Chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của một điêu khắc gia Hungary

Chủ Nhật, 13/06/2010, 15:46
Mặc dù chưa từng đến Việt Nam, không hề chứng kiến hiện trường nhưng tin tức về chiến tranh Việt Nam trên báo đài đã tác động mạnh mẽ, thôi thúc nhà điêu khắc Farkas Aladasr sáng tạo nên những tác phẩm điêu khắc chính xác và tinh tế đến kinh ngạc.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary và nhằm góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Đại sứ quán nước Cộng hòa Hungary tại Hà Nội phối hợp với hội hữu nghị Việt Nam - Hungary tổ chức triển lãm tượng của nhà điêu khắc Hungary Farkas Aladasr tại phòng trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm “Hồ Chí Minh” của điêu khắc gia Farkas Aladasr.

Triển lãm gồm 38 tác phẩm của nhà điêu khắc Farkas Aladasr sáng tác tại Hungary trong thời kỳ nhân dân Việt Nam phải đương đầu với cuộc chiến đấu chống Mỹ giành độc lập. Những tác phẩm này đã được trưng bày lần đầu tiên tại Budapest năm 1965 và được giới thiệu tại triển lãm Beslin năm 1971.

Nhà điêu khắc Farkas Aladasr sinh năm 1909 tại Budapest và tốt nghiệp truường Cao đẳng nghệ thuật tạo hình Paris. Mặc dù chưa từng đến Việt Nam, không hề chứng kiến hiện trường, không có hiểu biết cụ thể nào về các chiến sỹ Việt Nam, nhưng tin tức về chiến tranh Việt Nam trên báo đài đã tác động mạnh mẽ, thôi thúc ông sáng tạo nên những tác phẩm điêu khắc chính xác và tinh tế đến kinh ngạc.

Chẳng hạn như: “Người du kích bị cụt một chân”, “Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị tử hình”, “Người đàn bà Việt Nam”, “Nữ tu sỹ tự thiêu”, “Người mẹ khi có báo động ở trong rừng”…

Tác phẩm “Việt Nam” và “Đoàn kết”.

Trên các tác phẩm điêu khắc ấy, người ta không thấy bạo lực mà chỉ thấy chủ nghĩa nhân văn và sự đồng cảm sâu sắc. Do điều kiện chiến tranh, những tác phẩm của ông không được đưa sang Việt Nam nhưng tin tức và những bức ảnh về chúng đã làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động và nghệ sỹ đã được mời sang thăm Việt Nam năm 1967. Sau khi về nước ông cũng đã tạc tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ sưu tập tượng của nhà điêu khắc Fakas Aladasr lần đầu tiên được trưng bày tại Việt Nam sáng 13/6 nhưng đã thu hút được đông đảo khách tham quan. Buổi triển lãm cũng chào đón bà Farkas Luca, con gái của cố nghệ sỹ và cô cháu gái của ông.

Ông Phạm Viết Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam – Hungary cho biết ông rất cảm động trước tâm huyết của người nghệ sỹ: “Những bức điêu khắc ấy không chỉ phản ánh sinh động cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam từ những tình tiết nhỏ bé nhất, như hình ảnh người dân ngồi bắn súng trên lưng trâu… mà còn thể hiện tình cảm chân chính của một người dân Hungary trước cuộc chiến tranh”.

Vũ Văn Tô, môn sinh CLB Vovinam, Học viện Ngoại giao ấn tượng nhất với tác phẩm “Qua cầu”. Em chia sẻ: “Mỗi tượng trên tác phẩm này có một sắc thái khác nhau, nhưng đều chỉ sự vất vả, thương yêu, đoàn kết, như một nhịp nối những con người cùng hoàn cảnh để cùng vượt qua khó khăn và chiến thắng. Dù đã được học lịch sử Việt Nam qua sách vở, báo đài nhưng qua triển lãm tượng của một nhà điêu khắc Hungary thế hệ trẻ chúng em cũng có dịp hiểu sâu hơn về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc”.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, trong ảnh là các môn sinh của CLB Vovinam Học viện Ngoại giao.

Triển lãm mở cửa trong 5 ngày (từ 13 - 17/6/2010) tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, 216 Trần Quang Khải, Hà Nội) sẽ đem đến cho người dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ cái nhìn khách quan nhất của một người nước ngoài về chiến tranh Việt Nam

Quỳnh Vinh
.
.
.