Chợ Viềng: “Mua may, bán rủi” và những nét đẹp nguyên sơ

Thứ Sáu, 07/02/2014, 13:49
Mỗi năm, nước ta có tới 7.000 lễ hội lớn, nhỏ. Điều này thể hiện sự phong phú, đa dạng trong sinh hoạt văn hoá dân gian. Thế nhưng gần đây, những hạt sạn trong các lễ hội đã phần nào làm phai nhạt đi tính thiêng cũng như giá trị văn hoá phi vật thể mà lễ hội mang lại. Bởi thế nên, những gì mà chợ Viềng – phiên chợ “mua may, bán rủi” (họp vào đêm mùng 7 đến mùng 8 Âm lịch tháng Giêng) còn giữ lại được thật quý báu.

Tôi từng tham gia rất nhiều lễ hội, từng mệt mỏi chen chân trong đám đông. Và không ít lần, tôi ngán ngẩm tự nhủ, sẽ không tham gia vào những lễ hội khi phải  chen lấn, xô đẩy, khấn vái vào lưng nhau…nữa. Thế nhưng, khi đi họp phiên chợ duy nhất một năm - chợ Viềng (Nam Định), tôi lại có một suy nghĩ khác.

Trước khi tham dự phiên chợ đặc biệt này, tôi từng biết đến câu: “Chợ Viềng hai chợ một phiên”; “Mùng Một ăn Tết ở nhà. Mùng Hai chơi điếm. Mùng Ba chơi đình. Mùng Bốn chơi chợ Quả Linh. Mùng Năm chợ Trình. Mùng Sáu chợ Gôi. Nghỉ ngày mùng Bảy mà thôi. Đến ngày mùng Tám đi chơi chợ Viềng. Chợ Viềng năm có một phiên. Cái nón em đội cũng tiền anh mua”…Đọc những câu này, tôi hiểu rằng chất dân gian thấm đẫm trong phiên chợ chỉ họp duy nhất một phiên trong năm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ này. Và rồi, khi tham dự phiên chợ “mua may, bán rủi” này, tôi đã được sống trong không gian sinh hoạt của văn hoá trồng lúa nước, của chất nông thôn Bắc Bộ dẫu rằng, tôi đang sống ở thời kỳ có tốc độ đô thị hoá chóng mặt.

Khách đến chợ Viềng thường mua 5 đồng xu để cầu may.

Cũng chen vai, thích cánh, cũng nam thanh, nữ tú, cũng khách tứ phương, cũng ô tô, xe máy... kéo về ùn ùn song cái chất nông thôn Bắc Bộ vẫn đậm đặc ngay khi đến chợ Viềng. Lý do ư? Ngay trên con đường cái quan, còn cách chợ cả 5-7km, tôi đã bắt gặp rất nhiều người nông dân đem cây cảnh đi bán. Có người bày cây ra các khu đất ven đường, nhưng cũng rất nhiều người để cây trên xe thồ. Đó là những chiếc xe đạp, xe máy được gắn thêm khung, níu thêm dây thừng để buộc cây. Họ là những nông dân trồng cây cảnh ở Nam Định, Ninh Bình. Cứ đến phiên chợ Viềng, lại chất cây lên xe thồ đi bán. Đó là cây lộc vừng, cây ngũ gia bì, cây địa lan… Những cây cảnh rất dung dị, giá rẻ rất dễ mua.

Trò chuyện với chú Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Nam Trực, tôi mới biết chú tham gia phiên chợ này từ khi còn là cậu bé. Bé thì theo bố mẹ đi chợ, lông lổng một chút thì theo anh chị. Khi thanh niên trai tráng thì đi cùng đám bạn… Ở các độ tuổi ấy, chú đến chợ Viềng để chơi. Còn khi đã là chủ gia đình rồi thì chú bán các loại nông sản, khi là thúng khoai, khi là cây cảnh… “Mãi rồi quen, năm nào cũng chuẩn bị hàng để đi chợ Viềng”.

