Chung tay giữ nét văn hoá Thăng Long - Hà Nội

Thứ Bảy, 28/11/2009, 09:04
Công viên Thống Nhất sáng chủ nhật, một ông già cầm bình sơn xịt đi tới khu vui chơi vận động của trẻ em. Bàn tay gân guốc cần mẫn dùng bình sơn xoá những chữ thiếu tế nhị do đám thanh niên viết bậy. Chẳng mấy ai để ý đến hành động của ông cụ. Còn tôi thì hiểu rằng, đó là một việc làm thực sự có ý nghĩa để duy trì một góc của Thủ đô văn hiến, giữ lại nét văn hoá thanh lịch của người Tràng An.

1.001 chuyện "ô nhiễm" văn hoá

Thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật, vợ chồng tôi đưa con đến Công viên Thống Nhất. Tại đây có các trò chơi vận động trên cát đặc biệt hấp dẫn với những đứa trẻ mầm non và học trò cấp một. Thế nhưng, ngay cả sự hồn nhiên, trong trẻo ấy cũng bị xâm phạm. Ở thành cầu trượt, các khung thép của trò chơi bị viết vẽ chằng chịt bằng bút xoá, thậm chí bằng cả sơn. Không chỉ có tên người, tại đây còn xuất hiện cả những từ thiếu tế nhị, bậy bạ.

Có lẽ, do không thể chấp nhận được những chữ viết phản cảm ở Công viên Thống Nhất, một ông già thường xuyên tập thể dục buổi sáng tại đây đã cất công "dọn" sạch. Khi những đứa trẻ đang vô tư leo trèo trên các dụng cụ vui chơi, ông cần mẫn cầm bình xịt sơn xoá đi những dòng chữ viết bậy. Tôi bắt chuyện, ông tâm sự rằng: "Để vậy trông khó coi lắm, với lại đây là nơi vui chơi của các cháu thiếu nhi, cần phải làm sạch".

Thế nhưng, đến ngày 26/11, chỉ sau chưa đầy một tháng, khi quay trở lại nơi này, tôi nhìn thấy công sức của ông bị đám trẻ con phá sạch. Những học sinh nghịch ngợm tiếp tục dùng bút trắng viết chữ đè lên đám sơn đen trên sườn của mô hình chiếc thuyền. Nhưng tôi cũng tin chắc rằng, chỉ vài ngày sau, những người như ông già hôm tôi đã gặp sẽ lại tiếp tục công việc giữ gìn môi trường văn hoá của công viên đầy trách nhiệm.

Thêm một câu chuyện nữa mà tôi không khỏi giật mình khi cóp nhặt được ở trong Công viên Thống Nhất. Đó là tình trạng nói năng bậy bạ của những cô cậu học trò. Những ngôn từ xấu chỉ bộ phận cơ thể người bị bọn trẻ phơi cả ra, dùng để diễn tả cảm xúc một cách rất thô tục. Vị phụ huynh ngồi cạnh đó kéo hai đứa con ra nơi khác rồi nói: "Các con ra kia chơi, ở đây các anh chị nói bậy lắm!". Đám học sinh tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nhại lại câu nói. Dường như đó là ngôn ngữ mà chúng cho rằng nó đã được "bình thường hoá".

Làm lại vườn tượng sau khi bị phá ở Bờ Hồ (Ảnh: V.H).

Cũng tại Bờ Hồ, một vườn tượng mang tính nghệ thuật được sắp đặt khá ấn tượng. Nhưng có một thời gian, một số người thiếu ý thức đã phá nó, tượng thì cụt đầu, tượng thì đổ lăn lóc trên bãi cỏ. Cơ quan chức năng phải làm lại, người phá phách thì không thể tìm được để xử lý. Ngay cả cách buôn bán của người dân phố cổ Hà Nội cũng khiến nhiều người phải e ngại. Tâm lý "mua hàng không cẩn thận là bị chửi" khá phổ biến đối với người dân. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào nổi tiếng xưa, nay cũng bị cơ chế thị trường làm xô bồ. Nếp sống của người Hà Nội xưa đã bị mai một dần đi.

Xây dựng văn hoá bắt đầu từ trong nhà

Câu chuyện "ô nhiễm" văn hoá tôi chứng kiến trong công viên chỉ là một góc nhỏ. Nhìn rộng ra mới thấy, văn hoá cư xử của trẻ em đều bắt đầu từ người lớn. Môi trường sống chung, văn hoá ứng xử của người lớn là yếu tố hình thành nếp sống văn hoá của trẻ em. Chúng học người lớn từ cách tham gia giao thông, cách cư xử trước mỗi tình huống. Chính người lớn đã bị trẻ nhỏ dạy cách biết dừng lại khi có đèn đỏ. Đó là bài học ở trường mầm non.

Nhưng khi ra đường, trẻ em chứng kiến người lớn "biến" đèn đỏ thành đèn xanh, thế là công thức trong đầu chúng bị phá vỡ. Bọn trẻ mất niềm tin ở người lớn, lớn lên chúng nhận ra rằng người lớn nói một đằng, làm một nẻo. Chúng bắt đầu phát triển theo hướng tự nhiên, học đòi nhau. Và bởi vậy, sự thiếu văn hoá trong cách ứng xử, cách thể hiện của trẻ em, của học sinh cũng bắt nguồn từ đó.

Ông Đinh Hồng Phong, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, quận đã triển khai thực hiện đề án "Xây dựng một số nét văn hoá ứng xử của người dân khu phố cổ" với mục đích phát huy giá trị văn hoá truyền thống, khắc phục biểu hiện thiếu văn hoá trong lối sống, nếp sinh hoạt… Năm tiêu chí văn hoá là: "Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức giữ gìn trật tự đô thị; trang phục gọn gàng, lịch sự; kinh doanh văn minh thương mại". Nếu thực hiện được cả năm tiêu chí này trên toàn thành phố, chắc chắn Hà Nội của chúng ta sẽ có một môi trường văn hoá lý tưởng.

Người Hà Nội xưa được nhắc đến với sự tinh tế, nét thanh lịch không đâu sánh được. Chúng ta đang phấn đấu khôi phục lại nét văn hoá đã có bề dầy lịch sử ấy. Để làm được điều đó, yếu tố quan trọng chính là môi trường văn hoá. Xây dựng môi trường văn hoá phải bắt đầu từ thói quen tham gia giao thông, từ cung cách bán hàng, cách cư xử của người dân với nhau…

Và điều quan trọng hơn cả, môi trường văn hoá phải được bắt đầu từ trong mỗi ngôi nhà, góc phố, từ bữa cơm, cách ứng xử của mỗi con người trong từng gia đình. "Ô nhiễm văn hoá" - cần phải khắc phục ngay

Việt Hà
.
.
.