Chuyện về ba tôi - Nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên

Thứ Ba, 04/01/2005, 10:41

Mọi người biết đến Nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên là một nhạc trưởng tài ba. Nhưng với chúng tôi ông là một người cha hết lòng vì các con. Thời bao cấp khó khăn, nuôi nổi cho cả nhà ăn no mỗi bữa đã là chật vật lắm rồi, song sự chăm sóc về tinh thần, hướng con cái giàu có về trí thức, cảm nhận được lẽ phải thì lúc nào ông cũng cho chúng tôi dư thừa.

Đã có nhiều người viết về thân thế, sự nghiệp và cả những chuyện tình cảm riêng tư trong cuộc đời ba tôi – Nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên. Có điều đúng, có điều chưa hoàn toàn đúng. Chúng tôi vẫn vui vẻ đọc và tự hào, nhủ mình hãy sống xứng đáng là con của người cha như thế. Tôi mong sẽ ghi chép được chút ít điều gì ông đã làm cho chúng tôi, những đứa con ông yêu thương, dạy dỗ nên người.

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, Nam Định. Nhà ông nội tôi nằm sát liền với tường nhà thờ Phú Nhai. Căn nhà gỗ lim năm gian như mọi miền quê giàu có khác của đồng bằng Bắc Bộ. Có thể vì sinh ra và lớn lên ở vùng quê quá đẹp như thế, nên dù lên Hà Nội từ năm 17 tuổi, đã đi nhiều nước, nhưng bản sắc “Phú Nhai” của ông vẫn rất sâu đậm. Cho đến già, ông vẫn là con người mộc mạc, chất phác của một vùng quê Việt Nam.

Bữa cơm thường sau này khi đã sung túc cũng chỉ canh cua, rau đay với vài quả cà muối. Ông thích ăn cá khoai quê nhà, mà cái giống cá cũng lạ, đánh lên khỏi mặt nước khoảng tiếng đồng hồ là ươn, ăn không ngon nữa. Con cá còn tươi trong suốt, thấy cả mang màu hồng hồng, cắt bỏ đầu, xắt làm ba khúc, chưng ít cà chua, phi thơm hành, bỏ cá vào đun sôi xâm xấp nước rồi thả rau cần, thìa là thật nhiều ăn nóng “đặt lên môi, trôi xuống cổ” vừa ngọt dịu, vừa mát, vừa thanh; ăn mãi không biết chán…

Năm 1958, ông được cử đi dự Liên hoan Nghệ thuật quốc tế tại Liên Xô cũ. Đoàn có ông và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Sau khi soạn thảo báo cáo và chuẩn bị cho chương trình làm việc với các đoàn bạn, hai ông đều có chung nỗi lo:
- Bên đó kiếm đâu ra điếu cày nhỉ?
Vài hôm sau bỗng thấy ba tôi hớn hở khoe:
- Có điếu đây rồi!
Ông giơ ra một tuýp nhôm dài khoảng gang tay uốn cong hai đầu về hai phía. Ngồi xuống bàn rất ung dung, tự tại; ngậm một ngụm nước lọc, mồi thuốc rồi châm lửa rít. Sau đó ông nhổ nước đi và nhả khói, vẻ khoan khoái:
- Khắc phục vậy, cho khói thuốc lọc qua nước, hút hơi nóng cổ nhưng đã lắm.
Ông gói “điếu nhôm” lại rồi đạp xe sang nhà ông Khoát để khoe sáng kiến của mình. Cũng từ đó, dù ra chiến trường hay đi nước ngoài, chiếc “điếu cày nhôm” cũng theo ông tri kỷ.

Ba tôi có nhiều con, có thể nói là tất cả đều phương trưởng và chúng tôi yêu ông với tình yêu đặc biệt. Khi anh chị em, cả dâu lẫn rể ngồi với nhau kể lại những kỷ niệm về ông rất đẹp đẽ, thân thương. Ai cũng thấy rằng ba thương mình nhất theo cách riêng.

Nhà tôi ở Phạm Ngũ Lão, “phố nhà binh” - còn nơi ông làm việc tận “làng quân nhạc” nằm trong góc khuất cuối sân bay Bạch Mai. Bây giờ mỗi khi có việc cần đi bằng xe máy, chúng tôi còn ngại ngùng, thế mà trước đây ông cứ lọc cọc chiếc xe đạp “Juypite” cổ lỗ, theo như lời ông: “Được cái khung tốt” đi về với chúng tôi. Hôm nào cũng tối mịt ông mới đạp xe tới nhà; mệt mỏi, kiệt sức, nhưng lúc đó “trăm thứ tội” của bọn trẻ chúng tôi lại mang giội hết vào vị quan tòa là ông.

