Chọn lễ hội để mang ra thế giới

Chủ Nhật, 19/04/2009, 11:57
Việt Nam là đất nước có nhiều lễ hội và biểu tượng văn hóa. Nhưng lại thiếu những lễ hội mang tầm quốc gia, và chưa xác định được những lễ hội đặc sắc để quảng bá với thế giới.

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội năm 2009, diễn ra trong 3 ngày, từ sáng ngày 10 đến hết chiều 12/4. Theo dự tính của ban tổ chức, có khoảng 200 nghìn lượt người tham gia, nhưng trên thực tế lượt người tham gia lễ hội còn lớn hơn nhiều. Số lượng người đi xem hội đông chứng tỏ sự kiện này đã thực hiện tốt sứ mệnh chuyên chở văn hóa của nó.

Hoạt động này gợi cho ta một suy ngẫm về cơn khát văn hóa, khát những hoạt động hội hè mới mẻ, mang hàm lượng văn hóa cao của người Hà Nội. Đồng thời cho ta một bài học về chọn hình ảnh và hoạt động để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.

Cơn khát văn hoá của người Việt

Ở Hà Nội, lễ hội tổ chức trong 3 ngày, tấp nập từ ngày đầu tiên, và càng về cuối càng đông đúc. Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy trước cửa sân vận động Quần Ngựa, đường Văn Cao quá tải và nghẽn liên tục. Người đi xem hội hoa phải gửi xe cách cổng rất xa, đồng thời chịu mức giá chặt chém 20.000đ/xe… Gửi xe khổ, chen chúc không làm người ta giảm đi sự háo hức với lễ hội này.

Tôi đã tận mắt được chứng kiến nhiều bạn trẻ trèo qua hàng rào để vào trong. Cả một biển người hỗn độn! 500 Công an viên, bảo vệ sân vận động, các tình nguyện viên đã cố gắng hết mình mới giữ trật tự tương đối ở trong sân. Anh Chiến, một nhân viên bảo vệ cổng sau cho biết: "Tôi đã từng tham gia giữ trật tự ở nhiều sự kiện, kể cả những trận bóng đá quan trọng, nhưng chưa bao giờ vất vả như thế này. Vả lại một trận bóng đá chỉ diễn ra trong khoảng 90 phút. Còn sự kiện này kéo dài 3 ngày, thì sự háo hức của mọi người thật đáng kinh ngạc!". Quả thật trong lễ hội này, người ta hướng đến nó "cuồng nhiệt hơn cả bóng đá”.

Nhìn lại lễ hội hoa anh đào, với sự háo hức cuồng nhiệt của những người tham gia, chúng ta không thể không băn khoăn: Một lễ hội với ít cây anh đào (với những cành rời rạc ghép lại) và những bông hoa lụa nhiều hơn hoa thật, sự nắng nóng của thời tiết những ngày vừa qua, tại sao lại có ma lực hấp dẫn nhiều như vậy?

Sự nhiệt tình của người dân, cho ta thấy một sự thực là nhân dân không hề thờ ơ với những hoạt động văn hoá cộng đồng bổ ích.  Và phải chăng Thủ đô Hà Nội của chúng ta vẫn còn nhiều thiếu thốn những hoạt động văn hoá đáp ứng nhu cầu văn hoá của người dân? Và còn một lý lẽ để ta trầm trồ, đó là sự thông minh trong tiếp thị văn hóa của cường quốc Nhật Bản.

Sự khôn ngoan của người Nhật

Hoa anh đào, cờ cá chép, tà áo Kimono, núi Phú Sĩ từ lâu đã trở thành những biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. Các biểu tượng ấy tự có sức hút lâu bền ở Nhật và nhiều nước khác trên thế giới. Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc thì biểu tượng văn hóa của Nhật Bản có được là do con đường chọn lọc tự nhiên, tức là bản thân nó chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, sự "mạnh mẽ, đẹp đẽ, chân phương" và được người dân Nhật lựa chọn. Con đường để những biểu tượng này đi ra thế giới là hoạt động đối ngoại.

