Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

Chưa ra đảo đã viết chuyện tình Trường Sa

Chủ Nhật, 22/06/2014, 11:29
Theo nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, tác phẩm đầu tiên của anh là truyện ngắn “Hoa Biển” tôi viết về câu chuyện tình của anh bộ đội Trường Sa với một cô tiếp viên quán cà phê. Khi viết truyện ngắn này, nhà văn Xuân Thủy chưa hề ra đảo.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy - người không chỉ có tác phẩm đầu tay viết về Trường Sa, mà còn thành công với đề tài về biển đảo trong nhiều tác phẩm, cũng là người lính đã công tác tại Trường Sa. “Biển xanh màu lá” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Trường Sa của anh và đã được tặng thưởng trong Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Tổng cục Chính trị. “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của anh đạt Giải Vàng sách hay toàn quốc năm 2012. Nguyễn Xuân Thủy cũng được nhận Bằng khen của TW Đoàn cho nỗ lực viết cho thiếu nhi.

Nguyễn Xuân Thủy còn từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức với tiểu thuyết “Sát thủ Online”. Năm 2014, anh vừa ra mắt tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Nhân dịp cả nước hướng về bảo vệ biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

- Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về tác phẩm đầu tay của mình? Hoàn cảnh ra đời của nó?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (NV NXT): Thực ra tác phẩm đầu tiên của tôi là một bài thơ in trên Báo Phú Thọ từ khi mới tốt nghiệp THPT năm 1995, nhưng sau này tôi theo con đường văn xuôi, vì thế tôi nghĩ có lẽ nên lấy dấu mốc bằng văn xuôi. Đó là truyện ngắn “Hoa Biển” tôi viết về câu chuyện tình của anh bộ đội Trường Sa với một cô tiếp viên quán cà phê. Truyện được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000. Một điều thú vị là, sau này tôi có thời gian làm nhiệm vụ tại Trường Sa, viết đến 2 cuốn sách về Trường Sa, nhưng khi viết truyện ngắn ấy tôi chưa hề ra đảo.

- Tác phẩm đầu tay có ảnh hưởng gì đến việc viết văn sau này?

NV NXT: Tôi nghĩ nó như một dấu mốc. Như việc mở then cài của một cánh cửa để mở ra thế giới của những con chữ. Với tôi, tác phẩm đầu tay “Hoa Biển” còn như một cầu nối giữa tôi với Trường Sa, xác lập mối cơ duyên của tôi với đề tài biển đảo. Sau này tôi viết hai cuốn sách về Trường Sa, và cả hai cuốn đều được bạn đọc cả nước dành cho những yêu mến, nhưng ít ai biết rằng, trước đó, một truyện ngắn về Trường Sa được viết từ khi tôi chưa ra đảo đã bắc nhịp cầu để tôi đến với Trường Sa. Tác phẩm đầu tay như thể mối tình đầu vậy, dù có vụng dại, dù có bản năng, dù còn dại khờ… nhưng chính những điều đó làm cho nó đáng yêu và đáng nhớ.

Bìa tập truyện ngắn đầu tay “Hoa Biển” và nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

- Tác phẩm đầu tay của anh viết về Trường Sa, dù khi đó, anh chưa ra đảo. Anh có thể kể nguyên cớ để anh lựa chọn đề tài này cùng hành trình ra mắt công chúng của tác phẩm?

NV NXT: Khi đó tôi đang đóng quân ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau khi vào quân ngũ vài năm tôi bắt đầu tập tành viết truyện. Ngày ấy tôi làm việc ở cơ quan chính trị, đây là nơi những anh lính sau thời gian làm nhiệm vụ tại Trường Sa trở về đất liền đều phải ghé qua. Tôi đã được tiếp xúc, được trò chuyện với họ, được nghe những câu chuyện Trường Sa từ họ. Ý tưởng cho truyện ngắn cũng được nhen nhóm từ một trong những cuộc trò chuyện đó. Ngày ấy còn viết tay, viết xong tôi có nhờ anh cơ yếu của đơn vị đánh máy sạch sẽ nhưng cũng vẫn chưa đủ tự tin để gửi đi đâu. Thời gian ấy tôi cũng đang đề đạt với đơn vị nguyện vọng xin ra Trường Sa công tác. Nguyện vọng của tôi được đáp ứng. Trong khi dọn dẹp đồ đạc, sắp xếp quân tư trang để ra đảo tôi “vấp” phải xấp bản thảo truyện ngắn mới viết, không lẽ lại mang theo ra đảo?! Vậy là tôi đánh liều đóng phong bì gửi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội – tờ tạp chí mà tôi vẫn thường đọc. Sau đó tôi lên đường ra Trường Sa.

Một buổi, khi vừa đi trực ở Sở chỉ huy về, đồng chí Trạm trưởng Nguyễn Đình Tiên hỏi tôi, có phải tôi viết truyện ngắn “Hoa Biển” mà đài vừa đọc không? Đồng chí trạm trưởng có thói quen nằm võng nghe đài vào mỗi tối. Khi nghe kể lại nội dung thì tôi biết chắc chắn đó là truyện của mình, nhưng hơi thắc mắc là tại sao tôi gửi Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà lại được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam?! Chừng một tháng sau đó, có một anh lính công binh tên Toản ra xây dựng đảo, biết tôi có viết văn, anh cũng hỏi có phải tôi viết truyện ngắn ấy không, vì anh mới đọc trên Văn nghệ Quân đội và cho biết anh có mang theo cuốn tạp chí đó. Tôi vui quá nói anh về lấy cho tôi mượn, Toản về tìm nhưng cuốn tạp chí đã bị chuyền tay đi mất. Mãi đến mấy tuần sau anh mới tìm lại được nó để mang đến cho tôi, khi cuốn Văn nghệ Quân đội đến tay tôi thì nó đã từ một cuốn tạp chí mới trở nên cũ kỹ, đượm mùi mồ hôi lính đảo, mép quăn hết, một phần vì ở đảo ngày ấy sách báo hiếm, một phần vì bởi có truyện ngắn viết về chính người lính đảo Trường Sa.