Bữa cơm nghèo của một thời gian nan, đạm bạc với đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn dở dang thật khốn khó. Khi ngồi vào mâm, bao giờ ông cũng gắp miếng thức ăn ngon đầu tiên cho mẹ già, miếng ngon thứ hai cho đứa bé nhất rồi lần lượt. Nếu có đứa con nào bị miếng bé hơn thì ông an ủi:
- Ồ! Miếng cá này giống bản đồ nước Ý, hình chiếc ủng đây mà.
- Miếng thịt này nhọn một đầu, lại cong cong giống hình khóa “sol” nhỉ.
Thế là đứa nào cũng muốn được đổi lấy cái miếng “nghệ thuật” ấy.

Ông cao, dáng đẹp nhưng hơi gầy có thể do tạng người, theo ông giải thích, thì các nhạc trưởng của thế giới nhiều người cũng xương xương như ông vì công việc phải vận động nhiều. Chúng tôi thì nghĩ do những năm tháng dài nhường nhịn cho con cái nên ông không béo được chăng. Có điều, đức nhường nhịn của ông ngấm sang chúng tôi, để bây giờ khi đã cứng tuổi, đến nhà các anh chị em, trong bữa cỗ bàn thịt cá ê hề, theo nếp nhà vẫn có ý nhường nhịn, gắp thức ăn mời mọc nhau.

Ở đơn vị nơi ông phụ trách, ông vừa là nhạc trưởng, đoàn trưởng; vừa dàn dựng, hòa âm, phối khí cho tiểu đoàn đặc biệt nhất toàn quân. Một đơn vị có nửa nghìn quân, vừa phải xây dựng tác phong, tư chất cho một quân nhân, vừa phải có kiến thức âm nhạc, tâm hồn phong phú ở người nghệ sĩ. Ông đã đào tạo, dạy dỗ cho biết bao anh nông dân vào bộ đội chưa quen đi giày, cứ giải lao là tụt tất đi chân đất cho mát mới học được nhạc. Những chàng trai đang từ anh lực điền theo trâu, tuổi mười tám, đôi mươi hơ hớ, nhưng hút thuốc lào sòng sọc say sưa, vỗ bã điếu bất kể nơi nào, biết thổi kèn và chơi thành công những tác phẩm bất hủ của thế giới. Ông cứ tâm huyết, kiên trì theo suốt cuộc đời với gian truân đó. Những người nhạc binh cũng có thể một phần vì sự đam mê của ông đã giữ họ gắn bó với âm nhạc.--PageBreak--

Mọi người chỉ biết đến Nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên - một nhạc trưởng tài ba, đứng trước hàng quân giơ cao gậy chỉ huy, vẻ mặt ngời ngời rạng rỡ, sáng lóa huân chương trên ngực. Song ít người biết được ông là nhạc trưởng duy nhất của Việt Nam chơi đủ các loại kèn trong dàn nhạc hơi như một nhạc công thực thụ. Tôi được nghe điều ngợi khen khâm phục này từ nhạc trưởng Đàm Linh trong một dịp chấm thi hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc.

Có lần từ đơn vị thông tin ghé qua đoàn quân nhạc thăm ba tôi, đồng chí trực ban chỉ ra phía ao lớn của đoàn, lúc đó ba tôi đang ngồi trên ghế đẩu kê dưới gốc nhãn sum suê, tán chùm như chiếc dù lớn phủ trắng những chùm hoa tỏa hương. Ông ôm chiếc kèn cor và thổi bản Sóng Đanuýp, giai điệu trầm hùng như những đợt sóng gối lên nhau du dương, bóng ông ôm kèn với vầng trán cao in hình trên mặt nước nhuộm hồng, ráng chiều buổi hoàng hôn thật hoành tráng. Phía sau lưng  ông, mấy chiến sĩ trẻ mắt dõi vào bản nhạc, chân giậm theo nhịp say sưa. Kèn cor muốn thổi phải có cột hơi đều và khỏe, ba tôi lúc đó đã có tuổi, song nghe tiếng kèn của ông vẫn mạnh mẽ, mượt mà lắm.

Nhưng sâu đậm nhất trong tôi không phải là lúc ông đứng chỉ huy trên bục trước hàng quân uy nghi sáng lòa kèn trống, mà là hình ảnh khi ông cúi gập người trước bản tổng phổ, bản nhạc mở rộng trên nền nhà, tay ông cầm xe điếu, đập nhịp xuống chiếu, tay phải cầm bút chấm nốt nhạc, miệng huýt sáo theo giai điệu. Lúc đó hồn ông như đang phiêu linh về cõi âm thanh nào đó.

