Chọi trâu, thả diều, đấu quan tham...

Thứ Năm, 06/03/2008, 16:30
Người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là Đại tá an ninh đã nghỉ hưu Đinh Đình Phú, thường gọi là ông Phú Ngà. Chuyện quá trình ông Phú đi đầu lôi cả dây cán bộ tham nhũng ở Đồ Sơn ra ánh sáng thì mọi người đã biết. Câu chuyện ông viết sách lịch sử Đồ Sơn, chơi thả diều, chọi trâu… càng thể hiện cái chất nhân văn, cái hồn văn hóa dường như hòa quyện trong cái bản lĩnh, dũng khí, làm nên cốt cách của một người Đồ Sơn chân chính.

Bãi biển Đồ Sơn mấy năm qua vẫn là những con sóng vui đùa cùng du khách, nhưng phía sau dãy núi Rồng đã nổi lên sóng gió quyết liệt của cuộc đấu chống tham nhũng về đất đai làm chấn động dư luận cả nước. Người đi đầu trong cuộc đấu tranh là Đại tá an ninh đã nghỉ hưu Đinh Đình Phú, dân đây quen gọi là ông Phú Ngà.

Ông Phú Ngà gốc gác Đồ Sơn, 15 tuổi đã vào quân đội, rồi công an, một thời gian dài trong chiến trường miền Nam, phải đến khi về hưu mới bắt đầu nhập vào cuộc chơi chọi trâu, thả diều, một thú chơi đầy cuốn hút của người dân địa phương.

Đồ Sơn vừa chuyển thành một quận của thành phố Hải Phòng, dân số ba vạn người. Đi nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn chẳng mấy ai hay chủ nhân của những nhà hàng, khách sạn, những biệt thự, lâu đài sang trọng nằm giữa những khuôn viên rộng rãi chẳng có mấy là người Đồ Sơn chính gốc. Họ chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, nuôi tôm, cấy lúa, trồng rau, buôn bán ở chợ và phố xá bên trong.

Đi quá vào khu dân cư thấy nhiều xóm phố cũng chen chúc, chật chội đến không thể ngờ. Đất ở chật chội, thêm vào việc giải tỏa, làm đường xá, nên phải quy hoạch khu đất giãn dân. Đây cũng là cơ hội để một số kẻ nắm giữ chức quyền lợi dụng chia chác tham nhũng.

Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng 9 tháng 8 chọi trâu thì về

Thời kỳ trước năm 1945, người tổng Đồ Sơn, gồm dân ở tám vạn chài, không trừ một ai đều được chia thịt trâu trong lễ hội chọi trâu mồng 9 tháng 8. Theo phong tục thì tất cả trâu chọi dù thắng, dù thua đều được "hóa kiếp" để tế thần, rồi chia thịt cho mọi nhà hưởng lộc. Số người các giáp quy theo bàn, mỗi bàn mười suất (mười người), trưởng bàn nhận thịt của giáp về chia.

Làng Ngọc Xuyên, giáp Nam có 12 bàn, cộng 5 suất. Giáp Bắc 13 bàn, cộng 7 suất. Riêng họ Đinh Xuân ở làng Ngọc Hải đông hơn dân làng Ngọc Xuyên 7 suất, bằng 26 bàn cộng 9 suất… Đó là tư liệu về dân số xưa tôi rút ra từ ông Phú Ngà viết về lịch sử Đồ Sơn.

Có từng được sống trong niềm hân hoan náo nức của cả cộng đồng trong cuộc mổ trâu chia thịt thì mới viết được những dòng cảm khoái như thế này: "Thắp hương gia tiên xong, thương thánh, hạ tán, chỉ một buổi chiều ngày mồng mười cả tổng Đồ Sơn ăn hết 14 con trâu! Chuẩn bị gần một năm cho hội đấu ngưu để có trâu kỵ nhật Thượng đẳng thẩn Điểm Tước thần Vương. Cả hàng tổng được thụ lộc, có một bữa ăn tràn trề hạnh phúc, có một không hai trong thiên hạ!...".

Xin được kể thêm là vào ngày này bà con từ xa đến Đồ Sơn dự hội đều được các nhà mời về cùng thụ lộc. Hồi ấy trâu chọi do các phe giáp của các làng bổ bán cắt lượt cử người đi mua và giao cho một nhà chăm sóc. Nhà nào được chọn nuôi trâu chọi là vinh hạnh lắm. Sau này làm ăn tập thể cũng đôi ba lần mở hội, nhưng trâu chọn trong đàn trâu cày của hợp tác xã.