Đến chợ Viềng, có một mặt hàng đập vào mắt người ta bởi nó bày bán rất nhiều. Đó là thịt bò. Những phản thịt, trên là những miếng thịt bò tươi rói, những cái đầu bò nhe răng… cười. Tất thảy, trông rất ngộ nghĩnh và phồn thực. Nó như khoe với người ta về sự được mùa, về sự ăn nên làm ra của nhà nông. Đến đây, những quán phở bò Nam Định mới được dựng lên khá nhiều và quán nào cũng đông. Nhấm nháp những miếng thịt bò trần hay bát phở nấu rất mộc, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, tươi của thịt bò xịn.

Trời càng tối, khách kéo đến chợ càng đông. Khách bị hút vào những điểm bán cây thế, với những dáng thế rất đẹp. Những cây này, có giá cả vài chục triệu. Người bán, cũng chẳng nghĩ là sẽ bán được những cây giá “khủng” này. Nhưng việc được nhiều người đến ngắm, đến hỏi han đã là thành công rồi. Còn người đi chợ như tôi, được ngắm nhìn những cây thế mới thấy được sự kỳ công của các nghệ nhân và sự đa dạng của tạo hoá.

Nhiều khách hàng thường đến đây để ngắm và chọn đồ cổ.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, ở Nam Định có 4 chợ Viềng. Các chợ Viềng phủ gần phủ Giầy, nơi thời bà chúa Liễu Hạnh, xã Trung thành, huyện Nam Trực; chợ Viềng chùa, gần chùa Bi nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh, huyện Nam Trực hiện là nơi tập trung đông người tham dự nhất. Cũng bởi đặc tính, họp vào ban đêm nên khi “sớt” google để tìm hiểu về chợ âm phủ, chợ Viềng cũng được xếp vào diện này.

Ở nước ta, có 4 chợ được gọi tên là chợ âm phủ là: Chợ Âm Dương (họp một phiên vào tối mùng bốn Tết ở làng Ó, xã Võ Cường, Bắc Ninh); chợ âm phủ Đà Lạt (chợ ăn đêm, họp hàng đêm ở Đà Lạt); chợ 19-12 ở Hà Nội (chợ được xây dựng tại nghĩa địa chôn cất những chiến sỹ và nhân dân hy sinh ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hiện nay chợ này đã bị xoá và thay vào đó bằng con đường 19-12) và chợ Viềng. Mặc dù được mệnh danh là chợ âm phủ nhưng ở chợ Viềng chẳng có sự mông mị, liêu trai. Có chăng, đến đây những người ưa thích hoài cổ sẽ được sống trong không gian cũ xưa khi đến khu vực bán đổ cổ, đồ giả cổ, đồ của thời bao cấp. Xin không bàn đến đồ cổ bởi sự đa dạng của đồ giả cổ ở đây rất dễ khiến người ta trà trộn làm cho thật giả lẫn lộn. Cái mà những người từng sống trong thời bao cấp hoặc ai đó muốn biết về cái thời đáng nhớ trong lịch sử hiện đại của nước nhà qua những vật dụng rất dễ tìm thấy ở đây. Đó là những cái đèn dầu, những cái đài, những cái bát, cái nồi, cái quạt… Những thứ mà người ta quen dùng cách đây vài mươi năm có giá trị vật chất rất ít nhưng giá trị tinh thần của nó thì không ai đong đếm được.

Nhiều người đến chợ Viềng để mua nông cụ.

Ở chợ Viềng, người ta dễ gặp những vị khách tay xách cái bu gà, cái lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, cái giọ, cái nơm… Đó là những vật dụng rất quen thuộc của nhà nông. Còn việc bắt gặp những người phụ nữ ngồi bán thúng khoai, thúng lạc hay rổ táo thì nhiều vô kể. Cái chất nông thôn thấm đẫm ở chợ Viềng giữa thời đại các thiết bị cảm ứng lên ngôi là thế đấy. Cái quý của chợ Viềng là ở đây

“Giá năm có mấy tháng Giêng. Mốii Giêng năm bảy lần Viềng em ơi” là câu ca để mà nam thanh, nữ tú “tán” nhau nghe sao mà hợp cảnh, hợp tình khi cái chất “mua may, bán rủi” nguyên sơ vẫn ở giữ được ở chợ Viềng đến thế

Cao Hồng
.
.
.