Vở kịch “Hàng xóm chung cư”:

Cho đi sự vị tha, để nhận về hạnh phúc

Thứ Tư, 22/05/2013, 09:55
“Hàng xóm chung cư” chính là cuộc sống thu nhỏ hàng ngày của nhiều người, mà hầu như, trong thực tế ai cũng gặp phải, với những khó khăn, mưu tính về tiền bạc, về tình yêu và cả nơi ăn chốn ở.

Thời gian gần đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đang “cựa mình” thức dậy với một phương thức có thể coi là “nhất cử lưỡng tiện”: phục dựng những vở kịch hay, ăn khách đã dàn dựng cách đây nhiều năm, để phục vụ khán giả. Với cách làm này, Nhà hát vừa khôi phục lại thương hiệu vốn sừng sững của một đơn vị “anh Cả” trong làng sân khấu, vừa giải quyết được khâu kịch bản đang là nỗi đau đầu của nhiều đơn vị nghệ thuật.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Những vở diễn mà Nhà hát đã dàn dựng hơn chục năm trước, đều có nội dung tốt, còn nguyên tính thời sự, mà nếu cứ “đắp chiếu” sẽ rất phí, khi chỉ có một lớp khán giả thời đó được xem, trong khi các đơn vị nghệ thuật vẫn thiếu kịch bản hay. Vì thế, Nhà hát quyết định lựa chọn phục dựng một số vở diễn tiêu biểu đã làm nên thương hiệu Nhà hát, để nhiều thế hệ khán giả tiếp tục được thưởng thức những vở diễn có chất lượng, đã được thử thách bằng niềm yêu mến của khán giả”.

Với phương châm đó, thời gian qua, “Nhân danh công lý” (Doãn Hoàng Giang), “Đi tìm điều không mất” (kịch bản: Lê Quý Hiền, đạo diễn: NSƯT Đỗ Kỷ) - những vở diễn đã góp phần tạo dựng uy tín cho Nhà hát, đã được dựng lại và nhanh chóng đến với khán giả cả nước với những phản hồi tích cực, qua những đêm diễn liên tục. Thành công ấy đã giúp Nhà hát tiếp tục bắt tay phục dựng “Hàng xóm chung cư” (tác giả: Thẩm Hồng Quang; đạo diễn: NSƯT Đặng Tú Mai) ra mắt khán giả Thủ đô vào cuối tuần qua.

Bối cảnh của vở diễn là một căn hộ chung cư chật chội được Nhà nước phân phối, nơi sinh sống của một cặp vợ chồng trẻ và một bà giáo 60 tuổi, không chồng. Không gian chật hẹp xảy ra nhiều va chạm, mâu thuẫn trong cuộc sống chung, khiến hai vợ chồng trẻ tìm cách “gả chồng” cho bà giáo bằng việc mạo danh, đăng tin tìm bạn đời cho bà trên báo.

Cảnh trong vở “Hàng xóm chung cư”.

Một ông thủy thủ già đọc được quảng cáo, đã tìm đến. Những tình huống trớ trêu nảy sinh: phóng viên đến đưa tin về điển hình đoàn kết, nên bà giáo phát hiện mình bị lừa, rất tức giận, rồi đôi vợ chồng trẻ cũng nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng chính sự xuất hiện của ông thủy thủ già với câu chuyện nhiều ý nghĩa của ông, đã khiến những người sống trong căn hộ chung cư thay đổi suy nghĩ, khi cả bà giáo lẫn đôi vợ chồng trẻ chợt nhận ra điều gì mình thực sự cần. Đó là tình người, là hạnh phúc, mà phải bắt đầu từ sự độ lượng, nhân văn, biết quan tâm đến người khác. Nhưng, khi bà giáo đồng ý với lời cầu hôn của ông thủy thủ, thì cũng là chuyến đi biển định mệnh cuối cùng của ông xảy đến.

“Hàng xóm chung cư” chính là cuộc sống thu nhỏ hàng ngày của nhiều người, mà hầu như, trong thực tế ai cũng gặp phải, với những khó khăn, mưu tính về tiền bạc, về tình yêu và cả nơi ăn chốn ở. Cái hay của vở diễn là ở chỗ, bên cạnh việc phản ánh khá chân thực một cuộc sống với những vị kỷ, mưu mô, thông qua cái nhìn hóm hỉnh, tạo nên những chuỗi cười dí dỏm, vở diễn còn chuyển tải một ý nghĩa xã hội sâu sắc: nếu mở rộng tấm lòng yêu thương thì cho dù trong không gian sống có nhỏ hẹp và chật chội, tình yêu và hạnh phúc cũng sẽ đến với tất cả mọi người.

Đã lâu, mới được xem các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam trong một vở diễn hay như thế. Sân khấu giản dị, không cồng kềnh, cầu kỳ từ đầu đến cuối. Dĩ nhiên, dàn diễn viên đều tay đã cuốn hút khán giả từ đầu đến cuối câu chuyện. Không phải bàn cãi về nhân vật ông thủy thủ của NSƯT Trung Anh, bởi tài năng và kinh nghiệm của một diễn viên tên tuổi đã khiến vai diễn ông Cao giản dị, gần gũi như trong đời thường, nhưng sức nặng của thông điệp lại thật sâu sắc. Lối diễn có chiều sâu tâm lý, khai thác kỹ lưỡng từng hành động của NSƯT Trung Anh, đã đưa câu chuyện từ những xung đột giữa bà giáo già với cặp vợ chồng trẻ, trở nên êm ấm một cách nhẹ nhàng đầy thuyết phục.

Vấn đề mấu chốt chính là sự thay đổi tư duy của mỗi người, để biết đón nhận cuộc sống nhẹ nhàng, hạnh phúc, thay vì những ngày tháng soi mói, ích kỷ với nhau. Truyền được ý nghĩa sâu xa này trong vở diễn, là có sự đóng góp quan trọng của NSƯT Trung Anh. Nghệ sĩ Hồng Loan cũng thể hiện xuất sắc vai bà giáo Phương qua cách biểu đạt tâm lý, qua từng cử chỉ, để lột tả đúng tính cách một người phụ nữ độc thân cao tuổi.

Có lẽ, một vai diễn khá ấn tượng trong vở diễn, còn phải kể đến Phương Nga với vai Mễ Linh khi cô diễn mà như không diễn, nên đã khắc họa nổi bật tính cách điển hình của một cô vợ trẻ khá đành hanh, nhưng rồi cũng đã hiểu rằng, cần phải vị tha, nhường nhịn hơn trong cuộc sống vợ chồng cũng như với hàng xóm, mới tìm được sự vui vẻ ở đời.

Các vai diễn của Tạ Tuấn Minh (Lưu Cường), Minh Hiếu (Lôi Tử) tung hứng ăn ý cho các bạn diễn để vở kịch tròn đầy như mong đợi.

Tiếc là, sau khi phục dựng, khán giả Hà Nội lại chưa có cơ hội thưởng thức vở diễn hấp dẫn này, vì Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mang đi biểu diễn ở nhiều tỉnh. Nhưng hy vọng, với cách làm mới này, khán giả cả nước sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều hơn nữa các tác phẩm nghệ thuật đích thực, với những diễn viên tài năng, góp phần khôi phục tình yêu sân khấu với người xem

Thanh Hằng
.
.
.