Năm 1993, lần đầu tiên trong lịch sử lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có hai người mua trâu tham gia với tư cách cá nhân, là ông Đinh Đình Phú và ông Lê Bá Tuyền. Tốn kém và công phu lắm.

Năm nào ông Phú cũng tích cóp dăm bảy triệu vào tận Thanh Hóa, Nghệ An, lên mạn ngược Hà Giang, Tuyên Quang tìm mua trâu, mang về chăm bẵm mong mỏi để đưa vào cuộc thi đấu. Bảy năm liền đều thất bại, đến năm Kỷ Mão (1999) thì ông Phú có trâu giành giải vô địch.

Con trâu này ông tìm mua ở Bắc Cạn, cả chi phí đưa về hết mười triệu đồng. Vào lễ hội nó đấu dữ dội thắng cả bốn kháp. Cả bốn con trâu bị nó loại khi giết mổ, con nào cũng bị vỡ sọ. Ông Phú mổ trâu tế thành hoàng theo đúng phong tục và khao cả làng Ngọc Xuyên. Nhà nhiều người thì một cân rưỡi thịt trâu, nhà ít người nửa cân, không thiếu một nhà nào!

Khỏi phải nói niềm vui tột đỉnh của người có trâu chiến thắng trong sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng vạn người, chỉ với việc mổ trâu chia khao cả làng thì cũng hạnh phúc sung sướng đến mức nào!

Cứ tưởng tượng một người đã từng vào sinh ra tử, nay được gắn kết với cộng đồng, nâng niu tình làng nghĩa xóm đã phải dằn vặt đau đớn như thế nào khi lầm lụi đi điều tra, ngồi viết đơn tố cáo, mấy năm trời đi lại chờ trực xin gặp hết các cơ quan pháp luật, cơ quan báo chí đến các vị lãnh đạo ở thành phố, ở Trung ương để làm rõ sự thật, để đưa những người là đồng chí, đồng hương, tuổi đời thuộc lớp đàn em con cháu ra trước vành móng ngựa. Họ đã bất chấp cả luật pháp câu kết với nhau chiếm đất của dân làm giàu bất chính.

Với tư cách là người đi trước, hơn tuổi, ông đã không ít lần gặp gỡ, phản ánh, khuyên nhủ. Không những họ cố tình bưng bít mà còn ngạo mạn không thèm tiếp, rồi dùng bộ máy tổ chức công khai vu cáo, trả đũa ông và những cán bộ đảng viên liêm chính.

Vất vả mấy năm trời mới đến được phiên tòa sơ thẩm. Nhưng không ngờ tòa án, viện kiểm soát địa phương bị sức ép từ một thế lực lãnh đạo thành phố đã bẻ cong công lý, dội gáo nước lạnh vào nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng bằng tuyên phạt mức án như trò đùa: Cảnh cáo với những người cầm đầu là Bí thư, Chủ tịch thị xã, miễn tố cho kẻ tiếp tay đồng phạm là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Ông Phú và bà con phản ứng quyết liệt, tiếng nói của báo chí và dư luận cồn lên như sóng biển. Rồi Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, Tòa án Nhân dân tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm, tiến hành xử phúc thẩm. Bản án công minh, đúng người đúng tội. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở Đồ Sơn đã được thay mới, kiện toàn.

Với ông Phú Ngà đương nhiên là rất toại nguyện trước niềm hân hoan vỡ òa của hàng nghìn người đứng chật trong sân và bên ngoài Tòa án thành phố hôm đó, có thể nói sự phấn khích bùng nổ như trong lễ hội chọi trâu, nhưng niềm vui của người lính già cũng sớm thay vào niềm ưu tư, trắc ẩn.

Khác với đánh kẻ địch trong chiến tranh, nó dứt khoát đi một nhẽ, đằng này phải đối mặt với cái ác, cái xấu, cái hư hỏng ngay trong đồng chí, bà con mình, cái sự ân, oán, đúng sai, ôi chao bao nhiêu là ràng buộc, luôn bị chi phối bởi cái tình… Để vượt qua được sự chi phối đó cũng phải gan góc bản lĩnh lắm.

