Chúng ta sống có lâu gì lắm!

Thứ Sáu, 14/01/2005, 09:26

Người xưa đã có câu, đời người như giấc mộng, dẫu có sống tới trăm năm thì cũng cầm bằng như một chợp mắt mà thôi. Nhưng cũng vì đời ngắn như thế nên ta càng phải làm sao cho mỗi một ngày ta sống có chất lượng cao hơn, hạnh phúc hơn. Hạnh phúc có thể là đấu tranh như Mác đã nói. Nhưng hạnh phúc cũng có thể chỉ là sống tử tế hơn, yêu nhau hơn.

Hà Nội những ngày này thực lạnh, lạnh như thể mọi băng giá đều dồn tụ vào những đêm dài dằng dặc. Trong tĩnh lặng của những suy tư mất ngủ mà không thấy đốm lửa nào cháy bùng lên, ai đó nhớ về ca khúc Đêm đông của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Còn tôi lại lục trong tập vở cũ của mình, đã ố vàng với thời gian, tìm lại bản dịch của một bài thơ mà những khi yếu lòng hay giận dữ nhất, tôi đều tìm thấy được chỗ dựa trong những lời nhắn nhủ giản dị nhưng sâu sắc: "Chúng ta sống có lâu gì lắm!".

Bài thơ chỉ có 12 câu:

"Chúng ta sống có lâu gì lắm!
Hãy yêu nhau, bằng hữu
sưởi lòng nhau.
Tim xin chớ bắt tim cóng lạnh,
Có ít gì băng giá giữa đời đâu!

Vay thì trả, luôn luôn sòng phẳng,
Lập dị ư? Đừng cố chấp gì ai!
Hãy rộng lượng, đừng nên nghiệt ngã
Trước tài năng và cả sự bất tài.

Sẽ có ngày tất cả giống nhau thôi,
Trên giường bệnh, tiếc nuối
trời xanh thế!
Biết làm sao! Nào phải ai có lỗi
Khi nhân gian đều sống gửi, thác về?"

Tác giả bài thơ, Stanislav Kunhiayev, từng tốt nghiệp Khoa triết Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU). Có lẽ vì thế nên ông đã viết nhiều bài thơ mang hơi hướng triết lý. Bài thơ trên cũng vậy, nhưng triết lý của nó không khiến ta phải kinh ngạc bởi những phát kiến anh minh, mà lại làm cho ta se lòng bởi sự hiển nhiên nhưng không phải vì thế mà kém phần lay động của những điều mà nhà thơ gửi gắm tâm sự.

Dường như Kunhiayev đã viết ra những lời gan ruột trên khi ông đang bị ốm, nằm trên giường bệnh nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ. Sức khỏe là thứ mà lúc thường ta không mấy quan tâm nhưng khi nó giảm sút thì ngay lập tức khiến lòng ta u ám hay lo âu đến độ bi quan. Nhưng nếu như tục ngữ đã nói, có ăn nhạt mới biết thương mèo, thì con người ta, khi mình yếu thế, yếu sức sẽ lại càng thấy xót xa, thông cảm với những người khác hơn.

Kunhiayev là vậy. Khi ốm, ông càng thấy thấm thía cái hữu hạn của một kiếp người bèo trôi nước chảy: "Chúng ta sống có lâu gì lắm!". Người xưa đã từng có câu, đời người như giấc mộng, dẫu có sống tới trăm năm thì cũng cầm bằng như một chợp mắt mà thôi. Nhưng cũng vì đời ngắn như thế nên ta càng phải làm sao cho mỗi một ngày ta sống có chất lượng cao hơn, hạnh phúc hơn.  Hạnh phúc có thể là đấu tranh như Mác đã nói. Nhưng hạnh phúc cũng có thể chỉ là sống tử tế hơn, yêu nhau hơn. "Bệnh nhân" Kunhiayev khẩn khoản:

"Tim xin chớ bắt tim cóng lạnh,
Có ít gì băng giá giữa đời đâu!"

