Chợ phiên đồ xưa của người Hà Nội

Thứ Năm, 05/09/2013, 13:52
Trong khoảng không gian nhỏ nằm sâu dưới con dốc Hoàng Hoa Thám đầy rêu phong, một chợ phiên đông nghịt người đang tụ họp trao đổi, giao lưu các món đồ xưa cũ, thậm chí có những món đồ chẳng thể sử dụng được nữa. Nhộn nhịp, rôm rả bàn tán, rồi ngắm nghía, đưa lên kính lúp nhìn cho rõ, cười phớ lớ sảng khoái vì tậu được món đồ ưng ý. Đó chính là nét đặc trưng của một chợ phiên bán “hồn muôn năm cũ” của người Hà Nội mang tên “chợ phiên đồ xưa”!

Một vé đi tuổi thơ

Dưới hàng cây xum xuê lá, hơn 20 sạp hàng cũ mèm được bày ngay ngắn, gọn gàng. Trời Hà Nội vào mùa mưa bão, những cơn mưa bất chợt đến rồi đi, đang nhanh nhảu lau những giọt nước mưa còn đọng lại trên những đồ cổ xưa của mình, anh Quang nhẹ nhàng nói: “Đó là tuổi thơ của tôi đấy”. Sạp hàng của anh Nguyễn Minh Quang (phố Khương Trung, Hà Nội) chẳng có đồ gì nhiều, chỉ đơn sơ là mấy chiếc thìa nhôm, can nhôm, ấm nhôm, nồi quân dụng… rồi đất nung, gốm sứ. Làm các đồ vật bằng nhôm là nghề gia truyền của gia đình, nay ngồi lại đây, điều mà anh nghĩ đến nhiều nhất đó là tuổi thơ.

Tuổi thơ anh lớn lên nhờ những chiếc thìa, chiếc bát nhôm nhỏ xíu này, cuộc sống khốn khó nhớ những ngày chạy ra đầu làng ngóng tin bố nơi chiến trường. Giờ đây, nghề đã thất truyền, anh cũng đi làm công ty, cuộc sống hối hả khiến anh đôi khi trong cảnh thương nhớ “những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ”. Sáng thứ 7 nào anh Quang cũng lục đục dậy từ 5h sáng, trời còn nhá nhem anh đã mò mẫm gói đồ vào các tờ báo cẩn thận rồi cho vào ba lô chở lên chợ. Cả tuần đi làm mệt nhọc, nhưng đối với anh đi bán hàng là khoảng thời gian hiếm hoi anh được trở về với tuổi thơ, đắm chìm trong những kỷ niệm ngày thơ ấu.

Giữa lòng Thủ đô, cứ vào thứ 7 cuối tuần, người Hà Nội nô nức đi chợ phiên để tìm lại ngày xưa, cái ngày mà họ đã đi qua đầy máu lửa. Chợ phiên đồ xưa bắt đầu họp từ ngày 8/6, chợ chuyên bán các đồ dùng cũ, đồ cổ, đồ xưa. Các đồ vật cũ tưởng đã trôi vào dĩ vãng như các bình bi đông đựng nước, đồng hồ, kính mắt, ảnh cũ, gốm sứ từ các đời Trần trở lại đây, đèn dầu Hoa Kỳ, máy ảnh, ảnh cũ, các tờ tiền nhiều mệnh giá… bỗng số phận chúng lại được tái sinh tại phiên chợ này. Điều đặc biệt, các món đồ được đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm lâu năm, người bán không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lời lãi bao nhiêu, mà chủ yếu với mục đích mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân biệt đồ thật - giả, cũ - mới...

8h sáng chợ đã đông nghịt người bán, người mua, người tham quan. Các sạp hàng chỉ được kê qua quýt bằng những chiếc bàn nhỏ ghép lại. Trong không gian chừng 500m2, phiên chợ đồ xưa nhộn nhịp không khác gì một phiên chợ quê ngày nào. Xung quanh chợ, các đám đông xúm xít lại với nhau bàn tán, bình phẩm, ngắm nghía, xuýt xoa một món đồ cổ mới được phát hiện.

Cất giọng cười sảng khoái vì tậu được món đồ yêu thích với giá rẻ chỉ vài trăm ngàn đồng, ông Sơn (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) cười như được mùa: “Chiếc đồng hồ Thượng Hải này tôi đã tìm kiếm từ lâu rồi, hôm nay lại mua được thật vui quá”. Được biết, ông Sơn là người gốc Hà Nội, trước đây đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh. Trong những năm tháng bom đạn, chiếc đồng hồ là vật bất ly thân với ông, nay mua được giống như tìm lại được ký ức, được sống lại thời tuổi trẻ anh dũng hành quân đi biên cương bảo vệ đất nước. Chiếc đồng hồ vẫn chạy tốt, có tuổi đời khoảng gần 50 năm, màu đỏ trông rất đẹp, được ông Sơn mua với giá 300.000 đồng.

Một góc của chợ phiên đồ xưa giữa lòng Hà Nội và những bức ảnh cũ về Hà Nội, tiền mệnh giá cũ được khá nhiều người mua làm kỷ niệm.