Sau đó nữa thì tôi mới nhận được báo biếu đóng trong phong bì trang trọng của tòa soạn gửi. Và tôi cũng biết thêm, Đài Tiếng nói Việt Nam chọn truyện trên Văn nghệ Quân đội để đọc, vì thế mà nơi đảo xa đã được đón nghe sớm hơn tác phẩm của tôi đi… đường biển.

- Sau thành công của “Hoa Biển”, anh tiếp tục có “Biển xanh màu lá” viết về người lính đảo. Anh có thể chia sẻ về những ký ức liên quan đến tác phẩm này, đặc biệt là những kỷ niệm về những ngày ở Trường Sa.

NV NXT: Nếu như “Hoa Biển” là truyện ngắn đầu tay của tôi về Trường Sa thì “Biển xanh màu lá” lại là tiểu thuyết đầu tay của tôi cũng về những người lính đảo. Có thể nói gói gọn rằng, “Biển xanh màu lá” là phần ký ức của tôi về Trường Sa dưới dạng văn học. Những năm tháng ở Trường Sa đã cho tôi những trải nghiệm quý giá, đặc biệt, tôi đã được tiếp cận gần nhất với những người lính đảo để xây dựng nên những nhân vật trong “Biển xanh màu lá”. Ngoài văn chương, Trường Sa cũng là nơi lưu dấu những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tôi trong đời lính.

- “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” đã ra đời như thế nào? Anh muốn gửi gắm những gì với các em nhỏ?

NV NXT: Năm 2008, sau khi in “Biển xanh màu lá”, tôi đã có chuyến công tác ra Trường Sa, được mang theo những cuốn sách của mình gửi tới những người lính đảo. Chuyến đi ấy đã khơi lại trong tôi nhiều kỷ niệm và nhóm lại sự hào hứng trong sáng tạo. Sau khi trở về, một người bạn của tôi ở Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà văn Nguyễn Thúy Loan, đã đề xuất tôi viết một cuốn sách về Trường Sa cho các cháu. Đó cũng thấy muốn viết tiếp một cái gì đó về Trường Sa và cũng hứng thú với đối tượng độc giả mới là các em nhỏ. Vậy là “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” đã ra đời. Tôi muốn nói với các em rằng, Trường Sa với tất cả những điều kỳ thú về thiên nhiên biển trời, một vùng biển đảo như cổ tích rất xa nhưng cũng rất gần, nơi ấy có tiếng em nhỏ bi bô học bài, có những chú bộ đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tôi muốn các em nhỏ khi chưa có dịp ra Trường Sa sẽ có một hình dung về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Anh không chỉ là nhà văn, mà còn là một nhà báo. Anh có thể chia sẻ về các đề tài mà anh thường lựa chọn?

NV NXT:  Tôi viết văn trước viết báo nhưng sau này lại được học báo chí và gắn bó với nghề báo song hành với nghiệp văn. Tôi làm đủ thể loại. Trước đây, khi còn làm ở Báo Phòng không – Không quân, một thời gian tôi say mê mảng tư liệu chiến tranh, các nhân chứng lịch sử gắn với các sự kiện, thời ấy tôi thường cộng tác thân thiết với Chuyên đề “An ninh thế giới”. Sau đó một thời gian tôi chuyển sang mảng chân dung nhân vật ở các lĩnh vực, làm thường xuyên cho Tạp chí Tiếp thị & Gia đình. Sau đó, khi dấn sâu hơn vào văn chương, tôi chuyển sang làm phỏng vấn chân dung các nhà văn, cộng tác với trang Evan của VnExpress một  thời gian với bút danh Dương Tử Thành. An ninh Thủ đô cũng là tờ báo thân thiết với tôi ở mảng văn học và “Chân dung – Giai thoại”. Từ khi chuyển về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, do yêu cầu công việc, vả lại cơ quan cũng có một tờ báo điện tử nên tôi ít cộng tác với bên ngoài hơn. Tuy vậy, tôi rất yêu và trân trọng nghề báo, nó đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý đối với một người viết văn

- Tình yêu biển đảo trong anh là không thể phủ nhận. Bằng chứng không chỉ là tác phẩm đầu tay, mà anh còn tình nguyện ra đảo làm nhiệm vụ ở đó 2 năm. Và anh đã rất thành công ở đề tài này. Tới đây, anh liệu còn gắn bó với đề tài người lính đảo?

NV NXT: Vào lúc này tôi đang có mong muốn trở lại Trường Sa. Với một người viết thì không gì quý hơn bằng những chuyến đi, Trường Sa là nơi mỗi người dân Việt Nam đều khao khát được một lần đặt chân đến, tôi đã ở đây và tôi muốn được trở về. Tôi hi vọng và tin sự trở về ấy sẽ nạp thêm cho mình những năng lượng sáng tạo để có thêm những trang viết mới về vùng biển đảo quê hương, về những người đồng đội của tôi nơi trùng khơi sóng

Thanh Hằng
.
.
.