Ở đây, tiếng hát của ông tiếp tục bay lên giữa niềm vui non sông liền một dải và ca khúc “Tiến về Sài Gòn” ngày càng lan tỏa trong lòng người yêu nhạc. Ít ngày sau, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tìm gặp ông ở Sài Gòn, ôm chặt ca sĩ Quang Hưng trong niềm vui khôn tả: “Quang Hưng, cậu có biết bài “Tiến về Sài Gòn” của bọn mình ngon lành đến thế nào không? Chúng ta đã ở Sài Gòn rồi chứ không còn ước mơ như trong bài hát nữa”.

Suốt 4 thập kỷ qua, cứ đến ngày 30-4 là bài hát “Tiến về Sài Gòn” lại vang lên hùng tráng, nối dài cảm xúc trong tâm hồn những người yêu nhạc. Mỗi lần nghe giọng hát của mình thuở ấy, ca sĩ Quang Hưng vẫn thấy bồi hồi xúc động. Và NSƯT Hoàng Mỵ, cũng vẫn vẹn nguyên xúc cảm như ngày nào giữa rừng Trường Sơn nghe giọng ông từ nửa vòng trái đất vọng về…

NSƯT Quang Hưng (1934-2014) là một ca sĩ tên tuổi thuộc thế hệ đầu tiên của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông từng được giải nhất cuộc thi hát toàn quân và là diễn viên nam chính trong vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi dàn dựng lần đầu. Tên tuổi ông gắn liền với các ca khúc “Anh quân bưu vui tính” (Đàm Thanh), “Bài ca Hồ Chí Minh” (Ewan MacColl), “Tiến về Sài Gòn” (Lưu Hữu Phước), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Trường ca sông Lô” (Văn Cao)... Ông đã được tặng nhiều giải thưởng cao quí.
Thanh Hằng
.
.
.