Nhà ông Đinh Đình Phú ở chân núi Rồng. Trên đỉnh núi có tháp Tường Long, một ngôi tháp lớn do vua Lý Thánh Tôn cho xây dựng vào năm 1058 với tầm nhìn bao quát trấn giữ vùng lãnh hải phía đông của Tổ quốc. Phía trước nhà là đình Ngọc Xuyên thờ thành hoàng Điểm Tước Thần Vương.

Hàng năm khi dân làng tìm được trâu chọi, dẫn về đều làm lễ trình báo và khi kết thúc lễ hội thì đều mổ trâu tế thần. Xưa kia là cả con trâu đã mổ thui rơm nằm phủ phục trên giá, bây giờ là cái đầu, cái đuôi, đĩa tiết và cả lá cờ đỏ chiến thắng của giải vô địch. Khoảng bãi rộng trước cổng nhà ông Phú, nước từ khe núi chảy tràn ra lênh láng.

Giữa vùng biển mặn suối Rồng là nguồn nước ngọt quanh năm không vơi cạn. Nhờ nó mà từ nhiều đời trước, người các vạn chài đã đến đây tụ cư, lập làng. Từ dưới cổng bước theo những bậc đá, lên đến sân dừng lại một chút là đã thấy ngay một con diều lớn treo ở ngoài hiên nhà, và ở phía sau, bên cửa sổ là cái đầu trâu đã sấy khô với cái trán phẳng, đôi mắt to tròn và cặp sừng vòng thúng rất khỏe khoắn, đĩnh đạc.

Ông Phú rót nước chè xanh ủ nóng mời khách rồi lôi ra từ cái thùng cáctông dưới gần kệ tặng tôi hai cuốn sách về lịch sử Đồ Sơn và Lễ hội chọi trâu. Thật ngạc nhiên, sách do chính ông bỏ công sưu tầm biên soạn và lo xuất bản.

Cũng đã từng cả thời thiếu niên trên lưng trâu và từng khản tiếng hò reo thúc giục mỗi khi trâu chọi nhau trên đồng làng, nên khi ra về tôi mở đọc ngay cuốn sách và bị cuốn hút không dứt. Cuốn hút bởi lễ hội chọi trâu là phong tục mang ý nghĩa tâm linh đã có từ hàng ngàn năm.

Rồi sự công phu, say mê, không tiếc công của đi tìm trâu khỏe và đẹp để chơi chọi, rồi sự mưu lược đấu pháp, may rủi, được, thua, vui, buồn diễn ra ở lễ hội chọi trâu mồng 9 tháng 8 đầy kịch tính, hết sức thú vị.

Xưa kia người Đồ Sơn không gọi là chọi trâu mà là đấu ngưu, xem ra ý nghĩa bao hàm đầy đủ hơn. Nó thể hiện tinh thần thượng võ của người Đồ Sơn. Cuộc đấu ngưu diễn ra luôn gay cấn, nhiều tình huống bất ngờ, hết sức dũng mãnh, nhưng cũng rất đàng hoàng, quân tử. Vì đó bao giờ cũng là cuộc đấu đầu trực diện, không có trò húc ở sau lưng hay móc ngang cạnh sườn. Cuộc đấu quyết liệt sống còn cho đến khi phân chia thắng bại.

Tuy con trâu không nói được nhưng nó cũng biết hết, có tình cảm như người. Ông Phú bảo vậy. Đây là đoạn kể về lễ hội đấu ngưu năm 1994, con trâu của ông mang số 16 đấu với con trâu to khỏe hơn của ông Vệ Ghẻ, là một người rất dày dạn trong nghề chơi trâu chọi...

"Trâu 16 có miếng đánh ngang sừng rất khôn ngoan, đánh đến kiệt sức dưới trời mưa, da trâu bốc hơi thành khói, nó phải bỏ chạy sau hai mươi phút giao đấu. Khi bắt trâu dừng, tôi sờ vào mình trâu nóng như tấm bánh đa nướng trên bếp phải giật tay ra. Trâu ngước nhìn chủ rỏ hai hàng nước mắt, có ý như muốn nói mình đã đem toàn lực ra thi đấu để hạ gục đối phương, nhưng sức đã cùng, lực đã kiệt phải chịu thua cuộc, không được như ý chủ...