Dắt cả cháu đi ra chợ, ông Thu (70 tuổi, Đội Cấn, Ba Đình) tuần nào cũng ghé chợ phiên như thể đó là một thói quen từ rất lâu rồi. Cứ vào cuối tuần, hai ông cháu lại cọc cạch đạp xe đến chợ rồi đi các sạp hàng tham quan, giảng giải, giới thiệu cho cậu cháu trai mới 5 tuổi về các món đồ được bày bán trong chợ. Đi từng sạp hàng, ngắm đã mắt rồi, ông Thu chọn cho mình một chiếc đèn dầu cũ mèm, chiếc bóng đèn ở trên nhọ nhem, cũ kỹ.  Đây là thứ đồ vật mà ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời. Ông từ tốn giảng cho người cháu: “Ngày xưa mọi người đều phải dùng đèn dầu để thắp sáng và giữ lửa chứ không có điện như bây giờ đâu cháu ạ”, người cháu gật gật rồi hỏi lại ông mình: “Thế bây giờ có điện rồi ông còn mua đền dầu làm gì hả ông?”. Với ông đó là kỷ niệm, gợi nhớ những năm tháng tuổi trẻ đói kém, vất vả. Trở lại phiên chợ đồ xưa, điều mà ông Thu tâm niệm nhất đó là giúp đứa cháu trai duy nhất hiểu về văn hóa của tổ tiên, hiểu về thế hệ đi trước đã đổ máu, bất diệt như thế nào để đất nước được hòa bình.

Có một Hà Nội thật khác

Anh Kiều Quốc Khánh (chủ nhiệm CLB Thư pháp Hà Nội), “chủ chợ” của chợ phiên đồ xưa cho biết, chợ được tổ chức giống như một cuộc “offline” về văn hóa của những người ham mê đồ cổ, đồng thời xây dựng lên một bức tranh về Hà Nội trải dài qua năm tháng từ những thời đại phong kiến vàng son đến những lúc khốn khó, đói khổ trong chiến tranh, xây dựng đất nước. “Tất cả ngóc ngách của Hà Nội đều có ở đây, một Hà Nội rất khác với cái thế giới ngoài kia”, anh Khánh chia sẻ. Anh Khánh cho rằng, việc lập một phiên chợ đồ xưa đúng nghĩa là cực kỳ cấp thiết bởi việc mua bán lẻ tẻ hoặc giao dịch qua mạng nhiều khi dẫn đến tình trạng đồ giả - đồ thật lẫn lộn, người mua ngậm đắng nuốt cay vì bị lừa. Phiên chợ được mở ra không khác một diễn đàn, quy tụ dân ham mê đồ cổ về đây thảo luận, thẩm định chất lượng của các món đồ cũ để khách hàng dù còn lơ ngơ cũng đảm bảo sẽ không bị lừa khi mua hàng tại chợ.

Lúc mới ra đời chợ được họp 2 tuần một phiên, nhưng do nhu cầu lớn, khách đổ về chợ nườm nượp nên chợ chuyển qua họp mỗi tuần một phiên. Không gian của chợ tiền thân là Lư trà quán nổi tiếng khắp Hà thành. Việc ra vào chợ họp, chỗ ngồi, bàn ghế đều hoàn toàn miễn phí. Anh Đỗ Phong (173 Ngõ Hà Trung, Hàng Bông), một chuyên gia buôn bán đồ cổ đã hơn chục năm này cũng góp mặt ở chợ với một sạp hàng lớn gồm đủ các loại gốm sứ từ các đời Trần, Lê, Nguyễn… Giá mỗi mặt hàng có thể lên tới chục triệu đồng, rẻ nhất cũng trên 1 triệu đồng nên khá kén người mua.

“Có ngày không bán được một sản phẩm nào nhưng tôi vẫn vui vẻ dạy các đàn em cách mua đồ cổ để không bị lừa, đồng thời tích cực giao lưu với các cửa hàng khác, thấy cái gì đẹp thì mua lại cho đồ nghề phong phú hơn”, anh Phong chia sẻ. Khác với anh Phong, anh Nguyễn Xuân Phúc (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) chăm chỉ đi chợ phiên đồ xưa vừa để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm xem xét đồ cổ, vừa là nghề làm thêm, kiếm tiền. Gian hàng của anh chỉ có mấy bình bi đông, quạt con cóc, đồng hồ cổ, bình trà… nhưng nhờ chịu thương chịu khó sưu tầm rồi bán lại, mỗi tháng anh Phúc cũng kiếm được 3 triệu đồng thêm thắt vào số tiền lương công chức ít ỏi để nuôi vợ con.

Điều thú vị nhất ở phiên chợ đó là phiên đấu giá từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân bị bỏng. Phiên chợ ngày càng được mở rộng, nhiều người từ Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… cũng về chợ giao lưu, buôn bán.

Trời đã ngả về chiều, người mua đã vãn, các hàng quán cũng tranh thủ dọn hàng để chạy cơn mưa. Ông Thu và cháu dắt nhau leo lên con dốc đầy rêu phong xanh rì. Cầm chiếc đèn dầu cũ trên tay, người cháu nói với: “Tuần sau ông cho cháu đi chợ tiếp nhé”, ông Thu gật gật rồi nhấc cháu lên chiếc xe đạp cũ, từ từ hòa vào đám đông, mất hút!

Hướng Dương
.
.
.