Chợ nói thách

Thứ Hai, 05/02/2007, 13:46

Một trong những chợ nói thách "ghê răng" ở Hà Nội là chợ Hôm. Chủ hàng thường nói thách gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Thế nên nếu khách không quen đi chợ này thì mua hàng bị hớ là chắc.

Sắp Tết, nổi hứng chưng diện mấy đứa chúng tôi rủ nhau đi chợ vải Phùng Khắc Khoan (Hà Nội) để mua vải nhung về đóng bộ diện Tết. Buổi trưa, mấy cô hàng vải thiu thiu ngủ, gặp được đoàn khách đông mở choàng mắt dậy đon đả mời chào.

Chao ôi là đủ các loại vải kiện Tây, Tàu, Việt Nam đều có hết, ưng loại gì, hỏi tới đâu cô hàng vải miệng đáp leo lẻo, tay thoăn thoắt lấy vải chào mời, người mua thế là hoa mắt cả lên. Hỏi một tấm nhung mận chín giá bao nhiêu một mét, cô hàng bảo lấy rẻ 120 ngàn. Bạn tôi kỳ kèo mãi rồi cũng mua được với giá 95 ngàn một mét.

Cái Thu lân la sang hàng bên cạnh chọn một tấm màu xanh vải y hệt giả vờ trả xuống 70 ngàn đồng/m. Cô hàng vải mặt nhăn nhó dứt khoát ăn lãi của em 5 ngàn một mét lấy hộ chỉ 75. Thế là cắt luôn 3 mét tý tởn chắc mẩm mình mua được món hời sát giá. Đem qua cửa hàng cô bạn vừa mua 95 ngàn đồng để so sánh. Cô hàng vải bên này vải đã cắt, tiền đã thu, mặt mày dày sẩn lên tỉnh quẹt: “Vải người ta khác với vải của chị. Em không nhìn ra à, lại còn đi so sánh, mất tình cảm ra”.

Cô bạn biết mình lớp tớp mua hớ đành rút êm, chửi nhau giữa chợ có mà thiệt. Thế nhưng choáng hơn là vải nhung đó giá thực chỉ 45 ngàn đồng/m thôi, trong khi đó cô hàng thét giá tới 120 ngàn đồng. Chợ gì mà nói thách đến thế thì chẳng biết đâu mà lần, người mua hàng chẳng biết đâu là giá trị thực, đâu là giá ảo thách lên trời nên kiểu gì người đi mua cũng bị lừa là cái chắc.   

Một trong những chợ nói thách ghê răng nữa là chợ Hôm trên đường Ngô Thì Nhậm, Phố Huế và Trần Xuân Soạn. Đi chợ ở đấy nếu biết giá thì mua được hàng đẹp giá khá rẻ so với các shop ở trên các phố. Ví dụ ở cửa hàng Phạm Ngọc Thạch, một chiếc đầm giá 180 ngàn thì ở chợ Hôm chỉ có 140 ngàn đồng. Một đôi boot nhãn hiệu Trung Quốc, trên phố Phan Bội Châu có giá 150 ngàn đến 180 ngàn đồng thì ở chợ Hôm chỉ có giá 100 ngàn đồng.

Thế nhưng đó là khách hàng sành về giá cả, chứ lơ tơ mơ thì “ăn đòn” là cái chắc vì bà chủ hàng có thể thét giá gấp đôi. Cứ người nào yếu bóng vía là đi đứt dám chắc cầm quả hớ về nhà ngay. Ngày mới ra Hà Nội, tôi cũng đã đóng góp cho chợ Hôm mấy quả hớ.

Không chỉ ở Hà Nội, mà ở Lạng Sơn cũng tồn tại những chợ nói thách ở trên trời trên đất, khiến bao nhiêu người đi mua hàng phải chết đau chết đớn vì hớ và bị lừa. Đó là chợ ở cửa khẩu Tân Thanh, các chủ hàng ở đây nói giá ngất trời. Đi mua hàng ở cửa khẩu Tân Thanh dứt khoát phải có người thổ địa dẫn đi chứ không thì mang về những quá hớ đậm đà là cái chắc.

Chợ ở cửa khẩu Tân Thanh mỗi buổi một giá. Buổi sáng đến trưa là nói thách cao ngất đến đỉnh điểm. Ví dụ một cái chăn loại đẹp nhất buổi sáng và trưa thét giá 600 ngàn đồng và bán 350 ngàn đồng nhưng đến chiều chỉ bán 250 ngàn đồng. Quá hơn, một chiếc áo ấm 800 ngàn đồng thì bán 300 ngàn đồng vào buổi trưa, 200 ngàn vào buổi chiều và lúc chiều tối soạn hàng đi về giá chỉ còn lại 180 ngàn đồng.

Nói thách, không có gì xa lạ với người Việt, bởi lẽ đó như là một nét văn hoá ứng xử mà từ xa xưa cha ông ta đã biết sử dụng như một thú vui. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường này, hình như việc nói thách được các thương nhân sử dụng một cách triệt để vào mục đích kinh doanh kiếm lời của mình. Khách hàng dù có sành sỏi đến đâu cũng không thể nào không có nguy cơ mua hớ so với giá trị thực.

Bởi, chỉ có những người đi buôn với nhau quen thuộc mặt hàng và giá cả mới biết được giá trị của mặt hàng đó là bao nhiêu tiền. Còn người tiêu dùng đơn thuần, dù có sành sỏi đến đâu cũng không thể kiểm soát được giữa giá trị thực và giá trị ảo vì có phải lúc nào họ cũng ra chợ mua hàng đâu mà biết. Biết cái điểm yếu đó của khách hàng nên tuỳ cơ ứng biến cứ thế mà thét giá, mà nói thách, trả được đến đâu thì trả, vặt được con gà béo nào thì vặt, kiểu gì người mua cũng thiệt chứ người bán chẳng thiệt đâu mà lo.

Mong rằng rồi đây, trước sự hội nhập kinh tế của WTO, những chợ nói thách ở Việt Nam mình không còn nữa

Lê Nguyễn Lam Thy
.
.
.