Tôi vỗ về thương cảm không hề chê trách, khen ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường, thế là được, không phải ân hận gì. Con trâu hình như cũng biết rõ tấm lòng của chủ, lại ngước mắt lên nhìn chủ rồi chậm rãi theo chân người dắt về...".

Không có thành công nào mà không phải trả giá. Đã chấp nhận cuộc chơi thì phải chịu vất vả tốn kém đã đành, còn phải biết bỏ qua cả sự đố kỵ ghen ghét của những anh xấu chơi.

Đến lễ hội năm 1998, từ đầu năm ông Phú đã cất công lên tận huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang mua trâu cùng chi phí hết 9 triệu đồng, về thuê người chăn dắt bốn trăm nghìn một tháng. Xem trâu, nhiều người bình phẩm sẽ vô địch. Thế rồi đột nhiên trâu lăn ra chết do bị điện giật. Ông Phú đau xót nhưng còn chút an ủi là người chăn trâu vẫn an toàn.

Với con mắt của nghề an ninh, ông biết rõ kẻ đã hại mình, nhưng thôi để họ tự nghĩ. Được người giúp, một tuần sau ông Phú lại tìm tậu được con trâu khác, có tướng đẹp chẳng khác gì con trâu trước. Qua trận đấu vòng loại mồng 8 tháng 6 nó thắng áp đảo và lọt vào vòng chung kết lễ hội.

Vậy mà chỉ còn cách ngày thi đấu một tháng thì bỗng phát hiện một hòn dái con trâu bị sưng to đã nhiễm trùng mưng mủ, đôi mắt trâu xanh lè. Nắn bóp nặn mủ ra thì thấy một cái kim trong dái trâu vọt ra theo. Ông nuốt giận chăm sóc trâu bị thương theo cách mà người dân tộc mách bảo. Nhưng khi vào hội, cờ dong trống mở dắt trâu vào thi đấu, vừa rút dây mũi, trông thấy đối thủ xông tới, trâu của ông bỏ chạy ngay. Thì ra các cụ từ xưa đã truyền lại: Trâu chọi mà bị châm dái thì chỉ có chạy gió mà thôi.

Công phu theo đuổi liền bảy năm, đến hội năm 1999 thì ông Phú có trâu vô địch. Đấy là lễ hội chọi trâu đầu tiên Đài Truyền hình Hải Phòng truyền hình trực tiếp. Tiếp đến, ông lại có trâu vô địch lễ hội 2002. Giải nhất được thưởng 15 triệu đồng của nhà tài trợ lễ hội. Nhưng với ông Phú không gì sánh bằng niềm vui chiến thắng, niềm vinh dự của người có trâu vô địch ghi vào lịch sử lễ hội đấu ngưu ở Đồ Sơn...

Trong câu chuyện bên ấm nước chè xanh, ông Phú đọc cho chúng tôi những câu thơ hào sảng về lễ hội chọi trâu, cả những câu vè, câu truyền ngôn châm chọc của thiên hạ nhằm vào người có trâu thất bại. Ông cười: "Cuộc chơi ấy mà...”.

Khác với chọi trâu, chơi thả diều thì lại thong dong, bay bổng, bộc lộ tâm hồn thi sĩ trong ông. Đây là bốn câu thơ ông Phú Ngà đề trên cánh diều đại mà ông thả lên trời:

Vui thú với trời rỡn với mây
Trưa hè gió lộng cánh diều bay
Thả hồn thi hứng lòng thanh thản
Vang vọng tình quê khúc nhạc này.

Tôi cũng là tay ham chơi diều, nhưng chỉ là diều nhỏ thả ở đồng làng, gió đồng, sáo nhỏ, nên hơi bị "khiếp" trước con diều giang ra suốt hai gian hè nhà, chiều dài ba mét hai! Diều được may bằng lụa trắng, nền sơn màu xanh thẫm, vẽ lưỡng long chầu nguyệt. Rồng vàng ẩn hiện trong mây bông. Khoang giữa đề thơ. Đuôi diều là hai lá cờ hội vẽ bay về hai phía, loại cờ vẫn phất lên ở lễ hội chọi trâu.

