“Chuyện tình Khau Vai”: Thông điệp về tình yêu thiêng liêng và chung thủy

Thứ Sáu, 17/01/2014, 11:47
Quá nhiều cảm xúc lắng đọng khi vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” khép lại. Quá nhiều ý nghĩa mà vở diễn mang đến. Và quá nhiều day dứt, bi thương trong nước mắt, nhưng người đọc vẫn thấy nhẹ lòng bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ câu chuyện nhuốm màu huyền tích. Bởi thế, 4 đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội, dẫu đúng chuỗi ngày rét đậm, rạp Hồng Hà vẫn chật kín người.

“Chuyện tình Khau Vai” (tác giả TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn và chuyển thể NSƯT Triệu Trung Kiên) là vở diễn đầu tiên được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng với kinh phí gần một tỷ đồng, với qui mô lớn về cả thiết kế, đạo cụ lẫn số diễn viên gần 100 người.

Trong một chuyến đến Khau Vai gần 20 năm trước, câu chuyện tình dang dở mà thủy chung, mãnh liệt cứ day dứt trong Nguyễn Thế Kỷ. Vì thế, kịch bản thơ “Chuyện tình Khau Vai” đã ra đời trong những đêm khuya thanh vắng, giữa những cảm xúc bộn bề, giữa mênh mang ký ức, để làm nên một sự thi vị cuốn hút. Nỗi đắm say của câu chuyện tình cũng chinh phục NSƯT Triệu Trung Kiên - người đạo diễn trẻ từng được ví như một hiện tượng của sân khấu cải lương phía Bắc - để anh quyết định chuyển thể sang kịch bản cải lương.

NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: Tìm một kịch bản có chất lượng quả không dễ, vì thế, tôi thật mừng khi bắt gặp “Chuyện tình Khau Vai”. Thật thú vị nữa là việc chuyển thể rất thuận lợi, do kịch bản với những từ ngữ đậm chất thơ, hình ảnh lung linh, quyến rũ. Tôi chỉ việc thêm một vài từ cho đúng với nốt nhạc cải lương. Cũng chính vì kịch bản thơ, nên đã lấy lại được cách nói lối vốn lâu nay đã bị bỏ bớt do cách diễn quá thực trong cải lương.

“Chuyện tình Khau Vai” đã được NSƯT Triệu Trung Kiên thổi hồn bằng tư duy mới mẻ, làm bật lên tính đương đại, qua các tình tiết được xây dựng gần gũi với cuộc sống, về cả tâm lý lẫn phù hợp thẩm mỹ thời đại, thay vì sướt mướt, duy tình của cải lương truyền thống. Đây thực sự là một vở cải lương hiện đại, từ tiết tấu, ngôn ngữ, thiết kế, âm nhạc, trang phục đến cách xử lý trên sân khấu, nhưng vẫn nhấn nhá, thể hiện được tình cảm đậm đà của con người. Ngay cả trang phục toàn màu đen với những họa tiết dân tộc, đã tạo nên sự sang trọng mà vẫn lung linh trên sân khấu, đã cho thấy tư duy thẩm mỹ táo bạo và sáng tạo của người đạo diễn tài hoa.

Cảnh trong vở “Chuyện tình Khau Vai”.

Trên nền kịch bản nhiều đất diễn, các nghệ sĩ có cơ hội “tung hoành”, khai thác để hóa thân vào các nhân vật của mình. Quang Khải, người giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và Như Quỳnh, Top Ten các giọng hát cải lương Việt Nam, đã tái hiện trọn vẹn 2 nhân vật huyền thoại, qua hình thức đẹp, giọng hát truyền cảm, quyến rũ và nhất là, diễn xuất có chiều sâu tâm lý, đưa hình tượng nhân vật đến gần hơn với khán giả. Quang Khải khắc họa thành công một chàng Ba chân thật, thủy chung và sống có trách nhiệm với mọi người: từ giã đỉnh Khau Vai sương phủ ấm áp tình yêu, từ giã người mà anh hết mực yêu thương, để trở về bên mẹ, nhằm tránh cảnh tương tàn giữa 2 dân tộc. Hằng năm, anh vẫn vượt suối băng rừng, đến với lời hẹn cũ, chỉ để được sống trong ký ức cùng người thương.