Ở Nhật Bản, lễ hội hoa anh đào là một quốc lễ, nó có thể so sánh như ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Đối với khí hậu Nhật Bản thì mùa tháng 4 hoa anh đào nở đẹp nhất, cũng là mùa thi vị nhất để cảm nhận thứ hoa này. Việt Nam chỉ là một trong nhiều địa điểm mà người Nhật chọn để tổ chức sự kiện văn hóa để giới thiệu về đất nước và con người Nhật Bản.

Người Nhật tổ chức một lễ hội bài bản và tiếng tăm, đúng lúc mà người Việt Nam thiếu những lễ hội mang tính văn hóa cao. Từ lễ hội hoa anh đào nhiều nét văn hóa khác của người Nhật được quảng bá như: múa Yosakoi, các trò chơi truyền thống Nhật Bản (vớt cá, đi cà kheo), nghệ thuật gấp giấy Origami, các món ăn Nhật Bản tại các gian hàng (mì soba, bánh bạch tuộc takoyaki, cơm nắm onigiri, các loại sushi, há cảo Nhật), trình diễn thời trang Kimono, thi giọng hát hay sakura, trình chiếu phim hoạt hình và phim điện ảnh của Nhật…

Việt Nam cần chọn lễ hội mang ra thế giới

Thế giới phát triển, Việt Nam cũng hội nhập, cái cảnh người cùng làng, cùng nước sống với nhau đã qua. Hoạt động quảng bá văn hóa như một bệ phóng để các nước vươn ra và khẳng định trên thế giới. Việt Nam cần gây dựng hình ảnh của mình qua văn hóa và có thể coi như cách làm của Nhật Bản là một kinh nghiệm.

Phân trần những điều này với Nhà văn hóa Hữu Ngọc, một người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam và là cầu nối văn hóa của Việt Nam với thế giới. Ông cho hay: "Việt Nam có ngày Tết Nguyên đán, nó giống như ngày hội hoa anh đào ở Nhật. Một lễ hội dân gian thu hút nhiều người. Thế nhưng khi dùng hội này để mang đi quốc tế quảng bá, thì có nhiều người sẽ thắc mắc, Tết là của chung những dân tộc theo âm lịch?".

Việt Nam là đất nước có nhiều lễ hội và biểu tượng văn hóa. Nhưng lại thiếu những lễ hội mang tầm quốc gia, và chưa xác định được những lễ hội đặc sắc để quảng bá với thế giới. Nhà văn hóa Hữu Ngọc "cây trầm già của làng văn hóa Việt Nam", trầm tĩnh góp ý: Theo dõi đất nước Thụy Điển, tôi thấy vào tháng chạp họ có một lễ hội dân gian chỉ 10 năm tuổi, thế nhưng nay nổi tiếng và được cả đất nước theo. Nhìn về Việt Nam thấy có nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo như: Múa rối nước, áo dài, phở có thể phát triển thành lễ hội của quốc gia và để quảng bá đến thế giới.

Bằng kinh nghiệm, Hữu Ngọc kể: "Lúc tôi đi Pháp, có thấy Việt Nam tổ chức một buổi biểu diễn múa rối nước. Tôi đứng ở góc tối, còn những khán giả Pháp thì vây quanh, tôi thấy họ trầm trồ, thán phục. Người Pháp đã thấy ở múa rồi nước sự mới mẻ và độc đáo riêng có ở Việt Nam".  Gây chú ý cho người nước ngoài với những biểu tượng văn hóa, sẽ là bệ phóng với các hoạt động kinh tế, đối ngoại, tầm vóc Việt sẽ khác trong mắt bạn bè quốc tế.

Hi vọng một ngày nào đó, ta sẽ được nghe tên những chương trình nghệ thuật "Tuần lễ Phở Việt", "Tuần lễ Múa rối nước Việt Nam", "Tuần lễ áo dài"… xướng diễn ở các nước trên thế giới và ở ngay tại Việt Nam. Việc tổ chức quy mô và chuyên nghiệp và chú ý đến những giá trị văn hóa hy vọng sẽ làm thỏa cơn khát của người Việt nói chung và quan trọng hơn khi tổ chức ở các nước khác sẽ tạo nên dấu ấn mạnh mẽ về Việt Nam trong lòng quốc tế

Quỳnh Phan
.
.
.