Tôi chưa thấy ai chép nhạc đẹp như ba tôi. Bản tổng phổ cho hơn chục loại kèn, trống, nhưng nhìn vào đều tăm tắp như in. Chép nhạc cũng như viết chữ, phải có hoa tay và quá trình rèn luyện khổ công lâu dài, tùy từng người có thể chép đẹp hay xấu. Ai đã từng học nhạc đều ngại chép. Trong hồi ký Những chặng đời tôi của ông in năm 1987, có ghi lại quá trình rèn luyện này.

Số là từ bé thấy ông vẽ khéo, ông nội tôi - một người rất sùng đạo - đã đưa cho ông vẽ những hoa lá để các dì, các xơ can thêu áo lễ cho cha. Dần dà, ba tôi nổi tiếng trong vùng về tài vẽ tranh chứ không phải nổi tiếng về nhạc như sau này. Ông vẽ những bức tranh tĩnh vật với màu sắc rất lạ, bông loa kèn màu vàng trắng, phớt xanh trên nền cổ vịt ánh biếc. Đóa hoa mới nở, vươn dài thanh thoát như những cánh tay vũ nữ khẽ lay động, giọt sương đọng nhóng nhánh chực lăn ra khỏi cánh lá. Sát miệng lọ hoa, lấm tấm những bông lưu ly tim tím, ấm áp dịu dàng. Trên mặt bàn, đôi quả mơ má chín đỏ vàng nằm e ấp bên nhau.

Khi ở chiến khu Việt Bắc, ông vẽ những đồi chè bát ngát mênh mông, giấu trong lòng nó là các sơn nữ ngực căng tròn, má ửng hồng dưới nón trắng. Bàn tay nõn nà khẽ đặt trên những búp chè mơn mởn. Phía xa xa, mặt trời hắt những tia nắng sớm chứa chan trên mảng ruộng bậc thang mạ non mới cấy.

Chúng tôi được ông cho học nhạc từ lúc sáu, bảy tuổi. Bận như thế nhưng vẫn dạy con “đồ, rê, mi”. Chúng tôi còn nhỏ, như mọi đứa trẻ khác không thích học, chỉ thích chơi đùa tự do thôi. Để động viên chúng tôi học, ông vẽ trên mỗi đầu bài một bức ký họa rất ngộ nghĩnh.

Đã 50 năm trôi qua mà trong ký ức của tôi vẫn nhớ rõ hình cô bé con, tóc buộc vểnh hai bên, ngồi trên ghế tròn vỗ vào đàn piano, vì bé quá phải với mới tới đàn, quần bị tụt hở một khoảng mông tròn trịa rất đáng yêu.

Cậu em trai học violon thì ông vẽ cho cảnh hai chú bé mặc áo may ô ngắn trên rốn, quần đùi tụt xuống hở bụng, đang giơ cây đàn violon cầm ngược “đấu kiếm” với nhau.

Ba tôi vẽ một bức ký họa mực nước rất đẹp cho cái thân sần sùi của cây đa đổ – tuổi thơ của chúng tôi. Ông yêu chúng tôi với tình yêu đằm thắm và truyền cho chúng tôi những cảm thụ nghệ thuật như vậy…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chơi piano rất giỏi. Hồi còn bé, tôi được chứng kiến ba tôi với ông trao đổi, bàn luận với nhau rất lâu về bản Nocturne dựng cho dàn kèn một cách say sưa. Ba tôi và Đại tướng cùng vỡ một bản nhạc mới viết trên đàn piano.

Ngoài âm nhạc và hội họa, ba tôi còn có thú mê đọc sách, khi có tác phẩm nào hay, ông thường kể cho chúng tôi nghe. Ông khuyến khích con cái đọc sách, báo. Theo ông mỗi cuốn sách là một cuộc đời, nếu con người ta được sống bằng nhiều cuộc đời chẳng phong phú lắm sao. Ông mua sách, bọc lại cẩn thận bằng giấy pơluya để vẫn nhìn được bìa và làm cho người cầm cuốn sách phải trân trọng, giữ gìn, nâng niu bằng hai tay khi đọc…

Một lần về phép tranh thủ, trở lại căn nhà nhỏ sau gần chục năm ở chiến trường, tôi thấy ông đang dạy cho bé Hương, đứa cháu nội 4 tuổi trồng những cây giá trắng mà chị dâu mới mua về vào chiếc ống bơ đổ đầy đất, bên cạnh có những ống bơ khác, đậu đã mọc khẳng khiu trổ đôi ba chiếc lá xanh xanh. Bất chợt gợi lại cho tôi kỷ niệm thuở thơ bé, ông cũng dạy chúng tôi nhả hột hồng bì vào chiếc xô đất, tưới nước cho hạt nảy mầm. Cái hột hồng bì bé xíu ngày đó nay là cái cây hằng năm vẫn cho con cháu ông hái quả…

Chúng tôi nhớ ông – ba của chúng tôi, Nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên

Đinh Tuyết Lan
.
.
.