“Chung một bóng cờ” tái hiện một thời lịch sử

Thứ Ba, 20/12/2005, 08:59

Một chương trình truyền hình trực tiếp với 7 điểm cầu; 4 điểm cầu trực tiếp: Trung tâm Đài Truyền hình Tp.HCM, Nhà hát Lớn - đường Lê Lợi – Tp.HCM, Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng Trị; 3 điểm cầu gián tiếp là Lai Châu, Tây Ninh và La Habana (Cuba). Nhiều nhân chứng lịch sử tham gia chương trình. Hai nhà báo nổi tiếng Mađơlen  Ripphô và Mônica Vacnenxca từ Pháp và Ba Lan tới Việt Nam

"Vai sát vai chung một bóng cờ" là một đoạn ca từ của bài hát "Giải phóng miền Nam", ca khúc chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời là nhạc hiệu của Đài Phát thanh Giải phóng đã trở thành một ý tưởng của ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài Truyền hình Tp.HCM cho một chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế, Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND một số địa phương ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Chương trình sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 21/12 trên VTV1.

Chỉ một câu hát cũ và dáng bay của lá cờ đoàn kết dân tộc với sao vàng năm cánh trên nền hai màu đỏ và xanh da trời đã làm sống dậy cả một thời máu lửa và bi hùng. Ấy là năm 1959, năm Mỹ Diệm dựng ra Luật 10/59 "đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", máy chém nhà tù và thuốc độc ở Hướng Điền, ở Duy Xuyên, ở Phú Lợi và khắp nơi trên toàn miền Nam đã giết hại hàng vạn người con yêu nước; những người kháng chiến cũ kiên cường.

Ấy là phong trào Đồng khởi Anh hùng của Bến Tre với "đội quân tóc dài" của bà Ba Định (sau đó là Tư lệnh Quân Giải phóng Nguyễn Thị Định). Đó là việc ra đời của một nghị quyết lịch sử: Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về việc tiến hành bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang để giải phóng miền Nam và việc ra đời đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ra trận. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là nhạc trưởng của cả một bản đại hợp xướng đoàn kết dân tộc đánh đuổi ngoại xâm. Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng! Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng, cầm gươm, ôm súng xông tới! Dàn hợp xướng có bè cao là già trẻ, trai gái ở mọi miền Tổ quốc đương thời, có bè trầm là lịch sử hàng nghìn năm đánh giặc của cả dân tộc.

Sự có mặt và tham gia giao lưu của ông Huỳnh Tấn Mẩm, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, người đã nhiều lần vào tù ra khám dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn, tái hiện một thời sôi sục xuống đường ở tất cả các đô thị miền Nam. Những bài hát "Dậy mà đi" của Nguyễn Xuân Tân, "Tự nguyện" của Trương Quốc Khánh, các bài thơ của các nhà thơ sinh viên một thuở Trần Quang Long, Trần Vàng Sao tái hiện một thời sôi nổi.

Sự có mặt và tham gia giao lưu của nhà thơ Phạm Tiến Duật tại điểm cầu Hà Nội gợi lại một thời "xếp bút nghiên lên đường ra trận" của cả một lớp người như Đặng Thùy Trâm, như Nguyễn Văn Thạc và bao đồng đội còn đó hôm nay: những Đinh Thế Huynh, những Nguyễn Quốc Triệu... Tất cả vì miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự có mặt của ông Hồ Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Thư ký Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam sẽ làm sống dậy những ngày tháng quật khởi và hình ảnh thân yêu của vị Chủ tịch Mặt trận: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Cuộc gặp lại của má Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cán bộ lãnh đạo đồng khởi tại địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng có 3 con đều là liệt sĩ với hai nhà báo lão thành từ Pháp và Ba Lan sang, hẳn gây xáo động cho biết bao người.

Sự có mặt và tham gia giao lưu của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước và các ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh; Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và nhiều nhân chứng lịch sử khác cho công chúng hôm nay thắp lại bức tranh toàn cảnh hoành tráng của một thời lịch sử hào hùng

Phạm Tiến Duật
.
.
.