Ông Phú tự bình luận: Đó là thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trên cánh diều... Đặc biệt hơn cả là bộ sáo gồm 5 chiếc, sáo đại, sáo trung, sáo tiểu, sáo con, năm cung bậc (ngũ âm) làm nền cho nhau, hòa vào nhau, khi gần khi xa, lúc thì véo von trong trẻo, lúc thì dìu dặt ngân nga tùy theo cường độ của gió biển mỗi lúc, có khi chỉ là một chuỗi vi vu bất tận trên không trung.

Ông Đinh Đình Phú với cây diều sáo tại hiên nhà.

Năm ông Phú về nghỉ hưu thì ở Đồ Sơn ông Đỗ Lộc đã lập hội chơi diều. Hội diều Đồ Sơn có năm đem diều vào Huế dự thi. Ông Phú lặng lẽ làm diều, vào tìm người ở tận xã Cộng Hiền huyện Vĩnh Bảo đặt làm sáo. Ý định sẽ thả vào lễ hội chọi trâu, nhưng dịp này hay gặp mưa to. Mùa chơi thả diều vào cuối xuân đầu hè, mùa gió đông nam thổi một hướng hiền hòa.

Con diều lớn, ông cùng anh Chu, là người cháu có sức khỏe và cũng máu mê chơi diều, hai người khênh diều lên đỉnh núi Chòi Mòng hoặc núi Đồn Cao, ở đấy có bãi cỏ quang rộng. Dây diều làm bằng sợi nilon được cuộn vào cái tời hàn bằng ống thép. Ban đầu cuộn dây diều dài 350 m, rồi tới 500 m, ấy vậy mà nhiều khi thuận gió diều lên cao lẩn vào mây, còn muốn đòi phải nối thêm dây. Khi trời mưa mà hạ diều xuống thì là cả một cuộc níu kéo cật lực.

Anh cháu quay tời, ông Phú kéo dây, hai bàn tay phải đeo găng không dây xiết đến lột da tóe máu. Hôm thời tiết tốt thì cánh diều cứ lưng trời lơ lửng vi vu cả ngày cả đêm, hòa vào tiếng sáo của các con diều bạn ngân nga vang vọng khắp vùng.

Ông Phú kể:

- Diều của tôi cứ gió cấp ba cấp bốn là lên cao, nó đứng cân mà tiếng sáo nghe cũng thú nhất. Tất cả dàn sáo năm ống đều lên tiếng, hòa thanh. Diều lên rồi, ngồi dưới bóng thông hóng gió biển nghe tiếng sáo thấy người nó lâng lâng, nhẹ nhõm, quên hết mọi sự đời…

Thế đấy, sau hơn bốn mươi năm chiến đấu, công tác, về nghỉ hưu những tưởng chỉ có việc chăm sóc bố mẹ già để các cụ thêm trường thọ, bầu bạn với thơ, với thú chơi chọi trâu, thả diều… Vậy mà vẫn ăn không ngon, ngủ không yên trước tình trạng tham nhũng, biến chất quá thể của một số cán bộ địa phương, lại buộc phải dấn thân vào cuộc chiến đấu mới…

Chuyện quá trình ông Phú đi đầu lôi cả dây cán bộ tham nhũng ở Đồ Sơn ra ánh sáng thì mọi người đã biết. Câu chuyện ông viết sách lịch sử Đồ Sơn, chơi thả diều, chọi trâu… cho tôi hiểu thêm cái chất nhân văn, cái hồn văn hóa dường như nó hòa quyện trong cái bản lĩnh, dũng khí, làm nên cốt cách của một người Đồ Sơn chân chính.

Tôi gợi ý ông Phú bây giờ tĩnh tâm nên ngồi viết sách kể lại câu chuyện xung quanh cuộc đấu lũ quan tham "ăn đất" vừa qua. Ông cứ người thật, việc thật mà viết chắc chắn sẽ rất hấp dẫn và sẽ rất bổ ích cho nhiều người khác.

Ông Phú cười, ngần ngừ rồi bảo, ông còn đợi cho ngã ngũ cuộc đấu cũng về tệ tham nhũng đất đai ở Quán Nam, huyện An Hải giáp với Đồ Sơn. Cuộc này còn phức tạp gay go hơn, vì mức độ tham nhũng lớn hơn, kéo theo nhiều quan chức tha hóa ở Hải Phòng...

Nguyễn Phúc Lai - VNCA 75
.
.
.