Con người với trí tuệ to lớn của mình có thể chinh phục được nhiều phần thiên nhiên, nhưng con người thực ra cũng chỉ là hạt bụi ("Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi" - ca từ của Trịnh Công Sơn) trong cõi vô thủy vô chung của vũ trụ mà thôi. Con người có thể "thay trời xẻ đất, cải tạo giang san" nhưng thực ra con người không bao giờ có thể điều phối được toàn bộ thiên nhiên. Con người chỉ có thể sống được yên lành nếu biết cách lựa ý Mẹ Thiên nhiên. Mà thiên nhiên cũng hay làm tình làm tội con người lắm: trong những thảm họa thiên nhiên, con người dù thuộc dân tộc nào, theo tôn giáo nào, ở giai cấp nào cũng thường bé nhỏ như nhau. Nói thế không phải là để "thủ tiêu đấu tranh" như ai đó muốn "nâng quan điểm", mà để hiểu thêm rằng, đang tồn tại quá nhiều những sự đau đớn, giá băng ở cuộc đời rồi, hà cớ gì chúng ta phải làm cho nhau thêm đau đớn, giá băng!

Không hiểu vì sao mỗi lần đọc lại những câu thơ của Kunhiayev, tôi lại hồi tưởng những ký ức ấu thơ. Tôi nhớ, ngày tôi còn bé, cha tôi thường dạy tôi rằng: "Con ạ, chẳng có cái gì tự dưng đến cả, miếng pho mát không mất tiền chỉ có trong bẫy chuột. Đừng bao giờ ăn gian của bất kỳ ai vì nếu con lỡ một lần ăn mặn thì rồi sau, không phải con thì cũng là con con sẽ bị khát nước!". Cha tôi còn dạy tôi rằng: "Đừng bao giờ ngồi vào vị trí mà đòi hỏi của nó cao hơn năng lực của mình! Hãy đừng gây ra cho người khác những việc mà mình không muốn xảy ra với mình!"...

Theo tư duy nhân văn ấy, Kunhiayev tiếp tục nhắn nhủ, có thể cho bạn bè, nhưng có thể cho chính bản thân mình:

"Vay thì trả, luôn luôn sòng phẳng,
Lập dị ư? Đừng cố chấp gì ai!
Hãy rộng lượng, đừng nên nghiệt ngã
Trước tài năng và cả sự bất tài."

Thực đúng. Chao ôi, chúng ta thường làm khổ nhau bởi tính cố chấp, bởi sự đố kỵ biết bao nhiêu. Làm người năng lực thấp đã khổ, làm người có năng lực cao lại càng khổ hơn, bởi vì, như một câu danh ngôn đã nói, không ít người trong chúng ta chẳng cảm thấy khó chịu vì tài mình ít mà thường lại thấy khó chịu hơn vì tài người khác nhiều! Tài năng, cũng như nhan sắc, khi nó không thuộc về ta thì thường dễ làm cho ta nổi cáu(!). Chỉ có những thủ trưởng chân tài, những "minh quân" mới biết và dám mạnh dạn sử dụng tài năng...

Kunhiayev muốn chúng ta trong đời sống rộng lượng với nhau hơn. Trong lúc ốm, ông càng nhận thức máu thịt hơn cái chân lý đơn sơ của mọi kiếp người:

"Sẽ có ngày tất cả giống nhau thôi,
Trên giường bệnh, tiếc nuối
trời xanh thế!
Biết làm sao! Nào phải ai có lỗi
Khi nhân gian đều sống gửi, thác về?"

Nói cho cùng, chúng ta đều "tội nghiệp" như nhau thôi, dẫu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Vậy thì cứ sống tử tế là hơn, vậy thì cứ sống "biết điều" với nhau là hơn!

Thực lạ là cho tới bây giờ, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa làm được như thế?!

.
.
.