Sự nhập vai xuất sắc, cùng vẻ đẹp mong manh, tinh khiết, giọng hát ngọt ngào của Như Quỳnh, đã khiến khán giả khóc cười theo diễn biến tâm trạng nhân vật mà cô đảm nhiệm. Nàng Út bằng lòng xa người yêu, để làm trọn chữ hiếu. Khi biết rõ sự thật về người chồng Cố Sầu mưu mô giết chết cha mình để soán vị, cũng là lúc biết chàng Ba đã có hạnh phúc mới, nàng vô cùng tuyệt vọng. Nhưng không nỡ làm xáo trộn cuộc sống của người yêu, nàng đã tìm cái chết để chôn nỗi đau. Diễn xuất chân thật của 2 diễn viên chính đã lột tả thành công sự thủy chung, trách nhiệm của cặp đôi cổ tích, làm lay động bao trái tim, để những giọt nước mắt không chỉ rơi trên những gương mặt xúc động, mà còn rơi cả trong trái tim của bao người cùng sự day dứt, cảm thông.

Không chỉ là một diễn viên cải lương, Xuân Thông còn là một diễn viên truyền hình quen thuộc. Vì thế, anh đã có một vai diễn Tộc trưởng bề thế, nội tâm phức tạp: từng đau khổ vì không lấy được người yêu, nhưng khi trong vai trò người đứng đầu tộc người, ông cũng cương quyết ngăn cản con gái. Với kinh nghiệm của một nghệ sĩ từng giành nhiều giải thưởng, Dạ Ngọc Hương đã làm nên một vai diễn bà Liểng mang nội tâm da diết, để lại ấn tượng trong lòng người xem về sự nhân ái, bao dung. Các vai diễn ông già mù, ba bà mo, bà Tộc đã làm cho câu chuyện thêm tròn đầy và thông điệp của vở thêm sâu sắc và đa nghĩa. 

Với cách diễn chân thật của các diễn viên, “Chuyện tình Khau Vai” đã chiếm lĩnh trọn vẹn cảm tình của khán giả. Cô luật sư Ngân Anh còn bay từ Sài Gòn ra, chỉ để được xem câu chuyện tình sơn cước qua bàn tay chau chuốt của người đạo diễn trẻ, qua cách thể hiện giàu cảm xúc của các diễn viên. Để rồi, trở về trong nắng ấm phương Nam vẫn còn ngơ ngẩn: “Khau Vai của Kiên có nhiều điều để em thích. Em thích khói sương bảng lảng và những cánh hoa đào vây quanh chàng Ba và nàng Út, em thích tính cách bệnh hoạn của Cố Sầu, thích Út hát sình ca, thích ba bà mo bị làm nhục, thích anh tộc trưởng hằn học để che giấu tình yêu… Nhưng trên tất cả, em thích triết lý về sự sống của Khau Vai: Ở một nơi khắc nghiệt như vậy, người ta chỉ có tình yêu và lòng bao dung để tiếp thêm sự sống. Khau Vai hôm nay là một nhân sinh quan nhân hậu: những kẻ yêu nhau không đến được với nhau nhưng không bặt tin nhau, người thứ ba cũng vị tha cho tàn dư kí ức. Bao dung, đậm tình như vậy, núi đá cũng nở hoa!”.

Tôi đồng ý với Triệu Trung Kiên: Câu chuyện tình dở dang mà thủy chung ở Khau Vai, là viên ngọc quí độc nhất trên thế giới, thì sao ta lại không quảng bá nét văn hóa đặc sắc này, để nhắc nhớ với không riêng ai, rằng tình yêu vốn dĩ phải thiêng liêng như thế! Điều này đặc biệt ý nghĩa trong đời sống hối hả hôm nay!

Thanh Hằng
.
.
.